1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xây mới Bảo tàng lịch sử: Còn nhiều mối lo

Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cuối cùng cũng được hoàn tất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vậy là, tới đây lần đầu tiên VN sẽ có một Bảo tàng Lịch sử quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế...

Cấu trúc nội dung trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) mới: Còn nhiều “khoảng trống”

 

Theo đề án, cấu trúc nội dung trưng bày sẽ gồm 3 phần chính: trưng bày thường trực (bao gồm hệ thống trưng bày theo tiến trình lịch sử và trưng bày các chuyên đề, các sưu tập bổ trợ cho hệ thống trưng bày theo tiến trình lịch sử và trưng bày ngoài trời); trưng bày có thời hạn (giới thiệu các hiện vật mới sưu tầm) và không gian trưng bày khám phá - sáng tạo dành cho thiếu nhi.

 

Ngoài ra, những hiện vật có khối lớn như tháp Chàm (miền Trung), các con thuyền cổ bị đắm trong vùng biển VN, máy bay Mỹ bị bắn rơi... cũng sẽ được phục dựng và đem trưng bày.

 

Ý tưởng trưng bày thì phong phú song vẫn còn khá nhiều “khoảng trống” trong BTLSQG tương lai.

 

Bởi hiện nay rất nhiều vấn đề lịch sử trong từng triều đại và giai đoạn lịch sử chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa có tư liệu đầy đủ (ví dụ như vương triều Nhà Mạc) sẽ gây nên sự hụt hẫng.

 

Vì vậy, cách trình bày lịch sử VN - dù theo diễn trình hay theo chuyên đề, trong điều kiện một số giai đoạn lịch sử còn thiếu nhiều hiện vật, sẽ khó tránh khỏi đơn điệu vì phải sử dụng trùng lặp hiện vật minh họa.

 

Hơn nữa, nếu thể hiện các chuyên đề như: nông nghiệp, thủ công nghiệp, tôn giáo, nghệ thuật biểu diễn... có thể dẫn đến trùng lặp với các bảo tàng Nông nghiệp, Mỹ thuật...

 

Vậy thì, điều trước mắt là “nếu không đưa vào “quan điểm chỉ đạo” tính không thể hoàn chỉnh ngay thì khi thiết kế sẽ không tính đến những không gian dự phòng cho quá trình bổ sung theo thời gian hoạt động của bảo tàng. Đây sẽ là điều gây bất cập trong tương lai”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định.

 

Đi tìm địa điểm mới

 

Bộ VHTT đã lựa chọn 2 khu đất: Khu thứ nhất nằm ở phía Tây khu đô thị mới Tây Hồ và khu đất số 2 nằm ở phía Đông đường Phạm Hùng (vành đai 3), cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia (mới) khoảng 1 km về phía Bắc với diện tích là 12 ha.

 

Phương án 1 có thuận lợi là diện tích khu đất rộng, trong tương lai sẽ là khu vực trung tâm hiện đại của thành phố. Tuy nhiên, nếu lựa chọn phương án này, thành phố sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết khu đô thị mới phía Tây Hồ Tây vừa mới được phê duyệt tháng 3/2005 và thu hẹp một phần diện tích dự kiến xây dựng Công viên Hữu nghị.

 

Việc này sẽ gây những xáo trộn không cần thiết. Còn phương án 2 thì có một số ưu điểm so với phương án 1 như: gần trung tâm thành phố; có thể tiến hành xây dựng ngay do khu đất hiện tại là đất nông nghiệp, không có dân cư; giao thông thuận lợi, sẵn có hệ thống cấp nước, điện; nền đất xây dựng cao, ít tốn kém kinh phí san lấp mặt bằng.

 

Tuy nhiên, nếu phương án này được chấp thuận thì sẽ vấp phải khó khăn là phải thu nhỏ diện tích đất xây dựng khu công viên (cũng đã được phê duyệt) và điều chỉnh lại nút giao thông phía Đông khu đất.

 

Theo Tiền phong