1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hầm xuyên đèo gần Ô Quy Hồ: Ảnh hưởng sinh thái VQG Hoàng Liên ra sao?

Thế Kha

(Dân trí) - Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên hoàn thành sẽ kết nối du lịch thuận tiện với các địa danh nổi tiếng như cổng trời Ô Quy Hồ; cầu kính Rồng Mây, đỉnh Fansipan...

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) với huyện Tam Đường (Lai Châu) cho thấy, thời gian thi công dự án 3.300 tỷ đồng này khoảng 4 năm.

Tuyến hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên hoàn thành sẽ tạo nên tuyến đường bộ tránh nhiều khúc cua hiểm trở trên đèo Hoàng Liên (rút ngắn gần 22km đường đèo cũ) và tránh hiện tượng sương mù dày đặc, đường trơn trượt do băng tuyết cho lái xe khi đi trên đèo, giảm thiểu tai nạn giao thông khi qua đèo.

Hầm xuyên đèo gần Ô Quy Hồ: Ảnh hưởng sinh thái VQG Hoàng Liên ra sao? - 1

Đèo Ô Quy Hồ (Ảnh: Cẩm Tú).

Đối với tỉnh Lai Châu, ĐTM cho rằng khi hầm đường bộ hình thành sẽ được kết nối du lịch với thị xã Sa Pa, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế khu cửa khẩu Lào Cai, kết nối du lịch thuận tiện với các địa danh nổi tiếng như cổng trời Ô Quy Hồ, cầu kính Rồng Mây, đỉnh Fansipan...

Vì sao lại làm 2 ống hầm cách nhau 30m?

Theo báo cáo ĐTM, tuyến đường có chiều dài khoảng 8,8km với quy mô nền, mặt đường đạt cấp III miền núi theo TCVN 4054-05 cho toàn bộ tuyến; vận tốc thiết kế 60km/h.

Quy mô mặt cắt ngang gồm 2 làn xe không có dải phân cách giữa, tổng chiều rộng nền là 10m, mặt đường 2 làn xe 2x3m = 6m; bề rộng lề đường 1m.

Công trình hầm gồm 2 ống hầm cách nhau dự kiến 30m, chiều dài mỗi ống hầm 2,5km; thiết kế theo tiêu chuẩn hầm xuyên núi của Nhật Bản, kết hợp với tiêu chuẩn TCVN 4528:1988 cùng với tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054-2005.

Hầm chính được hoàn thiện đầy đủ thiết bị để khai thác với 2 làn xe cơ giới lưu thông hai chiều; thiết kế vĩnh cửu, kết cấu vỏ hầm bằng bê tông cốt thép, đảm bảo yêu cầu về tĩnh không đứng là 5m.

Hầm xuyên đèo gần Ô Quy Hồ: Ảnh hưởng sinh thái VQG Hoàng Liên ra sao? - 2

Thiết kế 2 ống hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên (Ảnh: ĐTM).

Báo cáo ĐTM đã giải thích về sự cần thiết phải lựa chọn phương án 2 ống hầm. Trong đó có tham khảo Tiêu chuẩn thiết kế Nga: Hầm đường sắt có chiều dài từ 3.000m trở lên và hầm đường bộ từ 1.500m cần có các cửa thoát hiểm bố trí ở hầm lánh nạn bên cạnh hoặc là thoát trực tiếp lên mặt đất bằng đường hầm dẫn.

Cũng có thể bố trí các buồng lánh nạn được trang bị cửa chống cháy và hệ thống thông gió riêng biệt. Khoảng cách giữa các hầm ngang thông sang hầm lánh nạn không quá 300m và giữa các buồng lánh nạn không quá 600m.

Tham khảo Tiêu chuẩn thiết kế Nhật Bản cho thấy, đường sơ tán nối với hầm cần thiết đối với hầm có chiều dài hơn 750m.

"Hầm Hoàng Liên với chiều dài 2.500m cần thiết phải xây dựng 2 ống hầm để có phương án thoát hiểm, đảm bảo an toàn, thuận lợi khi khai thác", báo cáo ĐTM thông tin.

Cụ thể, ống hầm thứ 2 đào đủ kích thước hình học để phục vụ lánh nạn, không bố trí lắp đặt thiết bị. Hầm được thiết kế vĩnh cửu, có vỏ hầm bằng bê tông và bê tông cốt thép.

Quy mô mặt cắt ngang hầm theo nguyên tắc bảm bảo yêu cầu về tĩnh không đứng 5m theo quy trình quy phạm hiện hành tương tự như hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Phú Gia, hầm Phước Tượng đã áp dụng.

Đi qua rừng là bắt buộc và đảm bảo tính khả thi nhất 

Báo cáo ĐTM phân tích, hoạt động dọn dẹp mặt bằng, đào đắp nền đường, thi công các hạng mục và vận chuyển nguyên vật liệu, đất, đá thải… sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Do một số vị trí nổ mìn nằm trong phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Hoàng Liên, địa hình thi công rất khó khăn nên chủ dự án sẽ lựa chọn phương án thi công hợp lý nhất, hạn chế tối đa tác động như đá văng, sóng chấn động, sóng không khí.

Dự án sẽ thi công theo 2 hướng từ ngoài vào; không bố trí đường công vụ trong phạm vi ranh giới của Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Hầm xuyên đèo gần Ô Quy Hồ: Ảnh hưởng sinh thái VQG Hoàng Liên ra sao? - 3

Các bộ phận cơ bản trong hầm xuyên đèo Hoàng Liên (Ảnh: ĐTM).

Đoạn tuyến có rừng đặc dụng của phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Hoàng Liên có thảm thực vật khá phát triển nhưng theo hồ sơ của Viện Nghiên cứu Lâm sinh - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho thấy nguy cơ ảnh hưởng đến các loài thực vật quý hiếm hầu như không xảy ra.

Thời gian thi công tuyến đường khoảng 4 năm (mỗi năm trung bình làm việc 240 ngày), trong đó hoạt động nổ mìn phá đá để đào nền đường được tiến hành trong 3 năm đầu. Trung bình cứ 1 ngày tiến hành một đợt nổ/vị trí và mỗi năm có khoảng 240 đợt nổ. Tại mỗi vị trí nổ mìn sẽ phát sinh lượng đá khoảng 210m3 đá; lượng bụi sinh ra ngay sau vụ nổ khá lớn.

Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên chiếm dụng gần 72ha đất các loại, trong đó phần ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Hoàng Liên khoảng 8,75ha (chiếm 0,029% diện tích phần vùng lõi của vườn quốc gia). Vì vậy, mức độ ảnh hưởng của việc chuyển đổi diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ đầu nguồn không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái rừng, môi trường tự nhiên, môi trường sống của các loại động thực vật, chức năng phòng hộ đầu nguồn.

"Khu vực rừng cần chuyển đổi là khu vực vành đai và khu phục hồi sinh thái, không xâm phạm đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Hoàng Liên", báo cáo ĐTM cho hay.

ĐTM còn khẳng định, việc chọn tuyến đi qua khu vực rừng phòng hộ và rừng đặc dụng của phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Hoàng Liên là bắt buộc và đảm bảo tính khả thi nhất.

"Nó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về hiệu quả kinh tế và xã hội, cũng như tiêu chuẩn đáp ứng được điều kiện thi công dự án. Dự án có dạng tuyến nên tỷ lệ diện tích chiếm dụng/chiều dài không lớn. Diện tích rừng tại từng tiểu khu sẽ bị ảnh hưởng không lớn, vẫn đảm bảo được chức năng của các tiểu khu", ĐTM dự án lý giải.

Hầm xuyên đèo gần Ô Quy Hồ: Ảnh hưởng sinh thái VQG Hoàng Liên ra sao? - 4

Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa (Lào Cai) với huyện Tam Đường (Lai Châu) dài khoảng 8,8km (Ảnh: ĐTM).

Chủ dự án cho biết, dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên không thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học. Quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng sẽ thực hiện lập phương án trồng bù rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp; phương án thực hiện là đóng tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.300 tỷ đồng

Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách Hà Nội khoảng 450km về phía Đông Nam.

Lai Châu có diện tích tự nhiên 9.068,78km2 với 265,095km đường biên giới giáp với Trung Quốc, có cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng. Đây là tỉnh có vị trí quan trọng về địa lý và an ninh quốc phòng.

Dự án có tổng mức đầu tư 3.300 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Lai Châu được giao làm chủ đầu tư. Năm 2023, HĐND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công.