1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Hơn nửa năm mất ăn mất ngủ vì voi rừng

Hơn 7 tháng nay, người dân Ea Súp - Đắk Lắk mất ăn, mất ngủ để xua đuổi đàn voi rừng gần 50 con từ Campuchia kéo sang, đe dọa tính mạng, tàn phá hoa màu của nhân dân.

Trong khi người dân phải ngày ngày tìm cách sống chung với voi dữ thì đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được phương án lâu dài để vừa bảo vệ tính mạng, tài sản của họ vừa tránh xâm hại đến đàn voi này.

 

Khốn đốn với “ông voi”

 

Ở Ea Súp, xã Ia Rvê có 17 km đường biên giới với Campuchia, đất đai cằn cỗi nên người dân chỉ trồng được một vụ trong năm với các loại hoa màu như mì, đậu, lúa rẫy. Vậy nhưng năm nào cũng thế, khi người dân chuẩn bị thu hoạch là đàn voi lại kéo về phá hoại. Cái đói cái nghèo vì thế cứ luẩn quẩn quanh năm.

 

Người dân Tây Nguyên nói chung và Ea Súp nói riêng thường gọi loài thú này bằng một cái tên đầy tôn kính là “ông voi”. Họ không ngờ loài vật này lại làm cho cuộc sống của mình vốn dĩ khó khăn nay lại càng thêm khốn đốn.

 

Theo phản ánh của người dân, đàn voi này có gần 50 con. Chúng ít khi đi thành đàn mà chia làm nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 5 đến 7 con để kiếm ăn. “Những năm trước, các “ông voi” chỉ về một thời gian ngắn nhưng không hiểu sao năm nay, đàn voi này có mặt ở đây hơn 7 tháng rồi mà vẫn chưa chịu đi” - ông Trần Văn Lực ở thôn 4, xã Ia Rvê, lo lắng.

 

Hơn nửa năm mất ăn mất ngủ vì voi rừng - 1

Đêm nào cũng vậy, người dân Ia Rvê luôn kè kè ống lố để chờ “thụt” đuổi voi

 

Thẫn thờ bên rẫy mì, đậu chỉ còn một tuần nữa là thu hoạch nhưng đã bị voi phá tan hoang, ông Lực nghẹn ngào: “Chỉ trong một đêm mà 5 ha mì, đậu của tôi bị “ông voi” phá sạch.

 

Năm trước, cũng tại rẫy này, mấy “ông voi” cũng về tàn phá, tôi không còn thu hoạch được chút nào. Vậy là 2 năm nay, bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình tôi đã bị phá hết”.

 

Ông Đỗ Minh Chí, công an viên xã Ia Rvê, nhớ lại: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay tôi tranh thủ trồng sớm 5 sào mì để tránh “ông voi” về phá. Mấy ngày trước đây, tôi nhờ người vào thu hoạch được hơn 30 bao mì. Do đóng bao xong là trời tối nên tôi để đó chờ sáng hôm sau sẽ vào chở về. Vậy mà khi vào tới nơi, tôi mới tá hỏa vì toàn bộ số mì đã bị voi ăn hết”.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Ia Rvê, trong năm nay đã có hơn 60 ha hoa màu của người dân bị voi phá, ước tính thiệt hại trên 2 tỉ đồng. Nhưng con số thiệt hại không chỉ có vậy vì nhiều hộ dân chưa báo cáo lên xã. Điều đáng lo là hiện đàn voi hàng chục con này vẫn loanh quanh ở Ea Súp nên chắc chắn số hoa màu bị phá sẽ còn tăng lên.

 

Tạo tiếng nổ để đuổi voi

 

Ông Đoàn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rvê, rủ tôi tham gia một đêm “thụt” voi của người dân địa phương để xua đuổi loài thú rừng này. Hằng ngày, khi trời nhá nhem tối, từng đoàn người lại kéo nhau vào rẫy mắc võng, che lều để chờ “thụt” voi.

 

Trong không khí khẩn trương, tiếng nổ loạn xạ tứ phía vang vọng trong màn đêm khiến khung cảnh trở nên náo động. “Người dân nào cũng mong sao giữ lại được chút ít công sức mà họ bỏ ra suốt cả năm trời” – ông Thuận nói.

 

Ông Thuận cho biết hầu như thôn nào trong xã Ia Rvê cũng bị đàn voi về phá. “Chúng tôi đã chỉ đạo mỗi thôn thành lập hàng chục tổ chia nhau túc trực để “thụt” voi. Trước đây, mỗi khi voi về, người dân chỉ cần gõ soong nồi, thùng phuy là chúng bỏ đi nhưng hiện nay những thứ đó không còn tác dụng.

 

Hơn nửa năm mất ăn mất ngủ vì voi rừng - 2
Người dân Ia Rvê phải vào rừng chờ xua đuổi voi về phá hoại mùa màng

 

Người dân phải dùng ống lố để tạo ra tiếng nổ lớn mới đuổi được đàn voi. Tuy nhiên, cứ đà này thì không lâu nữa, cách làm đó cũng chẳng còn làm voi lo sợ” – ông Thuận bày tỏ.

 

Tôi được ông Thuận giới thiệu đến gặp ông Nguyễn Can, một trong những người nghĩ ra cách đuổi voi độc đáo này. Lau lại cái ống lố, ông Can tâm sự: “Chúng tôi vốn là người gốc Bến Tre, 7 năm trước di dân lên đây theo chính sách của Nhà nước.

 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, do không có vũ khí nên người dân quê tôi đã nghĩ ra cách dùng ống lố tạo ra tiếng nổ lớn nhằm gây hoang mang cho địch, vì chúng nghĩ mình có rất nhiều pháo. Sống ở Tây Nguyên, sau nhiều lần dùng soong nồi, thùng phuy không có tác dụng xua đuổi voi, chúng tôi mới nhớ đến cách đối phó với giặc  ngày xưa để áp dụng”.

 

“Thụt” chỗ này, voi sang chỗ khác

 

Theo chân những người đi “thụt” voi, chúng tôi vào chòi canh của ông Nguyễn Văn Tùng. Ông Tùng đang sửa sang lại “đồ nghề” chuẩn bị cho một đêm thức trắng đuổi voi.

 

Khuôn mặt hốc hác vì cả tháng nay mất ngủ để canh vườn đậu 5 sào bắt đầu thu hái, ông Tùng nhớ lại: “2 giờ sáng qua, khoảng 5 “ông voi” vào tận chòi canh của tôi tìm thức ăn. Hoảng hồn, tôi châm lửa “thụt” liền 4 phát, mấy “ông” mới chịu bỏ đi.

 

Sau đó 2 giờ, 5 “ông” quay lại. Lần này tôi xác định nếu “thụt” mãi mà mấy “ông” không chạy thì tôi phải bỏ chạy lấy người. Rất may là sau một hồi “thụt” loạn xạ và có con chó giúp sức nên tôi mới đuổi được đàn voi”.

 

Đang nghe ông Tùng kể chuyện, tôi giật thót người vì nhiều tiếng nổ lớn cách đó không xa. Cùng lúc, một công an viên nhận được điện thoại. “Mấy “ông voi” qua bên thôn 5 rồi” – anh công an viên la lên thảng thốt. Nhóm chúng tôi không kịp chào ông Tùng, vội vã lên xe phóng về hướng thôn 5.

 

Sau một hồi lấy lại bình tĩnh, những người canh voi ở thôn 5 tranh nhau kể lại chuyện voi vừa về phá: “Chúng tôi đang uống trà trong lán thì nghe tiếng thở phì phò của mấy “ông” sát cạnh chỗ mình ngồi chừng 20 m.

 

Anh em cầm ống lố “thụt” bên này, các “ông” lại bỏ sang bên kia. “Thụt” mãi, mấy “ông” mới chịu bỏ đi về hướng thôn 1 rồi”. Một người trong nhóm nhìn đồng hồ nói với chúng tôi: “Đã 4 giờ sáng rồi, chắc đàn voi qua thôn 1 không kịp về đây trong đêm nay đâu. Anh em mắc võng ngủ một lúc để lấy sức cho đêm mai nữa”.

 

Theo ông Đoàn Minh Thuận, đến nay, ở Ia Rvê chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào liên quan đến tính mạng người dân nhưng điều đó không có nghĩa là tính mạng của họ sẽ được an toàn.

 

Rất nhiều người đi làm rẫy hay bộ đội biên phòng đi tuần tra gặp voi phải vứt xe bỏ chạy. Mặt khác, hàng chục hộ dân sống rải rác trong rẫy, nếu bị voi tấn công sẽ vô cùng nguy hiểm.

 

Chúng không chỉ về rẫy phá hoại hoa màu mà còn kéo về tận khu dân cư đuổi bò, bẻ chuối... “Nhà ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê, mấy hôm trước cũng bị voi đến. Mấy con bò của gia đình ông Hải đã chạy tán loạn”- ông Thuận nói.
 

Chỉ xua đuổi, không được xâm hại

 

Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng báo cáo lên tỉnh Đắk Lắk để tìm hướng giải quyết dứt điểm việc voi về tàn phá mùa màng, đe dọa tính mạng người dân. Tuy nhiên đến nay, mọi việc chỉ dừng lại ở chỗ thường xuyên quán triệt người dân phải cảnh giác cao độ, dùng các biện pháp để xua đuổi mỗi khi chúng xuất hiện, đồng thời cấm không được xâm hại đến đàn voi. Trước mắt, huyện hỗ trợ 80 triệu đồng tiền giống cho người dân bị voi tàn phá trong năm nay”. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc người dân Ea Súp vẫn tiếp tục phải sống chung với voi và điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới thì không ai biết trước.

 

Rời Ia Rvê trong buổi chiều vùng biên giới, nhìn từng đợt gió khô thổi mạnh làm cho những cây mì còn sót lại trong đêm qua nằm rạp trên mặt đất cằn cỗi, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến cuộc sống đầy khó khăn của người dân vùng biên. Chia tay chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rvê Đoàn Minh Thuận cố đùa để “vớt vát không khí”: “Không chừng sang năm, Ia Rvê có cả một đàn voi nhà hàng chục con cũng nên”.

 

Ông Can cho biết làm ống lố khá đơn giản. Đó là một cái ống dài chừng 1 m bằng tre hoặc ống nhựa mà người dân hay dùng tưới cà phê, bịt kín một đầu, cách đầu bịt kín khoảng 10 cm đục một lỗ nhỏ bằng đầu đũa. Sau đó, bỏ vào ống một cục đất đèn và ít nước, khi gặp voi thì châm lửa vào lỗ đục sẵn sẽ phát ra tiếng nổ lớn...

 

Theo Cao Nguyên

 Người lao động