1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Vợ sinh con, chồng được nghỉ 5-7 ngày

(Dân trí) - Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang tạo chú ý với điều chỉnh mới nhất là rút đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Quyền lợi của người đóng bảo hiểm cũng được tăng cường với quy định thời gian nghỉ thai sản dành cho lao động nam khi có vợ sinh con.

Trình Quốc hội luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dự thảo luật điều chỉnh, bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia bảo hiểm xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Một nội dung cụ thể về chế độ thai sản, dự thảo luật bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp người vợ sinh con phải phẫu thuật (điểm đ khoản 1 Điều 30, khoản 2 Điều 33).
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Điểm đ, khoản 1 Điều 30 quy định một điều kiện hưởng chế độ thai sản là “lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con” bên cạnh các trường hợp khác như “lao động nữ mang thai, sinh con”, “người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi”.

Khoản 2 Điều 33 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con ghi rõ “lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc hoặc 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính kể từ 30 ngày đầu vợ sinh con”.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi quy định về trợ cấp một lần khi sinh con theo hướng trong trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con (Điều 36).

Cũng để tăng thêm quyền lợi của người lao động tham gia đóng bảo hiểm trong trường hợp nghỉ thai sản, cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn khả năng chăm sóc con (có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền) thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi (khoản 4 Điều 33).

Được biết, điều chỉnh mới nhất trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gần đây là cơ quan soạn thảo dự thảo đã rút nội dung liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Đề xuất này được đưa ra trước đó với nội dung tăng dần tuổi nghỉ hưu của nữ tới khi đạt mức 60 tuổi và nam đạt mức 62 tuổi.

Việc này để chống nguy cơ vỡ quỹ lương hưu mà theo tính toán, cảnh báo, việc này sẽ xảy ra vào năm 2034. Tuy nhiên, thẩm tra nội dung này, UB Các vấn đề xã hội cho rằng, hướng khắc phục sự mất cân đối của quỹ lương hưu một cách bền vững phải là điều chỉnh mức đóng – hưởng bảo hiểm hiện nay chứ không phải “nới” tuổi nghỉ hưu.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó, đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới ba tháng. Với bảo hiểm xã hội tự nguyện, mở rộng đối tượng theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia, có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

P.Thảo