1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vĩnh biệt “cậu Tú Loan”

(Dân trí) - Nhà thơ Hữu Loan - tác giả <i>Màu tím hoa sim</i> nổi tiếng đã tạ thế ngày 18/3/2010 thọ 95 tuổi tại Nga Sơn - Thanh Hóa. Thêm một nhà thơ đàn anh lận đận một thuở đã ra đi. Trong số họ, hình như chỉ còn lại Hoàng Cầm.


Vĩnh biệt “cậu Tú Loan” - 1

Nhà thơ Hữu Loan

Hữu Loan sinh ngày 2/4/1916, đồng niên với Xuân Diệu. Theo lời kể của ông, tuy nhà nghèo nhưng ông lại được một cụ đồ trong làng ưu ái dạy chữ Nho rất tận tâm. Từ đó ông lên học chữ Quốc ngữ trường huyện, học college Thanh Hóa. Ở đấy, ông vừa học vừa làm gia sư cho nhà ông  Lê Đỗ Kỳ- Tổng thanh tra Nông lâm Đông Dương (sau là đại biểu quốc hội Khóa 1 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Thầy “Tú Loan” không chỉ được vợ chồng ông Kỳ quý mến mà các con cũng đều kính trọng.

 

Bà Lê Đỗ Thị Ninh - con gái ông Kỳ, kém thầy 16 tuổi, sau này đã trở thành vợ của ông và đã mất sớm năm 1948 chính là nhân vật “nàng” trong bài thơ Màu tím hoa sim tuyệt bút mà Hữu Loan hay gọi là “bài thơ khóc vợ”.

 

Năm 1941, Hữu Loan thi đỗ tú tài ở Hà Nội, đậu thư ký văn phòng toàn quyền song ghét Tây nên không đi làm, ông về Nga Sơn tham gia Việt Minh và tổ chức một cuộc cướp chính quyền ngoạn mục, không đổ máu. Sau đó, ông lên làm ủy viên văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, tổ chức “Tuần lễ vàng” hết sức thành công.

 

Việc gia nhập quân đội năm 1946 đã tạo ra nhà thơ Hữu Loan với bài thơ đầu tiên Đèo cả, với lối thơ bậc thang kiểu Maia- kốp - sky đã làm rung động bao con tim chiến sĩ mặt trận. Đèo cả cùng Tình sông núi, Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Hải Phòng - Ngày 19/1/1946 của Trần Huyền Trân đã tạo thành bộ “tứ tuyệt” thơ bậc thang khởi đầu thơ chống Pháp khác hẳn “Thơ mới” lãng mạn, “Xuân thu nhã tập” tượng trưng, “Dạ đài” siêu thực. Nhưng phải đến khi Màu tím hoa sim ra đời, tên tuổi Hữu Loan mới thực sự sáng láng trên văn đàn Việt Nam. Bài thơ làm xong trong hai giờ đồng hồ vào một trưa của thời kỳ chỉnh huấn tại Nghệ An năm 1949. Tuy không ấn hành nhưng nó đã được truyền miệng rộng rãi  khắp nơi.

 

Ngay sau khi Hải Phòng giải phóng, tôi đã được được nghe chị mình đọc bài thơ này. Sau đó Màu tím hoa sim đã được Nguyễn Bính in trên tờ “Trăm hoa”. Và bi kịch chiến tranh trong bài thơ đã trở thành bi kịch của nhà thơ. Đang công tác ở Hà Nội, Hữu Loan bỏ về quê như trút bỏ mọi phiền muộn để làm công việc nặng nề nhưng thanh thản của một người thồ đá. Trong số những nhân vật lận đận thời đó, mọi người thường đùa: “ Ông Loan sống lâu vì thồ đá”.

 

Hữu Loan “tái xuất giang hồ” vào thời đổi mới. Chính khi ấy, tôi mới thực gặp Hữu Loan khi ông ra Hà Nội mùa thu 1987. Năm 1988, khi có việc “xóa án” cho những Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán… Thơ Hữu Loan đã được giới thiệu trở lại trên tờ “Thanh niên” và sau đó, năm 1990, tập thơ Màu tím hoa sim đã được ấn hành tại NXB Hội nhà văn. Năm ấy, tôi đã cùng ông và Đỗ Nam Cao lang thang khắp Sài Gòn. Ông nói: “Phải lang thang cho hết hòn ngọc Viễn Đông xem nó đẹp đến thế nào mà khiến mình phải chuốc thêm họa”. Cái họa mà ông nói chính là khi bài thơ Màu tím hoa sim được Phạm Duy phổ nhạc và hát nhiều ở Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa. Bởi thế, Hữu Loan tuy đã ở ẩn mà vẫn còn chịu nhiều thị phi. Nhưng đất nước đã đến lúc cần hóa giải dân tộc. Màu tím hoa sim trong thơ ông mãi mãi là màu tím đa cảm và lành sạch của tâm hồn ông. Năm 2005, Phạm Duy đã về định cư ở Sài Gòn. Năm 2008, Phạm Duy về Nga Sơn thăm Hữu Loan. Cùng đi chuyến ấy, nhạc sĩ- họa sĩ Lê Quân đã vẽ bức chân dung ông bằng sơn dầu đầy thần khí. Năm ngoài, Màu tím hoa sim sau khi hát lại nhiều lần ở Sài Gòn đã lần đầu tiên vang lên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bài thơ Màu tím hoa sim cũng đã được một công ty truyền thông ở Sài Gòn mua bản quyền với giá 100 triệu đồng.

 

Hữu Loan chuyển cõi. Nhưng tác phẩm và khí phách của ông sẽ còn tím mãi màu hoa sim trên dương thế. Xin vĩnh biệt ông.

 

Nguyễn Thụy Kha