1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nỗi khổ sống cùng xú uế của người dân ở "con hẻm chó thả rông"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Nhiều lần bị đàn chó của hàng xóm rượt đuổi hay trước cửa nhà luôn bị "rải mìn", người nhà chị Nhung đành tự nhắc nhau luôn phải chú ý.

Ám ảnh chó thả rông

7h, như thường lệ, Hồng Nhung (25 tuổi, ngụ tại một con hẻm trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TPHCM) ra khỏi nhà để đến cơ quan làm việc. Vừa mở cửa, mùi nước tiểu, phân chó xộc thẳng vào mũi, chị lại phải nín thở, suýt ói.

Nỗi khổ sống cùng xú uế của người dân ở con hẻm chó thả rông - 1

Gia đình chị Nhung ám ảnh khi mỗi ngày đều bị tra tấn bởi xú uế từ vật nuôi của hàng xóm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Sáng nào cũng thế, mở cửa ra là phải ngửi mùi hôi, nhìn phân chó. Nhiều lần tôi vô tình giẫm "mịn" mà không hay biết, kết quả là hôm đó cả cơ quan… bốc mùi. Chuyện này khiến tôi thấy rất xấu hổ, ức chế lắm mà không biết phải làm sao", chị Nhung nói.

Hơn nữa, mỗi ngày ra khỏi nhà trong tình trạng này, bữa ăn sáng cũng thành vật vã. Nhiều lần thấy tận mắt người chủ sống ở hẻm khác còn dắt chó qua hẻm nhà mình cho vật nuôi phóng uế, chị Nhung tỏ thái độ.

Nhưng rồi mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.

"Từ nhà tôi ra đường lớn có 2 lối đi. Con hẻm lớn, dễ đi thì lại đầy "bom, mìn", sặc mùi xú uế, tôi thường phải lái xe máy cố len lỏi trong con hẻm nhỏ còn lại để tránh", chị Nhung bức xúc.

Không chỉ chịu cảnh môi trường sống mất vệ sinh, chị Nhung chia sẻ, gia đình chị còn phải nhắc nhở nhau phải cẩn thận, đi ra ngõ phải mang theo gậy hoặc đứng cách xa ít nhất nửa mét khi băng ngang nhà hàng xóm có nuôi chó. Mỗi lần đi ngang căn nhà này, chị Nhung lại phải nín thở, chạy cho nhanh vì mùi hôi kinh khủng.

Nỗi khổ sống cùng xú uế của người dân ở con hẻm chó thả rông - 2

Những con chó không được rọ mõm, thả rông nằm ngay trên lối qua lại của người đi bộ (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Họ không hề rọ mõm hay xích chó lại. Tôi nhớ mãi lần con chó sủa dữ dội, nhảy chồm tới vồ lấy khi tôi chạy xe đi ngang qua. Giật mình, luống cuống suýt ngã nhưng may mắn lần đó tôi né được", chị Nhung kể.

Không được may mắn như vậy, người thân của Trúc Phương (21 tuổi, ngụ tại một con hẻm ở đường Tôn Đản, quận 4) đã bị chó hàng xóm cắn trong trường hợp tương tự.

"Dù bị chó hàng xóm cắn nhưng cô của tôi chỉ được chủ chó đền tiền đi chích ngừa mũi đầu tiên. Những mũi tiêm phòng sau đó họ không đồng ý đưa tiền, cô tôi phải tự lo, để bảo vệ tính mạng bản thân", Phương bức xúc.

Nỗi khổ sống cùng xú uế của người dân ở con hẻm chó thả rông - 3

Chó thả rông, chạy trên đường Lý Thái Tổ (quận 1, TPHCM) (Ảnh: Nguyễn Vy).

Hơn nữa, Phương bộc bạch người thân của mình cũng ngán ngẩm khi hàng xóm liên tục thả rông chó, để chúng phóng uế bừa bãi ngay trước hàng ăn của gia đình.

"Cô tôi kinh doanh đồ ăn sáng. Mỗi buổi sáng, hàng xóm sẽ thả 3 con chó chạy quanh hàng ăn và đi vệ sinh ngay tại đó. Khách đến mua thức ăn nhiều lúc họ rất khó chịu và cũng có không ít người đến mua một lần rồi không quay lại nữa", chị Phương thở dài, nói.

Rủi ro với người già, trẻ nhỏ 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM cho hay đến nay, thành phố có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông gồm: 5 đội ở TP Thủ Đức; 2 đội ở quận 1; 1 đội ở quận 6; 10 đội quận 7; 2 đội quận 10; 11 đội quận 12; 12 đội quận Gò Vấp; 1 đội quận Bình Thạnh; 7 đội huyện Cần Giờ; 6 đội ở Củ Chi; 2 đội ở Hóc Môn. 

Theo đó, chó thả rông sẽ bị tạm giữ ở một địa điểm cách xa khu dân cư. Nếu người chủ muốn nhận lại chó thì phải đến UBND phường, xã nộp vi phạm hành chính và cam kết không tái phạm, để chó chạy rông.

Nỗi khổ sống cùng xú uế của người dân ở con hẻm chó thả rông - 4

Những chú chó được xích tạm bợ mà không được rọ mõm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Được biết, mức phạt sẽ là 400.000 đồng với lỗi thả rông cho và 1,5 triệu đồng nếu không rọ mõm. Nếu chó chưa được tiêm phòng dại, người chủ sẽ bị phạt thêm 1,5 triệu đồng.

Sau 48 giờ, trong trường hợp không có người đến nhận chó, lực lượng chức năng sẽ xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Dân trí, trong các con hẻm nhỏ trên địa bàn thành phố như ở quận 4, quận 10… nhiều vật nuôi vẫn được thả rông, không có rọ mõm và phóng uế bừa bãi ở không gian công cộng.

"Gia đình tôi chưa nghe tin có đội bắt chó này trên địa bàn quận, chắc khó làm ở các ngõ hẻm. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm thêm hoạt động tại khu vực để cuộc sống của người dân trên địa bàn tốt hơn", chị Hồng Nhung chia sẻ.

Dù trên địa bàn có 2 đội bắt chó, chị Hồng Hoa (ngụ quận 10) cho hay, những con chó thả rông, không rọ mõm ở hẻm mình sinh sống vẫn "nhởn nhơ".

"Hi vọng đội bắt chó sẽ rà soát nhiều ở các con hẻm để xử lý tình trạng này. Trong hẻm không ít nhà có trẻ em, người già, chúng tôi càng lo lắng khi nhiều chủ chó thiếu trách nhiệm, không tuân thủ các quy định an toàn khi nuôi thú cưng", chị Hoa nói.

*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu