1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Ông gàn” và bể bơi trên núi

(Dân trí) - Không quy mô, hiện đại như những bể bơi dưới thành phố, nhưng bể bơi của ông Nguyễn Cò (thôn Hòa Khương Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) từ lúc ra đời cho đến nay đã nổi tiếng khắp vùng. Đó là bể bơi độc nhất vô nhị ở vùng trung du, miền núi này.

Cũng vì thế nên chúng tôi rất dễ tìm được nhà ông. Một người phụ nữ đang làm ruộng bên đường, nghe chúng tôi hỏi đường đã mau mắn: “Ông gàn xây bể bơi phải không?” rồi chỉ ngay lối nhanh nhất tới nhà ông. “Ông gàn” mới đi Hội An về, vẫn còn thấm mệt, nhưng tiếp chúng tôi rất vui vẻ.

 

Ông bảo, đúng là xây một cái bể bơi ở vùng miền núi này quả thật là có vẻ điên rồ, nhưng ý tưởng này ông đã ấp ủ từ lâu lắm rồi, chỉ vì chưa có điều kiện về kinh phí nên vẫn chỉ là ước mơ. Nay thì ước mơ đã thành hiện thực, tuy chưa phải là hoàn hảo lắm.

 

Ông cho biết, sau khi bàn bạc thống nhất với những người con của mình, ông đã dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp bao nhiêu năm, được khoảng 70 triệu đồng, cùng một số người bạn tự mày mò thiết kế, rồi tự xây dựng.

 

Và từ tháng 4/2006, một chiếc bể bơi đã bắt đầu nên da nên thịt, với chiều dài khoảng 20m, nước nơi nông nhất là 20cm, nơi sâu nhất là 1,8m. Cao điểm vào mùa hè thì 1 tuần thay nước 2 lần, còn bình thường thì 1 tuần 1 lần. Nước trong bể là nước giếng đóng và được bơm từ 3 chiếc máy bơm khác nhau.

 

Ngay khi ý tưởng mới thành hình, nhiều người đã bảo ông là điên, là gàn, nhưng ông quyết bỏ ngoài tai.

 

Và giữa một làng quê vùng núi, một chiếc bể bơi trong xanh nước mát xuất hiện, đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều trẻ em. Mùa hè, từ 5 giờ đến 16 giờ, bể đón tiếp khoảng vài chục cháu nhỏ; ngày cao điểm có thể lên tới hàng trăm. Có hôm trời còn chưa kịp sáng, ngoài cổng nhà ông đã ríu rít tiếng trẻ gọi. Giá “vé” cho một lần tắm là 1-2 nghìn đồng; có trẻ thèm tắm mà không có tiền, ông cũng vui vẻ cho các cháu vào.

 

Không chỉ trẻ em trong thôn, dần dần trẻ em ở nhưng thôn, xã lân cận cũng tìm đến bơi, tắm. Để phục vụ các “thượng khách”, ông đã trang bị cả phao nổi và quần áo bơi cho trẻ nhỏ. Giờ khách đông quá, ông đã ngoài 70 tuồi không kham nổi nên giao bể bơi lại cho người con cả là anh nguyễn Văn Sương trực tiếp quản lý.

 

Anh Sương cho biết, các công đoạn xử lý nước chủ yếu vẫn là thủ công. Số lượng các em quá đông nên việc làm sạch hồ bơi cũng phải làm hết sức thường xuyên. Đây cũng là công đoạn vất vả nhất vì hồ bơi không được thiết kế như ở thành phố, có đường rút nước, nên mỗi ngày anh lại phải dùng máy bơm với một chiếc ống cao su để rà hút cặn dưới đáy bể.

 

Giải thích cho ý tưởng bị coi là gàn dở của mình, ông nói: “Mình sống ở đây lâu rồi, chính vì thấy các em hay bị tai nạn, thậm chí là chết người do cứ đi lang thang tắm sông tắm ao mà không có người lớn đi kèm nên mới quyết tâm xây cái hồ này. Vả lại, trẻ em miền núi lại hay thiệt thòi nhất, nên làm được cái gì cho các cháu là mình làm thôi”.

 

Hiện ông Cò đang ấp ủ dự định xây thêm một sân cầu lông rộng khoảng 700m2, phục vụ cho nhu cầu chơi thể thao của trẻ. Nhưng ông bảo khó thực hiện lắm, vì nghe đâu con đường trước mặt nhà ông đang nằm trong quy hoạch xây dựng của huyện, nhà ông có khi còn bị mất…

 

Lê Tấn Quỳnh