Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:

Câu chuyện đổi đời của những gia đình từng phải chạy ăn từng bữa ở Eabar

Trung Thi

(Dân trí) - Nhiều người dân đồng bào vùng cao ở Phú Yên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Trước đây, gia đình chị H Mon Ni Ê (ở xã Eabar, huyện Sông Hinh, Phú Yên) thuộc diện hộ nghèo của địa phương, quanh năm phải chạy ăn từng bữa, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Để giúp gia đình chị Ni Ê, Hội phụ nữ và Hội nông dân xã Eabar đã vận động kinh phí, hỗ trợ gia đình một cặp dê nái, chăn nuôi phát triển kinh tế. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, thấy hiệu quả kinh tế tốt nên gia đình Ni Ê vay thêm 80 triệu đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi được hỗ trợ lãi suất của Chính phủ để đầu tư, cũng như sửa chữa lại nhà cửa.

Câu chuyện đổi đời của những gia đình từng phải chạy ăn từng bữa ở Eabar - 1

Chị H Mon Ni Ê được hỗ trợ dê nái, vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế (Ảnh: Trung Thi).

Từ không có gì trong tay, nay đàn dê của chị Ni Ê đã có 17 con, dự kiến xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán năm nay để thu hồi lại vốn. Ngôi nhà của gia đình chị Ni Ê cũng được sửa sang lại theo tiêu chí nền cứng, tường cứng và mái cứng, chỗ ở ổn định.

"Nhờ được các hội đoàn thể của địa phương quan tâm, cũng như chính sách vay vốn ưu đãi của Chính phủ mà kinh tế, chỗ ở của gia đình tôi được ổn định hơn. Năm vừa qua gia đình cũng đăng ký thoát nghèo, nhường sự giúp đỡ, hỗ trợ lại cho các hộ khó khăn hơn", H Mon Ni Ê chia sẻ.

Câu chuyện đổi đời của những gia đình từng phải chạy ăn từng bữa ở Eabar - 2

Đàn dê của chị Ni Ê phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế tốt (Ảnh: Trung Thi).

Tại huyện Đồng Xuân, nhiều gia đình cũng được tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Đây cũng là mô hình thực hiện hiệu quả Dự án 3 với mục tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia kể trên.

Hộ anh Sô Minh Hoàng (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) trước đây vô cùng khó khăn, khi không có chỗ ở, việc làm không ổn định.

Vừa qua, anh Hoàng được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đồng Xuân cho vay 60 triệu đồng theo Nghị định 28. Có số tiền này, anh sửa chữa nhà ở kiên cố và đầu tư trồng mía, sắn kết hợp chăn nuôi bò. Đến nay, kinh tế gia đình phát triển ổn định, anh Hoàng dần trả được nợ và vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đồng Xuân, cho biết để nhiều người được tiếp cận nguồn vốn vay của Nghị định 28, phòng giao dịch đã tích cực tuyên truyền về những ưu đãi của gói vay đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ, giải ngân cũng thực hiện chặt chẽ đúng đối tượng nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, chương trình đề ra, góp phần an sinh xã hội trên địa bàn.

Câu chuyện đổi đời của những gia đình từng phải chạy ăn từng bữa ở Eabar - 3

Nhờ vào các gói vay lãi suất ưu đãi, nhà cửa của người dân vùng cao tỉnh Phú Yên được khang trang, vững chắc hơn (Ảnh: Trung Thi).

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị định 28/2022/NĐ-CP, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Yên đã cho hơn 1.200 hộ vay với số tiền đã giải ngân gần 60 tỷ đồng.

Qua theo dõi cho thấy, các hộ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, một số mô hình kinh tế tiêu biểu được nhân rộng, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xây dựng nhà ở ổn định.

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Yên, cho biết thuận lợi nhất của chương trình cho vay theo Nghị định 28 là lãi suất chỉ từ 3% đến 3,3%/năm và mỗi hộ có thể tích hợp vay cùng lúc để xóa nhà tạm, chăn nuôi hoặc chuyển đổi nghề.

Ngoài ra, ngân hàng còn linh động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh huy động thêm nguồn quỹ Vì người nghèo để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện xây dựng nhà ở theo phương châm "3 cứng" nền cứng, tường cứng và mái cứng.