Thủy điện “lộn xộn”, trách nhiệm có được kiểm điểm?

(Dân trí) - Thủy điện liên tiếp sự cố, vỡ đập, mất an toàn, kém hiệu quả, tàn phá môi trường, phải loại bỏ… Đây là những vấn đề được nêu ra trong phiên thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 14/10 về kết quả rà soát hệ thống thủy điện toàn quốc.

Trước đó, như Dân trí đưa tin về báo cáo mới nhất của Chính phủ do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng ký trình UB Thường vụ, kết quả rà soát đến tháng 9/2013 đã loại bỏ 424 dự án; không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện trên tổng số 1239 dự án đã được quy hoạch.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, UB Khoa học - Công nghệ & Môi trường (KH-CN&MT) của Quốc hội nhận định, chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ rất hạn chế. Không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư.

Số lượng thủy điện nhỏ chiếm đến 90% trong quy hoạch nhưng đóng góp về công suất không nhiều, chỉ 26%. Tỷ trọng này thực tế sẽ còn thấp hơn nữa khi việc rà soát lại đã loại bỏ đến hơn 400 dự án.
1 năm trước xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Đăkrông 3 ở Quảng Trị.
1 năm trước xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Đăkrông 3 ở Quảng Trị.

Chủ nhiệm UB Phan Xuân Dũng cũng chỉ rõ, năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án.

Ngoài ra, thủy điện nhỏ chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Nêu cụ thể trường hợp dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A mà Chính phủ vừa quyết định loại khỏi quy hoạch, ông Dũng yêu cầu làm rõ nguyên nhân đồng thời rút ra những những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Ở tầm khái quát, UB KH-CN&MT cho rằng phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về phương thức, quy trình, thủ tục lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp. Việc loại bỏ hai dự án này, theo ông Dũng khẳng định thêm vai trò quan trọng của đánh giá tác động môi trường khi xem xét dự án thủy điện.

Về vấn đề đảm bảo an toàn thủy điện, đối với các dự án lớn, khoảng 90% số đập đã được kiểm định, 70% số đập đã được cắm mốc giới, 60% số đập đã có phương án bảo vệ, 80% công trình thủy điện đã có phương án phòng chống lụt bão.

Báo cáo thẩm tra “phê” việc quản lý chất lượng công trình vừa qua hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.

Công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ cũng chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Gần 30% số đập thủy điện nhóm này chưa được kiểm định; chỉ 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.

Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình thủy điện, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng đánh giá là rất thấp. Việc xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập... gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm. Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm quy định về an toàn đập, kiểm định đập chưa ban hành kịp thời, chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá, ban hành đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn công trình thủy điện vì trong một số trường hợp, an toàn đập còn gắn với an ninh quốc gia.

Về vấn đề vận hành hồ chứa thủy điện, do chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ, thời gian qua, nhiều thủy điện đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt. Thậm chí, đã xảy ra trường hợp cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, dẫn đến tranh chấp, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư.

Thực tế, việc không thông báo xả nước ở các thủy điện nhỏ, chưa đánh giá được hết tác động trong các trường hợp xả lũ khẩn cấp, vỡ đập để xây dựng các phương án ứng phó dẫn đến tình huống bị động, gây thiệt hại, ảnh hưởng đáng kể đối với vùng hạ du, đặc biệt khi có mưa bão.
1 năm trước xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Đăkrông 3 ở Quảng Trị.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước: "Quy hoạch thủy điện nhiều bất cập, bộ nào chịu trách nhiệm?".

Góp ý thêm những nhận định này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng cần báo cáo cụ thể về các sự cố liên quan đến các thủy điện xảy ra trong thời gian qua, kết luận rõ ràng nguyên nhân do quy hoạch yếu, thiết kế sai sót hay do vi phạm trong quá trình vận hành cũng như những thiệt hại gây ra của sự cố.

Ông Ksor Phước cũng “thở dài” về vấn đề mất rừng ở nhiều khu vực xây dựng nhà máy thủy điện.

Vấn đề vận hành, điều tiết nguồn nước cho thuỷ điện cũng bị than là có nhiều trục trặc khiến nhiều địa phương phải “kêu trời” trong mùa khô hạn năm trước. Ông Phước dẫn chứng nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk… phải đối mặt với tình trạng này. Cảnh báo nhiều khu vực hạ du rộng lớn ở các lưu vực sông tới đây sẽ tiếp tục thiếu nước trầm trọng.

“Vậy nhưng đến giờ cũng chưa biết Bộ nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch thủy điện. Chính phủ có nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm việc này không? Hướng giải quyết tới đây thế nào?” – ông Phước đặt câu hỏi về những điểm khuyết thiếu trong báo cáo của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng đặt vấn đề sự cố thủy điện từ sự việc động đất ở Sông Tranh 2. Ông Sơn yêu cầu trình bày cụ thể về quyết định cuối cùng về số phận thủy điện này.

Xác nhận việc có nhiều sự cố liên quan đến các dự án thuỷ điện xảy ra vừa qua, nơi thì có vấn đề về thiết kế, chỗ thì vỡ đập ngăn dòng… nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, sự cố chủ yếu chỉ xảy ra ở các công trình nhỏ, chưa gây tác hại lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công thương cũng nhận định đây là một thực tế cần tổng hợp, sâu chuỗi từng sự cố để nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân.

Đối với Sông Tranh 2, ông Hoàng khẳng định, từ khi vấn đề phát sinh cuối năm 2011 đến nay đã được xử lý tích cực. Đến thời điểm này, Thủ tướng vẫn chưa quyết định về việc có cho thủy điện này tích nước ở cao trình mực nước dâng bình thường mà mới chỉ cho tạm tích nước ở cao trình trên mực nước chết 4-5m.

Việc xử lý như vậy, theo Bộ trưởng Công thương là thận trọng, nghiêm túc, lấy lợi ích an toàn của người dân làm chính, lợi ích phát điện là yếu tố phụ. Công trình sẽ được theo dõi giám sát một thời gian nữa rồi mới quyết định cho khai thác ở mức thiết kế tối đa hay chỉ được hoạt động ở mức công suất thấp.

P.Thảo