1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Hành trình đến với thế giới của những hang động kỳ vĩ

(Dân trí) - Tú Làn là tên một thung lũng hẹp nằm ở miền rừng núi xã Tân Hóa ở miền tây bắc Quảng Bình. Cái tên đó không được biết đến nhiều, cho đến một ngày hệ thống hang động hoang sơ và kỳ vĩ nơi đây được tìm thấy.

Những cung đường trên vách núi tai mèo

Suốt 30 phút trên con đường hẹp vào xã Tân Hóa, có một điều khá lạ lùng khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn là người dân nơi đây ai cũng đi tất và dép rọ, loại dép làm bằng nhựa tái sinh có quai hậu.

Nhưng câu trả lời dễ dàng được tìm thấy khi trước mắt đoàn thám hiểm “nửa mùa” là những rặng núi đá vôi cao chất ngất, những cung đường gập ghềnh và cheo leo trên vách đá tai mèo xen kẽ với những con suối mà người dân ở đây gọi là “rục”. Nếu không có tất, đá dăm sẽ luồn vào chân đau buốt. Và không có dép rọ với đế bám, chỉ cần một cái trượt chân là không có cơ hội sửa sai.

Bỏ lại mọi phương tiện, tư trang, trong hành trang của đoàn chỉ còn máy ảnh, camera, đèn pin, đồ ăn khô và nước uống. Người dẫn đường quán triệt: “Đường đi phải vượt ba hung (tức thung lũng, theo cách gọi của người địa phương), ba đỉnh lèn. Càng vào sâu đường càng khúc khuỷu, ai không đi được cứ ở lại từ đầu”.
 
Hành trình đến với thế giới của những hang động kỳ vĩ - 1

Những con ghềnh dựng đứng đầy thách thức.

Nhưng chẳng có ai “ở lại từ đầu”, khi tất cả đều tò mò muốn khám phá vùng đất kỳ bí này. Những câu chuyện kể về căn nguyên tên gọi một số địa danh ở đây khiến chúng tôi vơi đi cảm giác mệt mỏi. Con đường vượt rục Pôộc, rục Ton, xuyên núi đá, đạp cây rừng dần dần ở lại phía sau. Một chút lười biếng xuất hiện sau khi đã đặt chân tới hang Tố Mộ nhỏ (còn gọi là hang Ton), một hang nằm ở lưng chừng núi. Nhưng sau khi được biết “hang này so với Tú Làn chỉ là quạ với công” thì cảm giác lười biếng đó nhanh chóng qua đi.

Đoạn đầu, cứ hễ qua một ghềnh gấp là chúng tôi đua nhau bấm máy tanh tách. Nhưng đến đầu hung Tú Làn, khi con ghềnh hiện ra cao chót vót và dựng đứng men theo triền đá tai mèo thì chẳng còn tiếng bấm máy nào vang lên cả, tất cả đều hiểu rằng chỉ cần một cái sảy chân, vực sâu sẽ nuốt chửng tất cả. Đó là những con ghềnh giúp phân biệt người trẻ, người già và người miền xuôi, người miền ngược.

10 phút loay hoay, chúng tôi cũng tìm cách vượt qua được ải đá trời này. Nhưng đó cũng là điểm mốc cho những con dốc dựng đứng khác cứ lần lượt hiện ra. Câu chuyện làm quà, tôi hỏi một người địa phương về các loài thú dữ nơi đây thì được anh bảo: “Trước đây nhiều hổ, lắm sơn dương nhưng nay chẳng còn tăm hơi chim cá”. Như sợ tôi thất vọng, anh nói thêm: thú rừng chỉ còn mang, hoẵng, nhưng rắn lục và nhện độc thì còn nhiều lắm!
 
Hành trình đến với thế giới của những hang động kỳ vĩ - 2

Loài nhện mà người dân địa phương khẳng định là kịch độc.

May sao, trên những chặng đường phải dùng dao chặt dây rừng, đạp lên gai mây tứa máu để tới Tú Làn không có con rắn lục nào cản đường, và mấy con nhện độc cũng mải miết giăng tơ nên không để ý đến “con mồi” cỡ lớn là chúng tôi.

Gần 4 tiếng đồng hồ giữa rừng già, chúng tôi không khỏi lo lắng khi có những ngả đường mà hai người “thổ địa” cãi nhau xem chọn đường nào. Và đến lúc động cạn Tú Làn tưởng đã hiển hiện trước mắt thì chúng tôi cũng phải quanh co mất gần nửa tiếng mới tìm được cửa hang. Cách 30-40m, cô thôn nữ Tú Làn vẫn dường như vẫn e thẹn nép mình sau những tán cây rừng như trêu ngươi chàng trai lạ.
 
Hành trình đến với thế giới của những hang động kỳ vĩ - 3

Động sông ngầm Tú Làn làm đoàn chúng tôi choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ.

Và có đi mới biết con đường này có những đặc điểm rất kỳ lạ là hình như nó tự biết cách xóa mọi dấu vết cũ, bởi chỉ cách đó 3 ngày một người trong đoàn vừa đặt chân tới, nhưng chuyến này mấy lần anh suýt lạc đường nếu không có tiếng “hú” gọi nhau. Còn nữa, có những con ghềnh mà lúc mới đi trong háo hức chẳng ai để ý đến, nhưng đến khi quay về, khi lưng áo đã ướt đầm và đôi chân đã xước chằng chịt vì gai mây, thì người đi mới ngán ngẩm nhìn nó như kẻ vừa tỉnh cơn say nhìn chai rượu đế.

… và điểm hẹn mang tên Tú Làn
 

Xã Tân Hóa thuộc huyện nghèo Minh Hóa, cách thị trấn Quy Đạt chừng 30 phút đi ôtô. Tân Hóa được coi là một thung lũng lớn, bởi tất cả sông, suối trong huyện đều đổ về đây trước khi về xuôi. Nước suối muốn ra khỏi Tân Hóa phải chảy xuyên qua các lèn cao, tạo thành các “rục” (là nơi có nguồn nước ngầm, theo cách gọi của người địa phương). Có người còn giải thích: sở dĩ dân tộc Rục có tên như vậy là vì người Rục thường chọn những nơi có “rục” để định cư. Các cao niên trong xã nói rằng, chỉ cần chặn dòng hai “rục”, cả xã Tân Hóa sẽ trở thành biển hồ.

Đáng để càu nhàu khi mà ai cũng cảm nhận được động Tú Làn ở rất gần thì hai người dẫn đường vẫn loay hoay tìm cửa động. Lo lắng, háo hức, mệt mỏi - các cảm giác cứ quyện vào nhau trong chờ đợi. 15 phút trôi qua, bỗng nghe tiếng hú của người dẫn đường, tiếng hú rất gần. Chỉ độ trăm mét nhưng không thể thấy nhau, bởi lá rừng rậm rịt che kín tầm mắt, che kín luôn cả cửa động vốn chỉ rộng độ chục thước.

Không ai bảo ai, tất cả đều ồ lên: “Đây rồi, đẹp quá!”. Động cạn Tú Làn như một thế giới khác khi đã bước chân qua cửa. Càng vào sâu, không gian càng rộng mở.

Bầu không khí ẩm và mát lạnh xóa tan cơn nóng bức mùa hè, những rặng thạch nhũ kỳ vĩ nối nhau đập vào mắt. Thạch nhũ đủ hình hài, màu sắc, có cả nhũ già và nhũ trẻ xen cài lên nhau như trò chơi xếp hình của tạo hóa. Những khối nhũ đủ gợi cảm để người ta tưởng tượng: nào là tượng Phật bà, nào là mặt người tiền sử, nào là thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh…

Cả một không gian vòm mở ra. Dưới chân tôi, cát vàng rực lên lóng lánh như mặt trời dát vào mặt nước. Có người cam quả đó là vàng sa khoáng. Cũng có đoạn, nền đã được nước khắc thành những văn hoa kỳ lạ, ngoằn nghoèo.
 
Hành trình đến với thế giới của những hang động kỳ vĩ - 4

Những văn hoa kỳ lạ trên nền đá và những hạt khoáng lóng lánh trong cát vàng.

Giữa hang, nơi vòm hang sâu chót vót, mọc lên một sân khấu đá nhiều bậc đẹp đến lạ lùng. Theo ánh đèn vàng, tất cả đều toát lên một màu vàng rực. Dưới chân sân khấu, nền hang dát bởi hàng triệu viên đá tròn lẳn như những viên bi ve.

Động tối om, khiến mọi ước đoán về kích thước trở nên mông lung, chỉ biết là theo ánh đèn pin chúng tôi chỉ thấy vòm động cao hun hút và xanh rì một màu đá vôi. Sau khi đi chừng 500m vào cuối hang, ánh đèn pin không thể soi đến một vực sâu đầy nước. Chúng tôi biết có nước, vì ném hòn đá xuống, nghe một tiếng “bõm”.

Trong động, mọi thứ dường như đều tĩnh lặng đến tịch liêu, kể cả mặt nước dưới vực sâu. Chỉ có hai chuyển động mà chúng tôi cảm thấy được là là cuộc đấu tranh tự nhiên âm thầm của một chồi non vừa nẩy và những giọt nước vẫn miệt mài rỉ qua vách đá như đã rỉ để tạo nên vẻ đẹp tiên cảnh này suốt hàng triệu năm.
 
Hành trình đến với thế giới của những hang động kỳ vĩ - 5

Bữa ăn "dã chiến" ngon lành trước cửa động Tú Làn.

Gần 1 giờ trong động Tú Làn, với đầy đủ nhưng bức ảnh, thước phim và cảm nhận về nó, chúng tôi hiểu rằng thêm một điều kỳ diệu của thiên nhiên vừa thức giấc. Đoàn quay lưng, Tú Làn lại âm thầm xóa đi những dấu chân người, để âm thầm và kiêu sa chờ đợi những nhà thám hiểm thực thụ, những người hiểu được giá trị thực của Tú Làn sau những rặng đá vôi trầm tích hàng triệu năm.

----

Chỉ vài ngày sau, khi ký ức về Tú Làn vẫn còn in nguyên, qua điện thoại anh Đinh Vũ Thường (là cộng tác viên “cắm bản” của báo Quảng Bình và là người tham gia dẫn đoàn) hồ hởi: “Sau chuyến đi của chúng ta, sau những bài báo của chúng ta, có vài người đã gọi cho tôi báo thêm những hang động mới quanh khu vực này. Đợi đó, có dịp chúng ta lại đi chứ?”. Tôi gật đầu với anh, cái mảnh đất kỳ lạ này vẫn chưa thôi quyến rũ.

“Đi xa hơn cả… lâm tặc!”
 
Một người trong đoàn đã nói vui như vậy trên chuyến thám hiểm nhọc nhằn của chúng tôi. Dẫu biết đó chỉ là một lời bông đùa để xua tan cơn mệt mỏi, nhưng phải công nhận rằng câu nói đó rất… có cơ sở.
 
Hành trình đến với thế giới của những hang động kỳ vĩ - 6

Một gốc cây đại thụ bị đốn ngã.
 

Suốt hành trình xuyên rừng, từ hung Tố Mộ đi vào nửa đầu hung Tú Làn, đoàn đã không khỏi xót xa khi nhìn những gốc táu trăm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc. Nhiều gốc cây lớn đã nứt nẻ và rêu phong vì bị đốn hạ từ lâu, nhưng cũng không ít gốc cây 2-3 người ôm vẫn còn trơ nhựa, thân cây đổ ngổn ngang chưa kịp bị lâm tặc mang đi. Con đường vượt lèn đỡ gập ghềnh hơn nhờ những thanh gỗ được ai đó đặt khéo léo dọc vách núi mà người dẫn đoàn khẳng định là các thanh đà lâm tặc dựng nên để vận chuyển gỗ. Nhưng may mắn thay, trong đoạn cuối của cung đường hiểm trở, chúng tôi vẫn được nhìn thấy những gốc cây cổ thụ to lớn hùng dũng vươn mình giữa rừng già. Những thanh đà cũng không còn xuất hiện, buộc chúng tôi phải đu mình giữa vách đá tai mèo cheo leo trên con đường tìm đến với các hang động kỳ vĩ của Tú Làn. Mong sao, khi có dịp quay lại Tú Làn, chúng tôi vẫn được nghỉ chân dưới những tán cây bách niên kiêu hãnh kia.

 

Hồng Kỹ