1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Ký ức của người lính Hải quân trên con tàu 171

(Dân trí) - Những ngày đầu tháng 8 luôn là những ngày có nhiều cảm xúc nhất với ông, bởi hồi ức anh hùng một thời lại tràn về trong tâm trí người lính hải quân năm nào...

Chúng tôi về phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) tìm gặp ông Mai Văn Nhiệm (SN 1944) để được nge ông kể những câu chuyện năm xưa. Ít ai biết ông từng là người lính chiến đấu trên tàu 171 của Hải quân vùng 2 oanh liệt năm nào. Nửa thế kỷ đã trôi qua, người lính Hải quân vẫn nhớ như in niềm vui chiến thắng.

Ký ức của người lính Hải quân trên con tàu 171
Người lính Hải quân Mai Văn Nhiệm kể về những năm tháng chiến đấu ác liệt trong trận chiến ở bến phà sông Gianh

Nhớ về quá khứ, ông kể lại: Tháng 2/1964, khi là một thanh niên trai tráng, ông tình nguyện tham gia nhập ngũ. Với vóc dáng to cao, khỏe khoắn, ông được cấp trên cử đi huấn luyện tại Tiên Yên (Quảng Ninh). Sau 5 tháng được huấn luyện, đào tạo cơ bản về thủy địa và cách sử dụng các tàu chiến của quân đội ta, tháng 7/1964 ông trở về sông Gianh, được biên chế vào tàu hải quân 171, Khu tuần phòng 2, Vùng 2 Hải quân. Nhiệm vụ chính của ông là kiểm tra các thông số kỹ thuật cho tàu, xoay trục ngắm bắn, với tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/1964, đơn vị của ông nhận được lệnh sẵn sàng cơ động và chiến đấu. Bởi lẽ, tàu khu trục Maddox của Mỹ đã vượt vỹ tuyến 17 vào miền Bắc, luôn thăm dò và sử dụng những chiêu bài khiêu khích Hải quân ta.

Rạng sáng 1/8/1964, tàu Hải quân 171 nhận được chỉ thị của Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương sẵn sàng tiến đánh tàu khu trục Maddox nếu tàu này tiến sát bờ sông Gianh và bảo vệ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) nếu như địch tấn công. Chiến sĩ Mai Văn Nhiệm và các đồng đội trên tàu được lệnh lắp ngư lôi, ống phóng, chuẩn bị sẵn sàng nghênh chiến với địch.

“Khi đó tàu Khu trục của chúng ra biển Vịnh Bắc Bộ, qua thông tin từ đồng đội mà sau chúng tôi mới biết đó là đánh ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) và Lạch Trường (Thanh Hóa). Chúng đánh ở ngoài đó và bị quân ta phản công quyết liệt, thắng trận đầu vào ngày 2/8. Anh em chúng tôi ở trong này rất vui mừng, phấn khích”, ông Nhiệm kể.

Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hải quân 5/8/1964 ở bên sông Gianh
Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hải quân 5/8/1964 ở bên sông Gianh

Chiến thắng tàu khu trục Maddox được xem là chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam, không chỉ làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ hải quân mà cả quân dân cả nước. Đó cũng chính là cái cớ để Mỹ dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo hải quân ta tấn công tàu chiến Mỹ ở hải phận quốc tế; từ đó Mỹ tấn công đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Và chỉ chưa đầy 3 ngày sau, ngày 5/8/1964, Mỹ mở màn cuộc tập kích đường không xuống miền Bắc, cùng với đó là pháo hạm thi nhau bắn phá các cơ sở kinh tế và quân sự của ta. Cũng từ đó, ông Nhiệm và các đồng đội bước vào cuộc chiến đấu ác liệt với giặc Mỹ. Bao nhiêu lần đối mặt với đạn bom, những người lính trên con tàu 171 luôn anh dũng chống trả, họ kiên quyết bảo vệ căn cứ, bảo vệ những còn tàu cho đến ngày toàn thắng.

Thời đó, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Cửa Hội (Vinh - Nghệ An) và Phà Gianh (Quảng Bình) là một trong 4 cứ điểm quan trọng của lính Hải quân Việt Nam, là nơi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thường dùng những tàu khu trục cỡ lớn thường xuyên uy hiếp.

Khoảng 15h30 ngày 5/8, vì thua trận, Mỹ trả đũa quân quân ta bằng việc dùng máy bay ném bom nhiều địa điểm mà sông Gianh là nơi đầu tiên chúng nhắm đến. Hải quân cũng không tránh khỏi thiệt hại, nhiều tàu hải quân của ta bị đánh chìm.

Tại cảng sông Gianh, các tàu hải quân của ta đã nhanh chóng cơ động nổ súng kịp thời từ đợt công kích đầu tiên của máy bay Mỹ. Tiếp đó nhiều tàu Hải quân như 175, 177 kết hợp cùng 171 và các trận địa súng máy, cao xạ hai bên bờ sông Gianh nổ súng đánh trả máy bay Mỹ. Sau nhiều giờ chiến đấu, Mỹ điều khiển máy bay vào hướng Nam nhưng đến chiều lại điều máy bay ra bắn phá, ném bom. Không nao núng, nhiều tàu Hải quân của ta kiên cường đáp trả khiến địch phải rút quân.

Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hải quân 5/8/1964 ở bên sông Gianh
Mỗi lần ra bến phà sông Gianh, trong lòng người lính Hải quân năm xưa lại trỗi lên lòng căm thù giặc và sự tiếc thương cho những người đồng đội đã ngã xuống vì đất nước

Trở về quê hương, nay được sống trong thời bình, ông Nhiệm vẫn không nguôi thương nhớ những người đồng đội đã ngã xuống bên dòng sông Gianh.

Người lính hải quân năm xưa chia sẻ: “Tuổi già thường hay hoài niệm, thường nhớ về những chuyện xưa. Cuộc đời trai trẻ của tôi gắn bó với biển cả, với con tàu 171 và những trận chiến. Mỗi khi nhớ về nó, tôi thường ngắm những kỷ vật xưa, ra sông Gianh thắp hương cho những đồng đội không may mắn đã ngã xuống...”.

Hoàng Phúc - Đặng Tài