1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiên Giang:

Vụ cháy rừng ở U Minh Thượng: Chủ rừng chủ quan

(Dân trí) - Vụ cháy rừng sản xuất gây thiệt hại hơn 30 ha vừa xảy ra ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã cho thấy nhiều vấn đề trong công tác PCCC rừng của đơn vị trực tiếp quản lý khu rừng này.

Khu rừng sản xuất rộng 1.200 ha trước đây do Phòng Hậu cần Công an tỉnh Kiên Giang quản lý. Năm 2008 giao lại cho Công ty Trần Thái trực tiếp quản lý, khai thác làm du lịch. Công an tỉnh chỉ làm công tác phối hợp trong việc giám sát. 

Đầu mùa khô, nhiều đoàn kiểm tra về công tác phòng chống cháy rừng đã đến kiểm tra và phát hiện nhiều vấn đề yếu kém trong khâu phòng chống cháy rừng. Với diện tích 1.200 ha nhưng chỉ có 2 máy chữa cháy đã cũ với 150m dây dẫn nước và chỉ có 3- 4 người quản lý.     

Trong thời gian qua, công ty xả nước để thu hoạch cá nhưng lại không bơm nước vào lại khiến cho mực nước trong các kênh giảm khoảng 1m so với mặt rừng. Trước thời điểm xảy ra cháy rừng, mực nước trong các kênh chỉ còn khoảng 5cm, không đảm bảo nguồn nước để chữa cháy khi sự cố xảy ra.

Phát hiện những hạn chế này, nhiều đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty khẩn trương sửa chữa trạm bơm, bơm nước vào các kênh trong rừng và tăng cường thêm phương tiện chữa cháy như mua thêm 2 máy mới và chuẩn bị từ 1.500 – 2.000m dây dẫn nước mới đảm bảo trong mọi tình huống. Đồng thời tăng cường thêm con người túc trực thế nhưng khi xảy ra cháy thì hầu như đơn vị vẫn không khắc phục.  

Vụ cháy rừng ở U Minh Thượng: Chủ rừng chủ quan
Nguyên nhân cháy hàng chục hecta rừng sản xuất ở U Minh Thượng có yếu tố con người nên cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra

Đại tá Lê Hoàng Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, Phó ban chỉ đạo PCCC tỉnh cho rằng: "Qua 2 lần chúng tôi đi kiểm tra đề nghị khắc phục trong thời gian ngắn nhất nhưng đến nay qua vụ cháy rừng đợt rồi, chúng tôi đến nơi thì vẫn chưa khắc phục được gì. Nguyên nhân nữa là do hạ mực nước quá thấp dẫn đến khô mặt rừng làm cho cháy ngầm, cháy sâu khó khắc phục, khó sửa chữa.

Riêng về công tác chữa cháy rừng qua sự cố vừa rồi cũng có nhiều bất cập được nêu ra để rút kinh nghiệm. Mặc dù lực lượng được điều động để tham gia chữa cháy rất đông với hàng trăm người và nhiều phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp được huy động đưa vào hiện trường nhưng thực tế chỉ có khoảng 50% phương tiện hoạt động được. Còn lại đa số đã hư hỏng, không được bảo quản, bảo trì thường xuyên… nên không hoạt động được khiến cho công tác chữa cháy cũng phần nào bị lúng túng, khó khăn.

Về nguyên nhân xảy ra cháy, Đại tá Lê Hoàng Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh nhận định có yếu tố con người nên đã chỉ đạo Công an huyện U Minh Thượng thành lập chuyên án để điều tra, làm rõ nguyên nhân cháy rừng. Riêng kinh phí tham gia chữa cháy hàng trăm triệu đồng, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng đơn vị chủ rừng tức Công ty cổ phần du lịch U Minh phải chịu hoàn toàn. Riêng về những tắc trách, yếu kém trong khâu phòng chống cháy rừng thì tỉnh sẽ có biện pháp xử lý sau khi điều tra cụ thể  nguyên vụ cháy.

Ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói: "Chúng tôi đang chỉ đạo lực lượng phòng cháy báo cáo tình hình cháy, trong đó có mức độ thiệt hại, nguyên nhân như thế nào và trách nhiệm cháy thuộc về ai. Sau khi có báo cáo chính thức chúng tôi sẽ có hình thức xử  lý đối với công ty. Đối với kinh phí phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định chủ rừng phải chịu trách nhiệm về việc này".

Nguyễn Hành – L. H