1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Người tự xây đài báo bão cho ngư dân

(Dân trí) - Gần 20 năm âm thầm làm cái việc “chẳng giống ai” là xây đài báo bão cho những cư dân đi biển... miễn phí, người đàn ông “kỳ lạ” lý giải cho những việc mình làm cũng rất khác người: “chắc ông trời sinh ra tôi để làm việc đó, tôi cũng không biết nữa”.

“Nỗi đau thôi thúc tôi sáng tạo”

Dáng người nhỏ thỏ, đi đứng thoăn thoắt, đặc biệt khi nhắc đến “chuyên môn” của mình là làm công việc báo bão thì anh nói say sưa như cái máy được lập trình sẵn. Đó là cảm nhận khi lần đầu tiên được tiếp xúc với anh Trần Văn Lưu, thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá.

Sinh ra trong gia đình làm nghề bốc thuốc truyền thống nhưng từ bé Lưu đã chẳng màng đến cái nghề của cha ông. Lưu bảo “cái tính nghịch ngợm của tôi chẳng hợp với cái nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn đó”.

Một ngày đầu tháng 11, tôi gặp Trần Văn Lưu ở Hà Nội và anh lại mang đến cho tôi một thông tin rất bất ngờ "có khả năng biết trước rất nhiều vấn đề" nên đã tìm gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm tiềm năng con người.

 

Sau khi làm một số thực nghiệm tại Trung tâm, ông Hải khẳng định: "Anh Lưu có khả năng dự báo từ xa một cách chính xác, chúng tôi sẽ tiếp tục mời anh Lưu làm tiếp những thực nghiệm một cách có hệ thống tại Trung tâm tiềm năng con người".

Tuy nhiên, Lưu lại là người rất say mê sáng tạo, anh không thể nhớ là mình đã chế ra bao nhiêu thứ “quái gở” như xe đạp gắn đèn nê ông, xe đạp gắn đài cattxet…Có điều tất cả những gì anh làm ra đều bị xem là “dở hơi”, thế nên đã đến tuổi lập gia đình nhưng nói đến Lưu là đám con gái trong làng lắc đầu lè lưỡi.

“Phải 30 tuổi tôi mới lấy được vợ, tôi nghĩ chắc mình không lấy được ai, may mà…”, anh Lưu kể lại.

Không giống với đa số người dân quê anh chọn nghề đi biển mưu sinh, Lưu chọn cho mình nghề sửa chữa điện tử. Sẽ chẳng có gì để nói về anh nếu không có cái ngày tang tóc năm 1996.

Cơn bão số 6 kinh hoàng năm đó đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người đàn ông làm nghề đi biển ở Hậu Lộc. Nỗi đau đó ám ảnh anh, nhìn những đứa trẻ mất cha, vợ mất chồng lòng anh đau quăn thắt.

Chính bố anh Lưu cũng là người may mắn thoát chết sau cơn bão thảm khốc đó. Tất cả chỉ vì những ngư dân đi biển không nhận được thông tin về cơn bão.

Từ ngày đó anh ấp ủ phải làm một phương tiện để thông báo cho các ngư dân của mình mỗi khi có bão. Làm thế nào, đến những kỹ sư hàng đầu còn chưa nghĩ ra còn anh chỉ là một thợ điện trình độ sơ cấp.

Vậy là suốt hàng năm ròng anh nghiên cứu, bắt chước chiếc micro điện tử không dây, anh làm đủ mọi cách nhưng đều thất bại. Đã có lúc nản chí nhưng lúc đó cảnh tang thương năm nào lại hiện về trong đầu anh, thôi thúc anh.

Cuối năm 1989, công sức của anh bỏ ra cuối cùng đã mang lại kết quả. Sung sướng anh chạy khắp xã hô hào làm mọi người tưởng “thằng Lưu bị điên”. Tuy nhiên thiết bị của Trần Văn Lưu đã liên lạc được với tàu đánh cá ở xa 30 đến 40 hải lý. Liên lạc được cả sóng AM và FM.

Giải thưởng dành cho người đặc biệt

Nhờ đài của anh, từ năm 2000 ngư dân đánh bắt hải sản đã có phương tiện liên lạc mỗi khi có bão. Song, phần lớn các tàu đánh cá đều đánh bắt xa bờ, máy của anh chỉ liên lạc trong khoảng cách ngắn từ 30 - 40 hải lý.

Anh quyết định mua thêm máy công suất lớn hơn nhưng muốn có máy này phải bỏ ra 30 triệu đồng. Nhà vốn đã nghèo, cái ăn còn chưa no nói chi đến số tiền khổng lồ đó. “Biết mà không làm là có tội”, từ suy nghĩ đó anh tìm đủ cách để xoay tiền quyết mua bằng được.

Vay mượn, bán những gì trong nhà có thể, kể cả thuyết phục vợ bán cả đôi hoa tai là hồi môn của bố tặng con gái lúc về nhà chồng. Cuối cùng anh Lưu cũng có đủ số tiền thực hiện giấc mơ của mình.

Từ ngày có hệ thống đài thông tin hiện đại của anh Lưu hàng nghìn ngư dân được tránh bão an toàn, hàng trăm ngư dân thoát nạn khi đang đánh cá ngoài khơi xa. Đầu năm 2006 đài của Trần Văn Lưu được Cục tần số vô tuyến điện Việt Nam cấp giấy phép hoạt động với tần số 7906,7960,7903 phục vụ thông tin báo bão.

Làm cái việc “thổi tù và” nghĩa là anh phải gắn bó ngày đêm với nó, kinh tế gia đình tất cả giờ chỉ trông vào ki-ốt bán hàng nhỏ của vợ. Cuối năm 2005 anh được UB hỗ trợ phát triển tài năng KOVA tại Hà Nội tặng giải thưởng những cá nhân tiêu biểu trong xã hội.

Với phần thưởng 10 triêu đồng, lần đầu tiên chiếc đài báo bão “sinh tiền” thế nhưng vừa nhận tiền Trần Văn Lưu lại dùng tất cả để mua các thiết bị cần thiết tu sửa, bảo dưỡng đài.

Ngoài việc bỏ tiền xây một Đài thông tin duyên hải để liên lạc, cứu nạn cho ngư dân, anh còn là chủ nhân của một kho sách đồ sộ. Đây là kho sách mà ông nội anh đã dày công sưu tầm với rất nhiều đầu sách quý như: Bộ sách Hải Thượng Lãn Ông toàn tập; Thiên Sơn linh từ quát; Câu đối Việt Nam toàn tập; Địa chí thế giới… Đặc biệt còn có cả cuốn Đại pháp vi thư ra đời từ cách đây khoảng 600- 800 năm.

Anh Lưu cho biết, nhờ có bí quyết bảo quản sách do ông nội để lại đó là nhúng sách vào nước lá cây thảo dược rồi phơi khô nên kho sách quý vẫn được lưu giữ nguyên vẹn đến nay. Anh mong muốn cách nhà khoa học hãy đến tìm hiểu nghiên cứu để những tri thức của người xưa sơm được phổ biến.

Thái Bình