1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Nước mắt” cầu Hàm Rồng

(Dân trí) - Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) bắc qua sông Mã, từng đóng vai trò vô cùng quan trọng trên tuyến giao thông xuyên Việt, từng đi vào thơ ca lưu danh cùng lịch sử Việt Nam. Nay, cây cầu huyền thoại ấy đang “kêu cứu”…

Cây cầu huyền thoại

 

Theo sử sách ghi lại, cầu Hàm Rồng được người Pháp xây dựng và đưa vào sử dụng vào năm 1904; cầu được thiết kế theo hình vòm, hiện đại nhất Đông Dương lúc bấy giờ, là cây cầu nối liền giao thông Bắc Nam. 

 

Trong những năm chiến tranh ác liệt, với tầm quan trọng của mình, cầu trở thành tâm điểm đánh bom của quân địch. Cầu Hàm Rồng bị đánh sập. Năm 1963, cầu Hàm Rồng được khôi phục lần thứ nhất và kể từ đó cầu không còn hình vòm như trước.

 

Năm 1972, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, dội xuống khu vực cầu Hàm Rồng khoảng 75.000 tấn bom cùng hàng nghìn quả tên lửa, rốc két, thuỷ lôi... Cầu “bị thương” và được khôi phục lại lần thứ hai vào năm 1973, với chiều dài gần 180m, rộng 4m, thêm hai “cánh gà” hai bên rộng khoảng 8m. 

 

Kể từ đó, cầu Hàm Rồng trở nên một chiến sĩ bất khuất, là nơi bộ đội ta cùng dân quân địa phương bắn rơi hàng trăm máy bay Mỹ. Chiến tranh kết thúc, cầu Hàm Rồng được tượng trưng cho ý chí kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước dũng cảm hy sinh của người dân Thanh Hoá.

 

Một số cụ cao niên kể lại rằng, thời kỳ khôi phục cầu Hàm Rồng lần 2, đã chứng kiến cảnh bao nam nữ thanh niên tuổi mười tám đôi mươi chiến đấu hy sinh bảo vệ cầu, bảo vệ quê hương tổ quốc, xác nằm lại dưới chân cầu.

 

Cầu Hàm Rồng không chỉ là niềm tự hào của người dân Thanh Hóa mà còn được nhân dân cả nước nhắc đến với tình cảm trìu mến.

 

Cầu Hàm Rồng kêu cứu

 

Đã trên 105 năm kể từ ngày ra đời, và cũng đã ngót nghét 45 năm kể từ ngày cầu được tu sửa, đến nay, thời gian đã để lại trên cầu nhiều dấu vết. Đế, chân và mố cầu bị lở, xói mòn nhiều chỗ.

 

Năm 2001, cầu Hoàng Long được đưa vào sử dụng, giảm tải cho cầu Hàm Rồng. Cây cầu lịch sử ngày nào giờ vắng người và phương tiện lại qua, lại trở thành tâm điểm nhòm ngó của những đối tượng xấu. Rất nhiều đinh ốc, xà sắt, bu lông, lan can cầu trên cầu đã bị kẻ gian “xà xẻo”. Thậm chí chúng còn đào, khoét sâu vào chân móng cầu để lấy sắt bán.

 

“Nước mắt” cầu Hàm Rồng   - 1

... và nay. (Ảnh: N.Duy)

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Thực - Phó Giám đốc Công ty đường sắt Thanh Hoá - cho biết: “Chúng tôi cũng biết cầu xuống cấp, nhưng để bỏ kinh phí ra tu sửa thì không “trụ” nổi bởi phải mất tiền tỉ. Giải pháp trước mắt chúng tôi đưa ra là cấm các loại phương tiện có trọng tải nặng, cắt cử người canh giữ cầu 24/24h để kiểm tra các phương tiện quá cỡ, quá tải…”.

 

Nhưng theo ghi nhận trên thực tế, hiện mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt phương tiện có tải trọng lớn qua cầu, chưa kể hàng chục chuyến tàu Bắc Nam xuôi ngược mỗi ngày. Mỗi khi có phương tiện đi qua, những vết nứt hai bên “cánh gà” như rộng hơn, lan can cầu lung lay như răng bà lão, từng nhịp cầu rung lên như đánh võng…

 

Một số người dân còn phản ánh, nhiều dân chài đã lợi dụng mỗi khi tàu chạy qua, có tiếng động lớn, để tranh thủ nổ mìn bắt cá dưới gầm cầu, gây ảnh hưởng nặng đến kết cấu cầu.

 

Thực tế, phía Công ty quản lý đường sắt Thanh Hoá cũng có những duy tu, bảo dưỡng nhưng không thấm vào đâu so với những xuống cấp thảm hại của cầu. Năm 2003, Công ty đường sắt và Sở Giao thông tỉnh cũng đã có kiến nghị lên UBND tỉnh, xin kinh phí tu sửa cầu nhưng không có kết quả. 

 

Sau đó, nhờ các phương tiện truyền thông lên tiếng “kêu cứu” cho cây cầu lịch sử, các ban ngành của tỉnh đã vào cuộc kiểm tra và kết luận: tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cầu Hàm Rồng là có thật nên đã bắt đầu có những động thái nhằm cứu cây cầu.

 

Nguyễn Duy