1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Về thăm nữ anh hùng 2 lần được gặp Bác

(Dân trí) - Một sáng tháng 7, chúng tôi tìm về thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam), thăm lại người con gái Gò Nổi anh dũng năm xưa, 2 lần vinh dự được gặp Bác - nữ anh hùng Trần Thị Vân.

Hai lần tù đày vẫn trung kiên chiến đấu

 

81 tuổi, bà vẫn giữ được ánh mắt tinh anh, cương nghị dẫu những vết thương chiến tranh vẫn âm ỉ hành hạ cơ thể người già. Chứng tắc động mạch buộc bà phải mất đi một chân từ hai năm trước. Nhưng có khách đến nhà, bà vẫn tự mình ngồi dậy, di chuyển xe lăn lên nhà đón tiếp, luôn miệng ngăn mọi ý định giúp đỡ: “Để tự qua, qua đi được mà”.

 

Lật từng trang ảnh kỷ niệm đồng đội năm xưa cùng chiến đấu chống thù, bà kể chuyện cuộc đời cách mạng từ năm 16 tuổi: “16 tuổi, qua theo cha mẹ hoạt động cách mạng ngay tại quê hương mình, làng Phú Đông, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn mình đây. 

 

Qua hoạt động du kích đến năm 20 tuổi thì vinh dự được kết nạp vào Đảng. Những ngày tháng ấy, qua bây giờ tuổi lớn rồi có cái nhớ có cái quên. Hồi ấy, giặc đánh tan cửa nát nhà, chẳng riêng gì qua mà mỗi người dân mình đều phải anh hùng, đấu tranh với chúng nó.

 

Bọn thực dân đóng chốt Điện Bàn nhiều lần treo giải: “Nếu ai bắt được Trần Thị Vân, sẽ trọng thưởng”. Qua cùng đồng đội càng chiến đấu. Đến sau đình chiến năm 1954, cùng đồng đội, dân làng, qua bám đất, giữ làng, xây dựng cơ sở cách mạng. Mấy năm sau thì qua bị giặc bắt, giam ở nhà lao Hội An. Chúng dùng cực hình nào, tra tấn đủ cách, qua cũng lì, không hé miệng khai một lời. Làm cách mạng, ai trong tình cảnh qua lúc ấy đều phải thế!”.

 

Bà dừng lại, hớp một ngụm trà nhỏ rồi chỉ vào trang ảnh kỷ niệm đồng đội: “Đây, Lý đây (nữ anh hùng Trần Thị Lý - người đồng đội, đồng hương Gò Nổi với bà Trần Thị Vân, đã đi vào bài thơ “Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu với những dòng xúc cảm “Em là ai, cô gái hay nàng tiên/Thịt da em là sắt hay là đồng” khi tác giả bài thơ chứng kiến những vết thương bọn giặc dùng cực hình tra tấn để lại trên thân thể chị, gây chấn động cả dư luận thế giới thời ấy - PV)”.

 

Câu chuyện đời tiếp diễn với giọng kể nhỏ, rưng rưng về những kỷ niệm xưa. “Mãi đến 1960, không khai thác được gì, bọn chúng thả qua. Bọn chúng nghĩ với tấm thân đầy thương tích đó, qua không còn làm gì được nữa. Vậy mà về phục sức, không hiểu sao qua còn sống được.

 

Quê hương điêu tàn, đâu đâu cũng có dấu tích của tội ác. Thấng 10 năm 1959, phong trào đồng khởi Điện Bàn, qua giả người bán hàng rong, khi thì làm y sĩ, đủ mọi cách “qua mắt” bọn giặc, tìm đường bắt liên lạc với Huyện uỷ Điện Bàn. Tổ chức lại phân qua về Gò Nổi hoạt động phá kèm (phá vòng vây địch) ở làng Phú Đông.

 

Tháng 4/1962, bọn chúng mở cuộc càn quét tấn công vào ngay Gò Nổi. Lực lượng quá chênh lệch, bên mình ngâm người dưới nước, nhờ lau sậy che thân chiến đấu. Chúng lùng sục gắt gao, sát hại đồng chí Mẫn ngay tại chỗ. Còn qua thì lại rơi vào tay giặc.

 

Hai năm sau, 1964, qua không khai, không nhận, chúng buộc phải thả qua ra. Lần này, qua về, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng đà đến thăm. Đồng chí Hồ Nghinh còn động viên: “Vân về cơ sở cố giữ sức khoẻ để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”.

 

Chuyện kể về nữ chiến sĩ Điện Bàn Trần Thị Vân với những chiến công anh dũng lúc ấy tiếng vang khắp quê hương. Ban Giám đốc nhà máy Vô sản Đỏ ở Liên Xô cũ đã xin lấy tên bà đặt tên cho nhà máy. Sau này có dịp sang thăm nước bạn, bà kể bà cảm thấy tự hào lắm khi thấy tên mình, tiếng Việt mình ngay cổng vào nhà máy. Nhưng với bà, vinh dự hơn cả trong cuộc đời cách mạng là được gặp vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Hồ Chí Minh.

 

Và Bác hỏi: “Cháu nào là Trần Thị Vân?”

 

“Câu hỏi của Bác làm qua xúc động không kiềm được nước mắt dù cả đêm hôm trước qua đã tự dặn mình theo lời của anh cán bộ Trung ương là gặp Bác không được khóc, dễ gây xúc động cho Bác. Đó là lần qua được chọn vào đoàn đại biểu Mặt trận giải phóng Miền Nam ra thăm Bác vào năm 1967. Qua ngồi ngay cạnh Bác trả lời: “Dạ, cháu là Vân đây”.

 

Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng ngồi ngay đó tiếp lời hỏi: “Vân có cảm tưởng gì khi gặp Bác?”. Qua thưa: “Con còn sống, còn gặp được Bác Hồ là thấy vui mừng lắm. Con tưởng như giấc mơ…”. Rồi Bác hỏi thăm: “Vân ra đây bố mẹ có biết không”. Khi qua báo với Bác ba mẹ qua bị tù đày, lâm bệnh đã qua đời, Bác cũng không kiềm được xúc động.

 

Hôm trước, đoàn đến thăm Bác. Hôm sau, Bác lại đến tận nhà nghỉ K5 thăm cả đoàn. Bác thăm chỗ ở rồi bếp ăn. Xong Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác mang kẹo ra phát cho hết thảy mọi người. Rồi cả đoàn cùng chụp hình lưu niệm với Bác. Qua còn nhớ như in, lúc đồng chí nhiếp ảnh chuẩn bị chụp thấy bị khuất bóng cây liền bảo Bác và mọi người ra một chỗ sáng hơn để chụp. Bác cầm tay qua bảo: “Mình đi cháu”. Lúc ấy qua xúc động không nói thành lời. Bộ đồ màu kem, đôi dép cao su, ánh mắt như cười, Bác Hồ gần gũi, giản dị quá! Tuổi già, khi nhớ khi quên, nhưng kỷ niệm gặp Bác, qua còn nhớ mãi trong lòng”.

 

Bà kể, chúng tôi lắng nghe. Đôi mắt người con gái Gò Nổi được phong tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ anh dũng năm xưa xa xăm nhìn về quá khứ, như tưởng nhớ về niềm hạnh phúc 2 lần được gần Bác, như tưởng nhớ về những người đồng đội đồng cam cộng khổ, đã hy sinh trên mảnh đất anh hùng bảo vệ quê hương.

 

Những chiến công hiển hách, những hy sinh gian khổ tù đày của bà và đồng đội còn mãi trong lời người mẹ Gò Nổi hát ru con về đất, về làng: “Quê hương chị Lý, chị Vân/Chương Dương bến nước nghĩa tình đậm sâu”.

 

Khánh Hiền (ghi chép)