Miền Trung căng sức ứng phó với cơn bão mạnh

(Dân trí) – Trước diễn biến phức tạp của bão số 11 đang áp sát các tỉnh miền Trung, các địa phương này đã khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão.

Tại Quảng Bình, trước diễn biến phức tạp của bão số 11 đang áp sát các tỉnh miền Trung, UBND tỉnh Quảng Bình, Ban chỉ huy PCLB & TKCN đã tiến hành họp khẩn và có công điện đến các địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão.
 
Cuối giờ chiều nay (14/10), ông Nguyễn Ngọc Phụng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình cho biết, sau cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, sáng nay 14/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn gửi các địa phương và các cơ quan ban ngành liên quan chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm chủ động phòng chống cơn bão số 11 đang áp sát vào các tỉnh khu vực miền Trung.

Theo đó, đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố cử lãnh đạo trực 24/24h để theo dõi diễn biến cơn bão số 11, sẵn sàng chỉ đạo đối phó, cử cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản; đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét; có ngay phương án di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, những địa phương có khả năng ngập do nước biển dâng cao, vùng thường xuyên ngập lụt sâu và có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân ở các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu và các vùng dân cư khác đảm bảo đủ sử dụng trong thời gian tối thiếu là 7 ngày.

Vừa qua, tỉnh Quảng Bình cũng đã gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của bão số 10 gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Chính vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương không được chủ quan, nhanh chóng triển khai mọi phương án để có thể chủ động ứng phó với bão có khả năng ảnh hưởng đến Quảng Bình. Trong đó, cần hướng dẫn người dân chằng chéo lại nhà cửa, theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời ứng phó.

Hầu hết tàu thuyền Quảng Bình đã vào neo đậu tránh bão số 11
Hầu hết tàu thuyền Quảng Bình đã vào neo đậu tránh bão số 11

Về công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh, trú bão số 11, ông Phụng cho hay, trên toàn tỉnh có 3.745 tàu thuyền đánh bắt gần bờ và xa bờ, hiện đã kêu gọi được 3.741 tàu vào neo đậu an toàn, còn lại 4 tàu đánh bắt với 28 người đang hoạt động trên khu vực biển Vũng Tàu, địa phương không chịu ảnh hưởng của bão số 11.

Cũng vào chiều nay, Quảng Bình đã xuất hiện mưa rất to nhiều giờ liền.
 
Tại Bình Định, chiều 14/10, UBND tỉnh đã có chỉ đạo Cty Khai thác công trình thủy lợi chủ động xả nước hồ Định Bình với lưu lượng 261m3/giây, dự phòng tình huống mưa lớn gây sức ép lên vùng hạ lưu sông Kôn.
 
Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN Bình Định cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 11, ngày 14/10 trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa trên diện rộng, lượng mưa đo được các trạm: An Hòa 9 mm, Bồng Sơn 17 mm, Vĩnh Sơn 8m, Bình Nghi 29mm, Thạnh Hòa 21mm,TP Quy Nhơn 22 mm, Phù Mỹ 11mm, Phù Cát 24mm, Hoài Ân 13 mm. Mực nước trên các sông trong tỉnh dưới mức báo động I.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 11, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cty Khai thác công trình thủy lợi chủ động xả nước hồ Định Bình (dung tích hơn 83 triệu/226 triệu m3), với lưu lượng 261 m3/giây để đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước này.

Thủy điện xả lũ (ảnh minh họa - Nhạn Sơn)
Thủy điện xả lũ (ảnh minh họa - Nhạn Sơn)

Được biết, toàn tỉnh Bình Định có 161 hồ chứa, đang tích 221,65 m3  nước, đạt 40% dung tích thiết kế. Trong đó, có 24 hồ nước nhỏ tập trung ở các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân đã đầy đang chảy qua tràn. Đặc biệt, có 5 hồ chứa xuống cấp nặng, gồm Hóc Tranh (An Lão), Kim Sơn, Đồng Quang, Phú Khương, Hóc Mỹ (Hoài Ân).

Cũng theo Ban chỉ huy PCLB – TKCN Bình Định cho biết, đến 17 chiều 14/10, vẫn còn 3 tàu cá cùng 32 ngư dân hoạt động trong vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (trong vùng có gió mạnh, sóng lớn đang) đang trên đường tìm nơi tránh trú bão an toàn.

Bình Định có 7.348 tàu/42.280 lao động di chuyển đánh bắt trên nhiều ngư trường. Trong đó, có 4.587 tàu/20.597 người đã được đưa vào neo đậu ở các cảng cá địa phương.
 
Hiện các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 11, thường xuyên liên lạc với gia đình và Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Tại Phú Yên, để chủ động ứng phó với mưa bão, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của  nhân dân, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh cùng chính quyền các địa phương ven biển phối hợp với gia đình các ngư dân liên tục thông báo diễn biến cơn bão số 11 để kịp thời hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn; vận động ngư dân không ở trên các tàu đang neo đậu hoặc trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Đến chiều 14/10, đã có gần 4.000 phương tiện tàu thuyền của ngư dân neo đậu an toàn, tránh bão số 11. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 89 phương tiện tàu cá với 758 lao động đang hoạt động tại vùng biển Trường Sa. Bộ đội biên phòng tỉnh đang tiếp tục liên lạc, hướng dẫn các tàu vào tránh bão tại các âu tàu ở Trường Sa.
 
Tại Nghệ An, từ ngày 13/10, các huyện vùng biển và các đồn Biên phòng trên địa bàn khẩn trương kêu gọi các chủ phương tiện đang hoạt động về nơi tránh, trú bão một cách an toàn nhất. Ghi nhận của PV Dân trí, đầu giờ chiều 14/10, những con tàu lớn của ngư dân Bình Thuận,Quảng Ngãi, Bình Định…đang cập cảng, tìm nơi neo đậu an toàn. Các xe thùng hoạt động hết công suất để thu gom cá trước khi bão đổ bộ. Tại các âu thuyền tránh bão dọc Cửa Hội, Nghi Quang, Nghi Thiết, ngư dân cũng đang hối hả neo đậu tàu thuyền trú bão.
Ngư dân cố định tàu vào âu thuyền để trú bão

Ngư dân cố định tàu vào âu thuyền để trú bão Anh Đoàn Thanh Tuấn, chủ tàu cá 210 CV ở tỉnh Bình Thuận cho biết, nhận được tin báo bão của Đài viễn thông duyên hải, anh lập tức quay tàu cá trở về. Vì hướng bão 11 đi thẳng vào các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam và có diễn biễn phức tạp nên anh và các thuyền viên đang đánh bắt cá ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ liền cho thuyền cho thuyền chạy thật nhanh cập cảng Cửa Hội để trú ẩn. “Nghe được đài thông tin Duyên Hải dự báo cơn bão số 11 vào biển Đông thì anh em trong đội tàu đã rủ nhau vào tránh trú bão để đảm bảo an toàn tính mạng cho anh em và tàu cá. Đây là cơn bão mạnh thứ 2 liên tiếp mà chúng tôi phải chạy trú ẩn trong vòng chưa đầy một tháng qua”, anh Tuấn cho biết.
Các tàu hối hả chạy vào bờ trú bão Nari (Ảnh: Doãn Hòa)

Các tàu hối hả chạy vào bờ trú bão Nari (Ảnh: Doãn Hòa) Tại các âu thuyền tránh bão trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiện có 90 tàu cá với 523 lao động ngoại tỉnh cùng gần 4000 tàu thuyền của tỉnh Nghệ An đang neo đậu. Không chỉ ngư dân vào bờ trú bão mà hiện nay người dân các huyện Nghi Lộc, Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai…cũng đang chèo chống nhà cửa, thấp thỏm lo đón bão.
Thương lái mua cá của những chuyến tàu tránh bão
Thương lái mua cá của những chuyến tàu tránh bão 
Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các địa phương làm tốt các công tác di dân những vùng thấp trũng, cửa sông, cửa biển và vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở theo phương án đã xây dựng… Kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ, đập, các công trình phòng chống lụt bão; các hồ khi xả lũ phải theo quy định để đảm bảo công trình đồng thời hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du; tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 11, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh để có phương án chỉ đạo.

Đ. Đức -  D.Công – N.Sơn - D.Hòa -N.Duy