1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Nhìn lại vụ án nông trường sông Hậu:

Lấy “cơ chế mới” xử “cơ chế cũ” có thuyết phục được dư luận?

(Dân trí) - Ngày 19/11 phiên phúc thẩm của TAND TP. Cần Thơ đã y án 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4 tỷ đồng đối với bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu. Vụ án khép lại nhưng tranh cãi và dư âm xung quanh vụ án đang ngày một “nóng”.

 
Lấy “cơ chế mới” xử “cơ chế cũ” có thuyết phục được dư luận? - 1

Thu hoạch lúa tại Nông trường Sông Hậu. (Ảnh: CAND)
 
Nông trường Quốc doanh sông Hậu được thành lập cách đây hơn 30 năm. Sau một thời gian xây dựng và phát triển, Nông trường Sông Hậu (NTSH) trở thành một mô hình mới làm ăn đầy hiệu quả khiến hàng ngàn người trên khắp cả nước đã về tham quan học tập, coi NTSH như một “điểm sáng” trong việc tìm kiếm lối đi mới. 

 

Anh hùng lao động Trần Ngọc Hoằng người khai sinh nông trường này, cũng là người sáng tạo nhiều cách làm mới trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Từ thực tiễn của nông trường đã gợi mở cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý những kinh nghiệm thực tiễn quí báu bổ sung cho quá trình đưa ra định hướng đổi mới. Bà Trần Ngọc Sương vốn là tham mưu đắc lực cho cha mình đã tiếp nối sự nghiệp của cha, lãnh đạo và xây dựng NTSH. 

 

Vụ án NTSH lúc đầu được khổi tố với tội danh “cố ý‎ làm trái” nhưng trong quá trình điều tra đã chuyển sang tội danh “lập quỹ trái phép”. Theo tôi dù là tội danh nào cũng là chưa chính xác. 

 

Nói “cố ‎ý làm trái” chưa đúng vì có thể hiểu rằng đó là việc tiếp nối quá trình vận hành cơ chế cũ mà NTSH vận dụng. Nếu qui kết theo tội danh này thì vô hình chung có thể hiểu cơ quan chức năng đã dùng cơ chế mới để xét xử cơ chế cũ?

 

Nói rằng “lập quỹ trái phép” thì bản thân nguồn quỹ này được hình thành cách đây 30 năm dưới thời cựu giám đốc Trần Ngọc Hoằng. Chính bằng hình thức lập quỹ này mà NTSH đã vượt qua biết bao khó khăn của một thời đầy cam go để có được thành tựu như ngày nay. Đã một thời đây được coi là một sáng tạo độc đáo của NTSH. Bà Trần Ngọc Sương nhận nhiệm vụ làm Giám đốc thực sự là cuộc vận hành tiếp bộ máy hoạt động của nông trường trong mấy chục năm qua. 

 

Lúc cơ chế mới hình thành và đang trên đường phát triển, thì những cái mới cũng bắt đầu hoặc đang kiểm nghiệm, những cái cũ chưa xoá hết thậm chí còn ăn sâu vào tư duy, hành động của nhiều người. Cái cũ và cái mới tồn tại song song. Đó chính là thực trạng ở NTSH. 

 

Đáng ra vào những năm đầu bà Sương đảm nhiệm chức vụ Giám đốc thì cơ quan quản lý‎ nhà nước, các nhà lãnh đạo đang vận hành cơ chế mới cần có những biện pháp tích cực, thậm chí là quyết liệt để giúp nông trường chuyển đổi kịp thời cách quản lý, sử dụng cụ thể hơn “nguồn quỹ trái phép” phù hợp với yêu cầu của luật pháp thời kỳ đổi mới. 

 

Tuy nhiên, điều đó chưa làm được và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài và duy trì nguồn quỹ bị coi là “trái phép”. Sự không biệt ranh giới giữa mới và cũ, đúng và sai dẫn đến công và tội không rõ ràng.

 

Tôi đồng cảm với luật sư Nguyễn Đăng Trừng trong lời bào chữa tại phiên toà phúc thẩm ngày 19/11 rằng: “Cần xem xét trường hợp bị cáo Trần Ngọc Sương trên một quan điểm lịch sử để xác định bị cáo có phạm tội lập quỹ trái phép hay không”.

 

Tôi từng có thời gian gắn bó với NTSH, từng viết hàng chục bài báo trên các phương tiện thông tin giới thiệu về những nhân tố mới, những việc làm mới  ở NTSH nên càng hiểu rằng đây là một tập thể, những con người đầy tâm huyết, trong đó anh hùng Trần Ngọc Hoằng, bị cáo Trần Ngọc Sương và những đứng trước vành móng ngựa hôm nay. 

 

Tôi hiểu rằng bà Trần Ngọc Sương, cùng những người bị đem ra xét xử ngoài công lao cũng có những sai phạm. Tuy nhiên sai phạm như thế nào, vì sao sai phạm và mức độ sai phạm đến đâu… chính là điều trăn trở của những người cầm bút cũng như dư luận.

 

Tại phiên toà phúc thẩm, nhìn bà Trần Ngọc Sương tự bào chữa và khẳng định mình vô tội cùng những giọt nước mắt chảy dài trước vành móng ngựa. Tôi cứ tự hỏi tội danh mà Toà kết án liệu có chính xác hay không? Bản án 8 năm tù giam cùng hơn 4 tỷ đồng bồi thường đè lên đôi vai gầy của một người phụ nữ không chồng con, không nhà cửa, từng một thời là người phụ nữ “Ấn tượng Châu Á Thái Bình Dương” liệu có thuyết phục được dư luận?

 

Phan Huy