Điều đặc biệt sau mức lương hưu gần 2 triệu đồng/tháng của người nông dân

Hoa Lê

(Dân trí) - Để có mức lương hưu gần 2 triệu đồng/tháng, người phụ nữ nông dân phải nỗ lực, co kéo để duy trì mức đóng bảo hiểm xã hội theo quý đến khi đủ điều kiện nhận chế độ hưu trí.

Mỗi tháng, bà Phùng Thị Sỹ (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) được lĩnh lương hưu gần 2 triệu đồng. Bà là nông dân đầu tiên tại huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) có lương hưu.

Việc bà Sỹ nhận lương hưu phá vỡ định kiến "làm gì có người nông dân nào được về hưu" tại địa phương.

Tháng 10/2023, bà tròn 56 tuổi, có 20 năm bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trước đó, khi đủ tuổi nghỉ hưu, bà quyết định đóng một lần cho số năm còn thiếu để đủ 20 năm tham gia bảo hiểm.

Bà được Bảo hiểm xã hội huyện Cẩm Khê trao quyết định nghỉ hưu. Trong giây phút đó, bà Sỹ vỡ òa hạnh phúc. Mong mỏi được cầm khoản lương hưu hằng tháng của bà mấy chục năm đã thành hiện thực.

Sau khi quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực 1 năm, bà đã để tâm tìm hiểu chính sách này. Trong quá trình tìm hiểu và có ý định tham gia, nhiều người cho rằng bà quá gan dạ, đi ngược với suy nghĩ của số đông bấy giờ.

Khi đó kinh tế gia đình khó khăn, cả nhà trông vào vài sào ruộng cấy lúa, trồng hoa màu. Chồng bà đi phụ xây, nuôi con nhỏ ăn học.

Ngoài làm nông nghiệp, bà cũng thích cực tham gia các hoạt động của ban ngành, đoàn thể tại địa phương. Sau khi tìm hiểu kĩ về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bà Sỹ quyết tâm tham gia với mức đóng thấp nhất, hình thức đóng theo quý.

Điều đặc biệt sau mức lương hưu gần 2 triệu đồng/tháng của người nông dân - 1

Bà Phùng Thị Sỹ nhận quyết định nghỉ hưu (Ảnh: BHXH huyện Cẩm Khê).

"Tôi nhìn từ trường hợp của bố mẹ mình không có lương hưu, về già sống phụ thuộc hoàn toàn vào các con. Tôi muốn có một khoản để dành, được tự chủ tài chính, không phiền hà đến các con khi về già", bà Sỹ nói.

Trong thâm tâm của bà, mỗi người con đều có gia đình riêng phải lo toan. Bà không muốn làm gánh nặng trên vai bất kì ai. Đó là lý do thôi thúc bà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trong những năm qua, gia đình còn gặp khó khăn, nhưng riêng khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được bà dành dụm, chuẩn bị trước mỗi quý đến hạn. Có thể thiếu ăn, thiếu mặc, bà nhất định không để thiếu tiền đóng bảo hiểm.

Năm 2020, bà quyết định xuống Hà Nội làm nhân viên bán hàng cho một công ty. Thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng. Số tiền này giúp bà có thể tiếp tục duy trì tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, một khoản tiết kiệm hàng tháng.

Sau 5 tháng nhận lương hưu, bà nhận ra gần 2 triệu đồng là số tiền rất nhỏ bé song với người già lại là khoản rất quan trọng, chi phí ăn uống không phải lo.

Thêm vào đó bà có bảo hiểm y tế, hỗ trợ đắc lực với người cao tuổi lúc già yếu. "Có lương hưu, đến khi nhắm mắt, xuôi tay chúng tôi không phải lo lắng, trông cậy con cái nữa", bà Sỹ chia sẻ.

Không chỉ vậy, mỗi năm, lương hưu đều được điều chỉnh. Dự kiến 1/7 tới đây, bà cũng như hàng triệu người khác sẽ được tăng lương hưu, giúp cải thiện cuộc sống của người cao tuổi.

Sau quá trình trải nghiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bà nhận ra rằng đây là khoản để dành, lúc còn trẻ cố gắng dành dụm để khi về già có khoản trang trải cuộc sống.

Bà Sỹ là một trong ba nông dân ở tỉnh Phú Thọ đã nắm trong tay khoản lương hưu. Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Thọ có trên 50.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhờ công tác truyền thông và mở rộng mạng lưới thu bảo hiểm xã hội tự nguyện đến từng thôn, bản, tổ dân phố…, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia.

Từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ 1/7/2023, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% đến 20,8%.

Người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà vẫn hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng thêm. Cụ thể: Người hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng lên 3 triệu đồng/tháng.