Dạ dày cá ba sa chiên giòn

(Dân trí) - Theo những bậc cao niên, nguồn gốc cá ba sa có từ vùng thượng Lào, chúng trú ngụ sinh sản nhiều nhất ở biển hồ. Lúc nở, cá giống như bột gạo nhỏ li ti trôi theo dòng Mê kông chảy vào đất Việt, từ đó người ta hớt chúng về nuôi bằng bè.

Cá ba sa làm các món ăn đều ngon, thịt cá săn, béo lại thơm, có nhiều lợi ích về dinh dưỡng, nhất là trong mỡ cá chứa DHA, Omega 3. Không những toàn bộ thịt cá basa, đầu cá, đuôi cá đều làm món ăn, mà những phụ phẩm của cá như bao tử, tưởng rằng có thể bỏ đi nhưng vị ngọt, dòn của bao tử đã níu chân thực khách trong lần ăn đầu tiên. Thế là người nội trợ với bản tính chịu thương chịu khó đã tận dụng bao tử cá ba sa để chế biến nhiều món ăn độc đáo trở thành đặc sản như bao tử xào hành, khìa nước dừa, xào chua… đặc biệt, món “bao tử ba sa chiên dòn” được nhiều người ưa thích.
 
Bao tử mua về rửa sạch bằng cách ngâm muối, dùng phèn chua chà sạch. Sau đó, dùng nước cốt chanh tươi rửa khử mùi tanh, để ráo. Thịt nạc heo rửa sạch, bằm nhuyễn ướp gia vị cùng hạt nêm, dồn thịt vào bao tử.

Bao tử cá ba sa chiên giòn
Bao tử cá ba sa chiên giòn
 
Bột mì trộn ít bột gạo, quậy đều với nước sền sệt, cho bao tử vào lăn bột.

 
Bột mì trộn ít bột gạo, quậy đều với nước sền sệt, cho bao tử vào lăn bột.
 
Chảo dầu thật sôi, nhúng bao tử ngập dầu, khi bột ngã màu vàng cũng là lúc bao tử chín dòn, vớt ra liền nếu chậm sẽ bị cháy khét.
 
Bao tử được chấm với muối tiêu chanh, món ăn này có lẽ hơi nặng bụng nên chủ nhân kèm theo dĩa rau răm và gừng . Theo các nhà khoa học, ăn rau răm để kích thích tiêu hóa, chữa dạ dày lạnh, đầy hơi, tiêu thực... Riêng về ăn gừng phòng chống rối loạn tiêu hóa do thức ăn lạ, làm tăng nhu động ruột, tăng tiết dịch, tăng hấp thu…
 
Vị ngọt, dòn của bột, của bao tử, vị béo thơm của thịt, cay chua mặn của gừng, của rau răm, chanh, tiêu muối… ăn một lần là nhớ mãi.
 

Đức Đạt