DNews

Nên làm bãi giữ xe trên cao hay dưới lòng đất tại các công viên ở TPHCM?

Tâm Linh

(Dân trí) - Chuyên gia đô thị nêu hiện trạng thiếu bãi giữ xe ở TPHCM là điều đương nhiên, song cũng đưa ra các ý kiến khác nhau về việc nên làm bãi giữ xe trên cao hay xuống lòng đất tại các công viên.

Nên làm bãi giữ xe trên cao hay dưới lòng đất tại các công viên ở TPHCM?

Vấn đề thiếu hụt bãi xe, đặc biệt đối với khu vực trung tâm, đã được chính quyền TPHCM cũng như các chuyên gia đô thị nhìn thấy trước và đưa ra hướng tháo gỡ từ nhiều năm qua.

Mặt đất, lòng đất hay cao tầng?

Đất công viên đã kín. Chúng ta cần xem xét còn khoảng trống nào thì tận dụng cả 3 tầng không gian để làm bãi giữ xe.
TS Nguyễn Hữu Nguyên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Trao đổi với Dân trí, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói đến sự mất cân bằng lớn hiện nay về giao thông động (phục vụ xe chạy) và giao thông tĩnh (khi xe dừng đỗ).

"Trước đây chúng ta không chú ý đến giao thông tĩnh, dẫn đến bây giờ thiếu vị trí đậu xe. Việc này khiến người dân đậu xe rất tùy tiện, cứ lòng lề đường trống chỗ nào thì đậu chỗ đó", TS Nguyên phản ánh.

Một trong những phương án hiện tại TPHCM đang khắc phục hiện trạng hơn 90% công viên công cộng thiếu bãi giữ xe là tìm mặt bằng lân cận để bố trí nơi trông giữ xe. "Nếu bãi giữ xe quá xa công viên thì không được. Chỉ chừng 100-200m đổ lại", chuyên gia nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia, để công viên đúng với chức năng cần không gian giải trí và môi trường thông thoáng cho người dân. Việc bố trí kiểu chèn bãi đậu xe ở các khoảng trống còn sót lại xung quanh công viên, hoặc tràn lan trên mặt đất sẽ mất đi công dụng và mỹ quan của công trình.

Nên làm bãi giữ xe trên cao hay dưới lòng đất tại các công viên ở TPHCM? - 1

Trước lối vào công viên Lê Văn Tám, quận 3 ở mặt đường Võ Thị Sáu có phần mặt bằng trống lùi vào so với mặt đường giao thông, người dân thường để xe ở đây dù có biển cấm và bãi giữ xe cách đó khoảng 200m (Ảnh: Tâm Linh).

"Khi đất chiều ngang không còn đủ, nhất là ở đô thị lớn như TPHCM, theo tôi nên tăng diện tích mặt bằng làm bãi giữ xe theo 3 chiều: mặt đất, cao tầng và bên dưới mặt đất", TS Nguyên đề xuất.

Ông Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh văn phòng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho biết, về mặt khách quan, việc đầu tư các công trình bãi đậu xe ngầm còn nhiều khó khăn chưa thể vượt qua, tính khả thi chưa cao.

"Các công trình ngầm không chỉ thực hiện công năng của nó, còn phải đảm bảo không ảnh hưởng đến không gian xanh ở phía trên. Đối với các công viên cây xanh, bãi đậu xe ngầm phải nằm sâu hơn tầng của rễ cây, đường dẫn nước ngầm.

Do đó, chi phí đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm là rất lớn. Để dễ hình dung hơn, một tầng ngầm sẽ bị đội chi phí cao gấp 3 lần việc xây dựng công trình nhà để xe phía trên mặt đất", cán bộ Sở Quy hoạch - Kiến trúc phân tích.

Mặt khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị từng làm việc tại nhiều thành phố trên thế giới, đưa ra ý kiến: "Làm bãi giữ xe ngầm thì tránh công viên ra".

Theo góc độ khoa học, KTS giải thích, tỷ lệ bê tông hóa của cả thành phố rất cao, giờ còn mỗi đất công viên để "thở". Đất cây xanh có thể thấm nước mưa, nếu bê tông hóa nốt đất bên dưới công viên thì đô thị sẽ ngập do nước không có lối thoát.

Nên làm bãi giữ xe trên cao hay dưới lòng đất tại các công viên ở TPHCM? - 2

Thảo Cầm Viên từng phải tăng cường khoảng sân ở cổng chính để làm bãi giữ xe do lượng khách đổ về quá đông vào các dịp lễ, Tết (Ảnh: Ip Thiên).

Năm 2017, một số nhà đầu tư từng đề nghị sử dụng các vị trí thuộc công viên, khu đất trống ở trung tâm TPHCM để làm các bãi đậu xe cao tầng lắp ghép. Tuy nhiên, UBND TPHCM không đồng ý, mà cho rằng đất công viên nên chỉ dành cho người dân vui chơi.

Hơn 13 năm trước, TPHCM có tính toán quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm ở quận 1 nhưng đến nay chưa dự án nào được triển khai, gồm: sân khấu Trống Đồng và sân bóng trên đất công viên Tao Đàn, công viên Lê Văn Tám và sân vận động Hoa Lư. Bãi đậu xe ngầm sẽ kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng.

Tuy nhiên, như ý kiến của ông Huỳnh Xuân Thụ, việc làm bãi xe ngầm có chi phí cao, nếu dùng vốn ngân sách sẽ khó kêu gọi tư nhân đầu tư, thời gian triển khai kéo dài.

Đầu tháng 9/2022, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM "tái khởi động" các dự án xây dựng bãi đậu xe nội thành để giải quyết nhu cầu rất lớn về gửi, giữ xe, tập trung vào các bãi xe cao tầng tại một số công viên công cộng.

Cho đến tháng 7 vừa qua, Sở GTVT đã rà soát vị trí tại công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) để đề xuất lắp đặt nhà gửi xe công cộng cao tầng, bên cạnh 3 vị trí khác tại mặt đường và bến xe.

Đề xuất trên nằm trong các hạng mục giao thông của TPHCM được gỡ vướng sau khi Nghị quyết 98 được thông qua, giải quyết nhu cầu về dừng, đỗ xe, cho phép thành phố xây dựng các bãi giữ xe công cộng có thời hạn trên đất do nhà nước quản lý. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng thiếu bãi giữ xe ở công viên và cả hiện trạng giao thông tĩnh, cũng là vấn đề lớn của nhiều đô thị trên thế giới. Song, mỗi nơi có phương án khắc phục riêng, tùy vào khả năng bố trí mặt bằng và nguồn lực.

Nên làm bãi giữ xe trên cao hay dưới lòng đất tại các công viên ở TPHCM? - 3
Nên làm bãi giữ xe trên cao hay dưới lòng đất tại các công viên ở TPHCM? - 4

Ở TP Hàng Châu, Trung Quốc có một nhà giữ xe cao tầng diện tích hơn 30.000m2, giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh cho lượng lớn người dân tại các tòa nhà văn phòng, thương mại xung quanh. Điểm đặc biệt là công trình được thiết kế kết hợp giữa bãi đỗ xe tự động cao tầng và công trình công viên cây xanh.

Mặt tiền trên mặt đất có vòm che giúp tối đa hóa thông gió tự nhiên và ánh sáng ban ngày. Nước mưa được hứng và chứa để tận dụng tưới cho cây xanh. Mái nhà thu năng lượng mặt trời được sử dụng để giảm mức sử dụng điện. 

Song, mỗi thành phố có điều kiện thực tế phụ thuộc vào khả năng cân đối mặt bằng, kỹ thuật và kinh phí khác nhau để bố trí công trình giao thông tĩnh này.

Phương án của TPHCM

Sở Xây dựng phản hồi từ phản ánh của báo Dân trí về phương án phân bố và quản lý các công viên đã hoạt động và sắp xây mới để vừa đảm bảo chỉ tiêu mảng xanh, vừa đủ để bố trí khu vực tiện ích (bãi xe, sân chơi…).

Theo chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030 đã được Thành ủy và UBND TP thông qua, phê duyệt: việc nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác công viên xây dựng mới và hiện hữu trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, thành phố sẽ phải lập phương án sử dụng tổng mặt bằng để làm cơ sở tổ chức xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, khai thác các dịch vụ trong công viên theo đúng quy định về sử dụng tài sản công, phải phù hợp với từng loại công viên và nhu cầu của người dân đến công viên đó, đồng thời thu hồi những phần khai thác không đúng chức năng.

Trước mắt, thành phố đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật rà soát tình hình thực tế tại các công viên đang quản lý, tùy theo nhu cầu của người dân để tổ chức bố trí thêm các bãi giữ xe với số lượng, diện tích phù hợp với mặt bằng công viên.

Giữa tháng 9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa ký văn bản khẩn gửi các Sở Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch và Kiến trúc, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức cùng Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật về việc tổ chức trông giữ xe tại các công viên công cộng trên địa bàn.

Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc khẩn trương hướng dẫn lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc phương án sử dụng tổng quát mặt bằng của các công viên.

Trước mắt, khi chưa bố trí được bãi giữ xe trong công viên, cơ quan quản lý của công viên phối hợp cùng các đơn vị để rà soát, tổng hợp các điểm trông giữ xe tại khu vực lân cận, lắp đặt bảng thông tin, hướng dẫn người dân tiếp cận.

Chính quyền các địa phương cũng chịu trách nhiệm xử lý tình trạng dừng, đậu xe dưới lòng đường xung quanh công viên. Các trường hợp dừng, đậu xe trái phép cần chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Đối với tình trạng những công viên có đất cho bãi giữ xe nhưng không có ai trông giữ xe, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) kiến nghị giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong đề xuất phương án tiếp nhận, khai thác dịch vụ trông giữ xe tại công viên và mảng xanh công cộng phù hợp với các quy định hiện hành để đơn vị này tổ chức khai thác, thực hiện.

Hồi tháng 8, Sở Xây dựng báo cáo hiện nay TPHCM có 424 công viên công cộng, trong đó số công viên không có bãi trông giữ xe chiếm 92,2%. Các công viên không có bãi xe hầu hết nằm trong khu dân cư, hoặc là công viên có diện tích nhỏ và không có vị trí phù hợp để bố trí bãi giữ xe.

Nên làm bãi giữ xe trên cao hay dưới lòng đất tại các công viên ở TPHCM? - 5

Bài liên quan:

- "Đỏ mắt" tìm nơi gửi xe ở nhiều công viên tại TPHCM

- Bao nhiêu công viên ở TPHCM có bãi gửi xe?

- Bãi xe công viên ở TPHCM "nơi cần không có, nơi có không cần