Huyện biên giới "tuyên chiến" với vấn nạn tảo hôn

Hoàng Lam

(Dân trí) - Lần đầu tiên, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn. Trong vòng chưa đầy nửa năm, có 150 trường hợp bị xử phạt.

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2019, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có 145 trường hợp tảo hôn, năm 2020 là 189 trường hợp và năm 2021 là 182 trường hợp. Năm 2022, địa phương này ghi nhận 171 trường hợp tảo hôn.

Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023, có 154 học sinh bậc trung học cơ sở tại Kỳ Sơn nghỉ học, trong đó, 70 em đi làm công ty, 57 em lấy vợ, lấy chồng tập trung chủ yếu ở lứa tuổi 14-15.

Theo ngành chức năng huyện Kỳ Sơn, tình trạng tảo hôn, tổ chức tảo hôn được ghi nhận tại 10/21 xã, thị trấn và xảy ra chủ yếu ở đồng bào dân tộc Mông, một số ít trong cộng đồng đồng bào Thái, Khơ mú. Điều này xuất phát từ tập quán văn hóa và quan niệm hôn nhân cũng như sự bất bình đẳng về giới tính vốn "ăn sâu, bén rễ" trong đời sống của đồng bào.

tuyentruyen_khongtaohon_Kyson_M. Vũ

Cán bộ Phòng tư pháp Kỳ Sơn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết tới học sinh bậc trung học cơ sở (Ảnh: M. Vũ).

Nhiều giải pháp được huyện Kỳ Sơn đề ra và thực hiện trong những năm qua nhưng bất chấp nỗ lực của ngành chức năng, tình trạng tảo hôn tại huyện biên giới này chưa có chiều hướng giảm.

Bên cạnh đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, các nguyên nhân khác cũng đã được ngành chức năng huyện Kỳ Sơn chỉ rõ, gồm công tác giáo dục, gia đình, lao động việc làm, tâm sinh lý và cả suy nghĩ, quan niệm tình yêu, hôn nhân, xu hướng nghề nghiệp của một bộ phận học sinh.

Trước đây, không ít cuộc hôn nhân của người Mông được hình thành từ nhu cầu về lao động của bố mẹ bất chấp việc cô dâu, chú rể còn đang ở tuổi vị thành niên, thậm chí là dưới 13 tuổi.

Thời gian qua, ngành chức năng ghi nhân một số cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi xuất phát từ chính các em, có trường hợp gây sức ép, thậm chí là dọa ăn lá ngón tự tử nếu bố mẹ từ chối tổ chức đám cưới.

Một nguyên nhân không thể không nhắc tới là việc chấp hành pháp luật của các bậc cha mẹ và chính bản thân các em còn rất nhiều hạn chế, dẫn tới vấn nạn tảo hôn vẫn nhức nhối ở huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An.

Huyện biên giới tuyên chiến với vấn nạn tảo hôn - 2

Tổ chức cho học sinh trên địa bàn huyện Kỳ Sơn ký cam kết không tảo hôn (Ảnh: M. Vũ).

Để kéo giảm tình trạng này, ngày 14/4, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành công văn về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn.

"Đây là lần đầu tiên huyện Kỳ Sơn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn. Điều này cho thấy quyết tâm cao của huyện Kỳ Sơn trong đấu tranh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn này", ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết.

Theo thông tin ông Tuấn cung cấp, thời điểm này, huyện Kỳ Sơn đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 150 trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn với số tiền hơn 271 triệu đồng. Đây là những vụ tảo hôn xảy ra từ đầu năm 2023 đến tháng 9 vừa qua.

Các trường hợp bị xử phạt hành chính sẽ được thông tin rộng rãi trong các cuộc họp bản và trong cộng đồng dân cư nhằm nhắc nhở, răn đe, phòng ngừa các vụ việc tương tự.

Song song với xử phạt vi phạm hành chính, công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết bằng nhiều hình thức tới từng xã, từng bản, từng cụm dân cư, từng hộ dân và trường học đã được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện Kỳ Sơn đã tổ chức cho người dân, học sinh ký cam kết không tảo hôn.

"Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết bước đầu ghi nhận kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để đẩy lùi, tiến tới ngăn chặn tình trạng này, cần cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao hơn của cả hệ thống chính trị và người dân", ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.