1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đồng bằng sông Cửu Long:

Thờ ơ với qui định mặc áo phao khi đi tàu, phà

(Dân trí) - Năm 2012, Bộ Giao thông vận tải qui định, hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình... Thế nhưng đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long, qui định này như bị “nước cuốn trôi”… vì thực tế ít có người dân nào mặc áo phao… khi đi đò, phà.

Vụ chiếc tàu chở 56 hành khách bị lật úp trên sông Hàn (TP Đà Nẵng) vào tối ngày 4/6 làm 3 người tử vong đã khiến người dân cả nước lo ngại trước tình trạng quản lí lỏng lẻo của cơ quan chức năng trong vận tải đường thủy. Tuy nhiên, qua vụ tai nạn nhiều người cũng cho rằng ý thức chấp hành qui định pháp luật của chủ phương tiện, người dân còn thấp, cụ thể là qui định mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi khi đi tàu, phà…

Qui định về mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi khi qua sông, đi tàu, đò... hầu như người dân ai cũng biết, nhất là chủ các phương tiện, tuy nhiên việc thực hiện qui định này thì chỉ một số ít người dân hoặc khi có đoàn kiểm tra
Qui định về mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi khi qua sông, đi tàu, đò... hầu như người dân ai cũng biết, nhất là chủ các phương tiện, tuy nhiên việc thực hiện qui định này thì chỉ một số ít người dân hoặc khi có đoàn kiểm tra

Để tiếp tục tuyên truyền đến các chủ phương tiện, người dân về ý thức tuân thủ pháp luật trong giao thông đường thủy, cũng như nâng cao công tác cứu hộ của lượng cảnh sát giao thông đường thủy ngày 7/6 vừa qua, Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn - Bộ Công an, phối hợp với Công an các tỉnh Tây Nam Bộ thực hiện buổi diễn tập phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, cứu nạn, cứu hộ sự cố giao thông nghiêm trọng do thiên tai, bão, lũ gây ra. Buổi diễn tập huy động trên 500 chiến sĩ tham gia và thu hút hàng trăm người dân đến xem.

Từ các bến phà qua sông Hậu, sông Tiền rồi đến các sông nhỏ... việc người dân chấp hành qui định mặc áo phao là hiếm thấy
Từ các bến phà qua sông Hậu, sông Tiền rồi đến các sông nhỏ... việc người dân chấp hành qui định mặc áo phao là hiếm thấy

Ông Nguyễn Văn Trung – phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đến xem diễn tập và chia sẻ: “Người dân miền Tây hầu như ai cũng biết bơi, do vậy khi đi tàu, đò bảo họ mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi gì đó... thì chẳng ai cầm hay mặc áo phao đâu. Nhưng tại buổi diễn tập hôm nay tôi thấy, khi trên tàu có nhiều người và tai nạn xảy ra trên con sông rộng như sông Tiền này thì việc đủ sức thoát ra rồi có đủ sức bơi vào bờ sống sót... chắc khó lắm”.

Anh Hồ Văn Quý – trên bến phà Vàm Cống (TP Long Xuyên, An Giang) cho biết, anh làm nghề vận chuyển hàng hóa, thường đi các tỉnh ở miền Tây nên mỗi ngày đi qua 4 -5 bến phà, nhưng chưa bề thấy một người dân nào mặc áo phao mỗi khi qua sông. Theo anh Quý, lí do không mặc áo phao vì sợ dơ, sợ nực nội hay bến sông ngắn....

Bến phà qua sông Hậu (tại bến phà cũ TP Cần Thơ) PV ghi nhận vào chiều 10/6, mỗi chuyến phà cả trăm người nhưng chẳng có vị khách nào mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi
Bến phà qua sông Hậu (tại bến phà cũ TP Cần Thơ) PV ghi nhận vào chiều 10/6, mỗi chuyến phà cả trăm người nhưng chẳng có vị khách nào mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi

Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Phạm Xuân Đức – Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 250 bến đò ngang, trong đó có 3 bến phà, 54 bến vượt sông Tiền, sông Hậu. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền đến các chủ bến đò, hành khách về việc tuân thủ các qui định pháp luật về giao thông đường thủy. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra vẫn còn nhiều hành khách ở các bến đò, phà... chưa tuân thủ việc mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi khi đi đò. Nguyên nhân là do khoảng cách hai bến đò ngắn, sợ dơ đồ... nên người dân còn ngại trong việc mặc áo phao cũng như cầm dụng cụ nổi.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ cho biết, hiện có 419 cảng, bến do Cảng vụ đường thủy nội địa TP Cần Thơ quản lý và 236 bến thủy nội địa quốc gia do Cảng vụ đường thủy nội địa Khu vực 4 quản lý. Riêng bến khách ngang sông, có 59 cảng, bến (do Cảng vụ đường thủy nội TP Cần Thơ quản lí) và 63 bến thủy nội địa tuyến quốc gia do Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 4 quản lý. Hiện có 26 bến qua sông Hậu được cấp phép đưa khách sang sông.

Trên sông Cần Thơ (bến Ninh Kiều) nhiều năm qua tồn tại cả chục chiếc ghe tam bản hoạt động chui thế này để đưa khách sang sông hoặc chở khách du ngoạn thăm cầu Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng... Và chẳng biết chuyện gì xảy ra khi va chạm, vì hành khách không mặc áo phao, trên ghe cũng không có dụng cụ nổi..
Trên sông Cần Thơ (bến Ninh Kiều) nhiều năm qua tồn tại cả chục chiếc ghe tam bản hoạt động chui thế này để đưa khách sang sông hoặc chở khách du ngoạn thăm cầu Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng... Và chẳng biết chuyện gì xảy ra khi va chạm, vì hành khách không mặc áo phao, trên ghe cũng không có dụng cụ nổi..

Tuy nhiên, qua thực tế của PV Dân trí ở nhiều bến phà trên sông Cần Thơ, sông Phong Điền… đặc biệt là sông Hậu, như bến phà Gạch Nọc (phường Phước Thới, quận Ô môn), bến phà Cô Bắc… trên các phương tiện có áo phao, dụng cụ nổi, tuy nhiên không một người dân nào mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi khi qua sông. “Ngày nào cũng qua con sông Hậu này 2 bận, tôi có thấy ai nhắc nhở mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi gì đâu. Vả lại mặc áo phao vào vướng víu… nhiều khi còn bị dơ đồ nên người đi đò qua sông không chịu mặc là vậy”. Một hành khách đi bến bà Gạch Nọc cho biết.


Một bến đò chui hoạt động trên sông Cần Thơ... theo tiêu chí 3 không: không giấy phép hoạt động, không áo phao, không chứng chỉ hành nghề

Một bến đò chui hoạt động trên sông Cần Thơ... theo "tiêu chí" 3 không: không giấy phép hoạt động, không áo phao, không chứng chỉ hành nghề

Ông Lê Việt Cường – Chánh văn phòng Ban an toan giao thông tỉnh An Giang cho biết: “Tỉnh An Giang cũng như nhiều tỉnh ở vùng ĐBSCL, trước đây vùng đất này có mùa mưa lũ nhưng mấy năm nay không có lũ, nguồn nước cạn kiệt và điều này gây không ít khó khăn cho các bến đò, tàu qua sông. Vì khi nước thấp, độ dốc các bến đò cao, gây mất an toàn cho các phương tiện lên xuống phà, đò. Do vậy, thời gian qua Ban an toàn giao thông tỉnh có chỉ đạo, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nghiêm các qui định của nhà nước về giao thông đường thủy và lưu ý các bến tàu, phà chú ý việc neo đậu ra vào bến… Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho người dân qua sông, Ban an toàn giao thông tỉnh trang bị dụng cụ nổi cho 136 bến đò, tàu qua sông đang hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang. Do vậy, việc còn lại là các chủ bến đò, phương tiện, nhắc nhở người dân mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi khi qua sông.

Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận một thực tế là Thông tư số 15/2012 của Bộ Giao thông vận tải, qui định từ ngày 15/7, tất cả hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình di chuyển đến khi cập bến an toàn... Chủ phương tiện có thể từ chối chở hành khách khi không mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi nhưng thực tế hiếm có ông chủ đò nào làm việc này. Còn người dân qua sông thì chỉ ít người dân ý thức việc mặc áo phao, hầu hết vẫn thờ ơ với qui định mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi khi đi tàu, phà...

Nguyễn Hành