Cách tính lương hưu cán bộ công chức có lợi hơn người lao động?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Trong khi lương hưu của người lao động (NLĐ) khu vực ngoài nhà nước tính bằng trung bình toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì khu vực nhà nước chỉ tính một số năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Phát biểu tại hội thảo "Lấy ý kiến người lao động về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH (sửa đổi)", đại diện công đoàn một số doanh nghiệp thắc mắc về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu có sự phân biệt giữa NLĐ khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Theo ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch Công đoàn công ty TNHH PouYuen Việt Nam, hiện lương hưu của NLĐ khu vực ngoài nhà nước được tính căn cứ vào tiền lương toàn thời gian tham gia BHXH. Còn lương hưu của NLĐ khu vực nhà nước chỉ tính một số năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Cách tính lương hưu cán bộ công chức có lợi hơn người lao động?  - 1

Ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch Công đoàn công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Kim Vĩnh Cường cho rằng, điều 79 trong dự thảo luật BHXH (sửa đổi) cũng nhắc lại vấn đề này, quy định lương hưu của NLĐ khu vực nhà nước được tính từ 5 năm đến 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Chỉ những người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi mới tính bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH như NLĐ khu vực ngoài nhà nước.

Trong khi đó, NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì lương hưu tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Theo ông Kim Vĩnh Cường, cách tính lương hưu toàn bộ thời gian tham gia BHXH khiến lương hưu của NLĐ khu vực ngoài nhà nước thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Nguyên nhân là vì lương những năm đầu tham gia BHXH, trước khi lương tối thiểu vùng ra đời thì lương của NLĐ rất thấp.

Do đó, ông Kim Vĩnh Cường kiến nghị thay đổi cách tính lương hưu của NLĐ khu vực ngoài nhà nước bằng bình quân lương tham gia BHXH một số năm cuối trước khi nghỉ hưu như NLĐ khu vực nhà nước.

Cụ thể, ông Kim Vĩnh Cường đề xuất cho NLĐ khu vực ngoài nhà nước tham gia BHXH từ năm 2014 trở về trước được tính lương hưu là bình quân tiền lương 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Còn người tham gia BHXH từ ngày 1/1/2015 trở đi thì tính lương hưu là bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Trả lời ý kiến các đại biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cách tính lương hưu theo 2 khu vực như trên là do yếu tố lịch sử.

Cách tính lương hưu cán bộ công chức có lợi hơn người lao động?  - 2

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ban đầu, chính sách BHXH chỉ áp dụng cho khu vực nhà nước. Sau đó, qua các lần hoàn thiện thì chính sách BHXH mở dần sang khu vực doanh nghiệp. Chuyển biến mạnh là vào năm 1995, khi quỹ BHXH tách ra, độc lập với ngân sách nhà nước.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, trước năm 1995, NLĐ khu vực nhà nước về hưu thì tính lương hưu theo tiền lương tháng của tháng trước khi nghỉ hưu, mức hưởng tối đa đến 95%. Từ năm 1995, khi mở rộng ra ngoài mới có lộ trình tính lương hưu cho NLĐ khu vực nhà nước theo một số năm cuối trước khi nghỉ hưu, rồi dần tiến tới tính toàn bộ quá trình tham gia BHXH.

Ông Nguyễn Duy Cường nói: "Từ năm 1995, khi thực hiện tách quỹ BHXH độc lập khỏi ngân sách, chúng ta cũng bàn khu vực ngoài nhà nước cũng có lộ trình tính một số năm cuối như khu vực nhà nước được không?".

Tuy nhiên, khi tính toán thì nhận thấy cách trả lương của khu vực ngoài nhà nước không giống khu vực nhà nước. Khu vực nhà nước thì lương cơ bản tăng theo thâm niên. Còn khu vực doanh nghiệp thì lương tính theo năng suất lao động, không phải là làm việc lâu thì lương cao, người lớn tuổi có khi bị giảm lương.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, nếu khu vực doanh nghiệp tính lương hưu theo một số năm cuối thì có một số người sẽ lợi hơn nhưng cũng có nhiều người khác sẽ thiệt hơn.

Cách tính lương hưu cán bộ công chức có lợi hơn người lao động?  - 3

Ở khu vực doanh nghiệp, lương tính theo năng suất lao động, không phải là làm việc lâu thì lương cao (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Ông Nguyễn Duy Cường cho biết: "Qua các lần sửa đổi, về cơ bản đều theo xu hướng là tiến tới khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước có cách tính đóng, tính hưởng đảm bảo như nhau. Tuy nhiên, không thể sửa ngay lập tức mà cần có lộ trình thay đổi".