1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hủy diệt rừng cấm

(Dân trí) - Tiếng cưa máy ngày đêm vang rền trong các khu rừng cấm thuộc dãy Hoàng Liên Sơn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Những cây gỗ lớn hàng trăm năm tuổi bị đốn đổ, xẻ ra và tiêu thụ trái phép. Rừng cấm đang kêu cứu!

Không biết nạn khai thác trái phép rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn tỉnh Lào Cai bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết rằng mỗi ngày trôi qua, rất nhiều khu rừng biến thành khu đất trống, đồi trọc trải dài bất tận.

 

Những con đường trải... gỗ

 

Từ trung tâm thị trấn Phố Ràng, Bảo Yên, Lào Cai ngược quốc lộ 70 khoảng 25 km về tới bản Vuộc, xã Lương Sơn, chúng tôi không khỏi giật mình bởi tiếng cưa máy từ phía các khu rừng vọng lại. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi trông thấy là hàng trăm khúc gỗ đủ loại xếp ngổn ngang, chủ yếu là gỗ được khai thác trong rừng phòng hộ đầu nguồn đang chờ được vận chuyển.

 

Ông Hoàng V.T, một người dân địa phương cho biết: “Mấy hôm nay trời mưa suốt nên xe chở gỗ không lên được. Như mọi ngày cứ từ 4 - 5 giờ chiều là có xe đến bốc gỗ, bao nhiêu cũng đưa đi hết, chẳng biết họ đưa đi đâu”. Ông T cho biết thêm: “Thời gian này vào mùa gặt nên còn ít. Khi mọi công việc đồng áng đã xong thì mỗi ngày có hàng chục đoàn mang theo cả chăn màn, có khi hàng tuần họ mới xuống”.

 

Được xã giao nhiệm vụ bảo vệ khu rừng giáp ranh giữa hai xã Lương Sơn và Long Khánh, ông Hoàng Văn Viễn tâm sự: “Có lần tôi phát hiện lâm tặc phá rừng, thu giữ gỗ và báo lên cấp trên, sáng hôm sau một nửa đồi cây Mỡ 3 năm tuổi của tôi bị bọn chúng phát sạch, chúng còn dọa sẽ đốt cả nhà”.

 

Được biết gỗ được khai thác công khai và chủ yếu để làm nhà. Việc khai thác không được sự đồng ý của kiểm lâm, nhưng từ trước đến nay chưa có một trường hợp nào kiểm lâm có thể xử lý được. Nhiều trường hợp kiểm lâm vào bản còn bị thanh niên trong bản vác dao đuổi. Dân bản cãi lý rằng nếu không cho họ chặt gỗ rừng về làm nhà thì họ lấy đâu nhà mà ở. Lâu dần kiểm lâm cũng chẳng bắt bẻ việc khai thác gỗ nữa. Họ chỉ yêu cầu nếu muốn khai thác gỗ thì phải đến trạm kiểm lâm để xin phép. Nhưng rồi xin phép dân bản cũng chẳng thích bởi phải đóng tiền phí, xin dấu của ông này ông nọ, rất phức tạp. Dân bản không muốn đóng tiền, không muốn xin phép. Họ chỉ muốn khai thác gỗ rừng như chặt cây trong vườn nhà mình. Nhiều người còn nói vui với nhau: Rừng nhà bác rộng thế khai thác lúc nào mới hết.

 

Cách bản Vuộc 5 km, đến địa bàn xã Long Khánh, dọc con đường chạy ven các khu rừng đâu đâu cũng thấy gỗ, chốc chốc lại thấy những khúc gỗ được xẻ vuông vắn từ các đỉnh đồi lao xuống, toàn là những loại gỗ quý như Sến, Táu, Dổi, Sồi, Re... Sau đó dân dùng trâu kéo về nơi tập kết.

 

Đang đi trên con đường quanh đồi bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng la: “Có ai ở dưới không, tránh nhờ, lao gỗ”. Tiếng la khiến một số người đang rửa chân tay ở bờ suối, trên lưng đang địu củ mài nhanh chân chạy tránh. Từ trên đỉnh đồi, một khúc gỗ được xẻ vuông vắn lao ầm ầm xuống.

 

Anh Hoàng Văn Táo đang điều khiển một con trâu kéo khúc gỗ dài chừng 4m, rộng 0,3 m. Trong vai người mua gỗ tôi gạn hỏi mua, anh Táo nói: “Gỗ này mình kéo về làm nhà, không bán đâu, các anh muốn mua phải đặt trước”.

 

Chảy máu rừng nguyên sinh 

 

Anh Nguyễn Văn Sứ, một cán bộ địa phương, cho biết: Hiện nay tất cả các khu thuộc địa phận xã Long Khánh như Thung Khoái, Lối Ván, Tát Ma, Chí Trong, Chí Ngoài... đã bị lâm tặc khai thác hết, bây giờ để có gỗ lớn loại 1 hoặc 2 phải sang địa phận các xã Xuân Giang và Lâm Giang thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái mới có.

 

Anh Sứ dẫn chúng tôi vào rừng theo con đường mòn, dọc đường thỉng thoảng lại gặp những lán khai thác gỗ được dựng tạm bợ bên đường, bên cạnh lán là xác của những cây gỗ lớn đang mục nát theo thời gian. Được gọi là rừng nguyên sinh nhưng dọc đường chỉ thấy cây vầu, nứa, chuối rừng. Chỉ có những cây gỗ lớn do bị hổng, cong queo không dùng được mới may mắn sót lại.

 

Chúng tôi thắc mắc sao họ khai thác nhiều thế này mà kiểm lâm không bắt, anh Sứ cho biết: “Bắt sao được, khi chỉ thấy bóng dáng người lạ xuất hiện trên địa bàn là người nhà gọi điện cho những người đang xẻ gỗ trong rừng dừng lại ngay, với lại đa số là họ xẻ vào giữa đêm khuya, kiểm lâm nào mà bắt lúc đó”.

 

Chúng tôi quay về tới thôn Lủ 2, xã Long Khánh. Chạy dọc suốt xóm, gần như gia đình nào ở đây cũng cất giấu gỗ. Gỗ được cưa xẻ thành hộp lớn, hộp nhỏ chất gầm sàn nhà, ở hiên nhà, gia đình nào nhiều thì ngâm đầy ao. Nhà nhiều cất giữ hơn 15 khối, nhà ít cũng 3-4 khối. Rất nhiều người dân khi trò chuyện với chúng tôi đều nói, cuộc sống nghèo khó nên tranh thủ lên rừng xẻ ít gỗ làm nhà, làm tài sản cho con. Nhưng, cũng không ít người cho biết, gỗ đấy là hàng hoá, nếu được giá sẵn sàng bán ngay hoặc dựng thành nhà, khi có người mua thì bán. Bán hết họ lại lên rừng xẻ tiếp.
 
Hủy diệt rừng cấm - 1

Những cây gỗ quý bị đốn hạ, xẻ vuông vức rồi được trâu kéo về bãi tập kết.

 

Tại xã Long Khánh, gỗ mang lại nguồn thu không nhỏ, biết điều ấy nên không ít người dân ở đây đã lập xưởng chế biến dưới vỏ bọc chế biến gỗ sản xuất để dễ bề thu gom gỗ của lâm tặc chặt phá từ rừng về mang đi tiêu thụ. Điển hình là hộ ông Hoàng Văn Thảo, gia đình có xưởng gỗ đặt ở chân đồi trên địa bàn, đây là nơi tập kết gỗ lậu lớn nhất xã Long Khánh. Người dân địa phương cho biết cứ một hai ngày lại có xe đến vận chuyển gỗ đi nơi khác tiêu thụ.

 

“Trước đây lấy gỗ làm nhà chỉ vác rìu lên ngay đồi sau nhà cũng có cây gỗ to 2- 3 người ôm, bây giờ các chú thấy đấy. Đồi này trước đây là một khu rừng rậm rạp, nhiều gỗ to, giờ muốn tìm thấy được gỗ to phải đi hết nửa ngày đường”, cụ Lương Văn Tính chỉ tay về phía quả đồi trọc trơ chọi ngậm ngùi. Cụ cho biết thêm “Ngày xưa chúng tôi chỉ dùng búa rìu, dao, cưa tay xẻ cả một tuần mới hết một cây gỗ lớn. Bây giờ họ có cưa máy chạy bằng xăng chỉ cần một ngày có thể xẻ thịt được 2-3 cây gỗ lớn”.

 

Trong suốt thời gian có mặt tại đây, chúng tôi không hề thấy bóng dáng của bất cứ kiểm lâm viên nào xuống cơ sở kiểm tra xử lý việc khai thác rừng. Vậy nên, máu rừng vẫn rưng rưng chảy.

 

Cái giá phải trả

 

Dãy núi Hoàng Liên Sơn được biết đến là một vùng đất hùng vĩ với những cánh rừng già trập trùng bát ngát, với nguồn tài nguyên nông - lâm giàu có và phong phú, rừng Hoàng Liên Sơn được ví như lá phổi cân bằng sinh thái môi trường cho vùng tây bắc của đất nước. Nhưng giờ đây nguồn tài nguyên quý giá từ rừng đang bị con người khai thác một cách triệt để, những cánh rừng xưa giờ đã biến thành bạt ngàn nương rẫy hay những khu đất trống đồi trọc mênh mông.
 
Hủy diệt rừng cấm - 2
Bãi tập kết gỗ ngay gần bìa rừng.

 

Hành vi phá rừng không thương tiếc của con người đã khiến họ phải trả giá bằng cơn lũ lịch sử chưa từng có trong 40 năm qua vào đầu tháng 8/2008 ở các tỉnh phía tây bắc. Lào Cai là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, trong đó xã Long Khánh, với hơn 9 người chết, hàng hàng chục người bị thương, hàng chục căn nhà và hàng trăm hecta đất canh tác hoa màu bị lũ cuốn trôi.

 

Từ năm 2002 đến nay trên địa bàn đã có 2 người chết do bị gỗ đè và 5 người bị cưa máy cắt vào chân, có người bị cụt cả bàn chân. Anh Ma Văn Quân người xã Long Phúc do nhà nghèo nên phải bỏ học sớm về đây làm thuê, một lần tai nạn chiếc cưa máy đã vô tình cắt vào ngang đùi đã khiến anh không còn đi lại được dễ dàng như trước, trở thành gánh nặng cho gia đình.

 

Nhờ rừng mà mấy năm gần đây người dân xã Long Khánh trở nên giàu có nhưng bên cạnh đó, có tiền kéo theo những tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc… Chỉ riêng năm 2008 xã có 3 người chết do chích ma túy bị sốc thuốc, phần lớn họ tuổi đời còn rất trẻ.

 

Rời Long Khánh, tiếng cưa máy vẫn phảng phất bên tai, như tiếng gầm rú kêu cứu của những cây gỗ, con thú trong các khu rừng già.

 

Hoàng Chiên - Nguyễn Doanh