1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngược sông Yên “săn” cá mòi

(Dân trí) - Cứ khoảng tháng giêng đến tháng 5 âm lịch, người dân ven sông Yên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) lại ngược dòng sông Yên, buông lưới “săn” cá mòi. Cá mòi không chỉ là món đặc sản nơi đây mà nó còn có một truyền thuyết thú vị.

Truyền thuyết cá mòi

 

Bắt đầu từ tháng giêng, cá mòi xuất hiện trên sông Yên và việc đánh bắt của người dân nơi đây kéo dài đến tháng 5. Những con cá mòi từ cửa biển sông Hàn ngược sông Cẩm Lệ rồi chạy vào sông Yên. Đến đập nước An Trạch do dòng sông bị chặn lại, nước trên đập đổ xuống, cá mòi đến đây cũng bị chặn lại nên vùng vẫy, tung tăng trong dòng nước mát của sông Yên chờ ngày đẻ trứng rồi lại quay ra biển khơi. Cứ thế đến tháng giêng năm sau cá mòi lại quay lại sông.

 

Liên quan đến cá mòi có một truyền thuyết thú vị. Theo những người già kể lại, cá mòi là hóa kiếp của chim ngói. Trong bụng cá mòi có mề cá giống y chang mề chim ngói. Hằng năm, khi tiết trời bắt đầu sang thu dịu mát, từng đàn chim ngói bắt đầu bay về biển, chao mình giữa biển cả rồi biến thành cá mòi. Đến mùa xuân năm sau cá mòi lại từ biển chạy ngược về sông Yên.

 

Mùa xuân là mùa của yêu đương, mùa con cá tìm đến nhau để tự tình vì thế dù xuất hiện từ tháng giêng đến tháng 5 nhưng khoảng thời gian tháng giêng, tháng hai là cá mòi xuất hiện nhiều nhất. Cũng vì thế đây là thời gian người dân xã Hòa Tiến và xã Hòa Khương đánh bắt được nhiều nhất.

 

Mùa xuân con cá cái mang trứng và đến thì phát dục nên phải vượt nguồn nước chảy mới đẻ. Con đực không muốn rời xa “bạn tình” nên cũng đi theo và cũng là để bảo vệ nòi giống của mình. Đây cũng là dịp để người dân nơi đây được thưởng thức món được sản từ cá mòi.

 

Đặc sản của người dân quê

 

Anh Trà Văn Cẩm (xã Hòa Khương) sau hơn một giờ đồng hồ dạo trên dòng sông Yên, buông lưới bắt cá mòi cũng kiếm được khoảng cân cá đủ cho cả gia đình ăn một bữa. “Tháng này cá mòi đã ít rồi, cá xuất hiện nhiều nhất là vào khoảng tháng giêng, tháng hai. Mỗi lần giăng lưới cũng bắt được vài yến”, anh Cẩm cho biết.

 

Cả xã Hòa Khương và Hòa Tiến có khoảng gần ba chục chiếc ghe, cứ khoảng 1 giờ chiều, những chiếc ghe này lại ngược xuôi thả lưới. Đứng trên đập An Trạch nhìn xuống những chiếc ghe xuôi ngược trên dòng sông, ven sông là những rặng tre soi mình xuống dòng sông trông rất thơ mộng.

 

Chiếc ghe của chị Đặng Thị Hồng chạy lên phía đập An Trạch rồi lại quần trở lại, cứ thế chỉ trong một khúc sông chị cũng kiếm đủ bữa tối cho gia đình.

 

Theo anh Cẩm bắt cá mòi không khó, chỉ cần một chiếc ghe và một tấm lưới là đủ "lệ bộ". Lưới được giăng ra rồi chèo ghe ngược đi ngược lại trên dòng sông, những chú cá mòi sẽ tự mắc lưới.

 

“Ngon nhất là cá vừa bắt xong đang còn vùng vẫy, nướng lên chấm nước mắm tiêu làm món nhậu”, anh Cẩm mơ màng nói như đang thưởng thức món cá mòi nướng.

 

Cá mòi có thể chế biến theo nhiều cách nhưng cách nào nghe cũng cảm thấy ngon và hấp dẫn cả: nào là nướng chấm nước mắm tiêu, nào là chiên ăn với rau mùi, rau thơm hay cá mòi cũng có thể xay nhuyễn để làm chả cá…

 

Người dân ở hai xã Hòa Khương, Hòa Khương cũng như các xã lận cận rất “nghiện” món cá mòi này. Anh Nguyễn Thanh Hải là “thổ địa” ở Hòa Tiến rất sành về chế biến cá mòi. “Cá đầu mòi bao giờ cũng béo và ngon hơn cá cuối mùa vì lúc này cá chưa đẻ trứng, mới lội ngược dòng nên đang còn sung sức. Ngon nhất là hai buồng trứng cá mòi nằm ép hai bên sườn cá như hai múi khế chín vàng ruộm thường dành cho người già hoặc trẻ em”, anh Hải cho biết.

 

Cá mòi bắt được, ngoài để ăn còn được đưa lên đập An Trạch bán cho những người qua đường. Giá cá cũng không cố định, mỗi chục cá khoảng từ 5 đến 10 ngàn đồng, tùy loại lớn hay nhỏ. Những ngày được nhiều cá, nhiều nhà còn phơi khô hay muối mắm để đến mùa mưa ăn.

 

Với những dân ở ven sông thuộc xã Hòa Khương và Hòa Tiến, bắt cá mòi không chỉ là kế sinh nhai mà còn là thú vui của người dân nơi đây. “Những lúc rảnh rổi, giăng lưới lượn mấy vòng trên sông là có món nhậu rồi”, anh Hải cười chia sẻ.

 

Khánh Hồng