1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội mùa giảm giá: Khuyến mãi lắm “chiêu”

Không chỉ các siêu thị, trung tâm thương mại lớn mà nhiều cửa hàng nhỏ lẻ cũng khuyến mãi để giải quyết “hàng tồn kho”. Lạc vào thế giới khuyến mãi mới biết, có rất nhiều chiêu thức do nhà cung cấp đưa ra mà rất hiếm khi người tiêu dùng được lợi.

Những ưu điểm vượt trội!

 

Theo khảo sát của siêu thị Intimex, Fivimart, Metro Thăng Long, Trung tâm thương mại Vincom, Unimart... trong thời gian khuyến mãi, số hàng hoá tiêu thụ tăng từ 15 - 30% so với trước thời gian khuyến mãi.

 

Tại các cửa hàng có những biển hiệu: “Siêu giảm giá”, “Đại hạ giá”, “Sale off…”, “Mua hàng có quà tặng”, khách hàng thường tập trung nhiều hơn vì đây là cơ hội tốt để người tiêu dùng chọn được hàng hoá với giá rẻ.

 

Theo ghi nhận của phóng viên sáng 26/9, tại một số tuyến phố, điểm kinh doanh cho thấy, có tới 42% trong tổng số các cửa hàng kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang trên các phố Phạm Ngọc Thạch, Hàng Ngang, Hàng Đào có áp dụng chương trình khuyến mãi. Phố Hai Bà Trưng và các trung tâm điện máy giảm giá mặt hàng điện tử với mức giảm tối đa 30%.

 

Tại chợ công nghệ và thiết bị thủ đô 2006 có tới hơn 50% các đơn vị doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng thiết bị viễn thông, linh kiện máy tính xách tay giảm giá, tặng quà hoặc tăng thêm các dịch vụ tiện ích để thu hút người tiêu dùng (NTD).

 

Ngoài ra, đồ gỗ nội thất cao cấp như: Nhà Đẹp, Nhà Xinh, An Dương... đều đưa ra chương trình giảm giá 5 - 15%, tặng quà hấp dẫn cho các cặp uyên ương khi mua một số mã hàng nội thất đặc biệt...

 

Giá rẻ - chất lượng thấp?

 

Khảo sát tại nhiều điểm cung ứng hàng tại thị trường Hà Nội dễ nhận thấy: Tình trạng nhiều chương trình khuyến mãi mập mờ gây nhầm lẫn cho khách hàng hiện khá phổ biến.

 

Các đơn vị, cửa hàng treo băng rôn, biển thông báo giảm giá nhưng không thông báo giá thời điểm trước và sau khi áp dụng khuyến mãi cũng khiến NTD như bị lạc vào mê cung.

 

Ngoài ra, còn có hiện tượng các doanh nghiệp sử dụng hàng kém chất lượng làm quà tặng đính kèm còn chưa được kiểm soát chặt. Xin đơn cử: Khi khách hàng mua áo sơmi được tặng càvạt (màu xấu, chất lượng vải nhàu), mua son được tặng bút chì kẻ môi nhưng chất lượng chì kém, quần áo thời trang giảm giá thường không đủ các size mà chỉ còn 1 - 2 size hoặc chỉ có 1 - 2 màu... Đó là mặt trái của khuyến mãi.

 

Anh Nguyễn Thành Công - khu tập thể Cơ khí Trần Hưng Đạo - phản ánh: “Tôi thấy cửa hàng quần áo thời trang trên phố Chùa Bộc có treo biển giảm giá áo sơmi đến 40%. Khi tôi chọn được chiếc áo có màu phù hợp với tuổi của mình thì chủ cửa hàng cho biết loại áo này chỉ còn size nhỏ và khuyên tôi mua các mặt hàng không khuyến mãi”.

 

Tương tự như vậy, chị Đỗ Thị Thuý Khuyên - C11, khu đô thị mới Định Công - có ý kiến: “Tôi vào một cửa hàng có đề biển sale off 50%. Khi chọn một chiếc áo có ghi giá 110.000 đồng, tưởng khi thanh toán sẽ được giảm 50% theo như quảng cáo nhưng nhân viên thanh toán cho biết giá sản phẩm đã giảm 50%”.

 

Còn rất nhiều trường hợp, khi người tiêu dùng tiếp cận với hàng khuyến mãi đã có những thắc mắc về chất lượng hàng hoá và hình thức khuyến mãi.

 

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Thương mại: “Nghị định 37/2006/NĐ - CP quy định rõ: Chỉ những chương trình khuyến mãi có tính may rủi thì đơn vị thực hiện khuyến mãi mới phải đăng ký với cơ quan quản lý, còn các chương trình khuyến mãi khác, đơn vị chỉ phải gửi thông báo tới cơ quan quản lý. Vì vậy, để kiểm soát tất cả các chương trình khuyến mãi là vấn đề rất khó khăn với cơ quan quản lý...”.

 

Thực tế cho thấy, nhiều chương trình khuyến mãi đang được áp dụng nhưng Sở Thương mại Hà Nội không nắm rõ vì thời gian khuyến mãi ngắn, đơn vị khuyến mãi nhỏ lẻ, hình thức khuyến mãi ít. Khi cơ quan chức năng biết thì chương trình khuyến mãi đó đã kết thúc. Đây là một trong những vấn đề khó kiểm soát được chất lượng các chương trình khuyến mãi hiện nay.

 

Giá trị hàng hoá và các hình thức khuyến mãi

 

Theo Nghị định 37/2006/NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định hạn mức tối đa về giá trị hàng hoá, dịch vụ khuyến mãi như sau: Giá trị vật chất dùng để khuyến mãi cho một đơn vị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hoá, dịch vụ khuyến mãi đó trước thời gian khuyến mãi. Tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mãi không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ được khuyến mãi.

Các hình thức khuyến mãi gồm: Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu; tặng hàng hoá, cung ứng dịch vụ không thu tiền; bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn cung ứng dịch vụ trước đó; bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ; bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm phiếu dự thi; Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi; tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên; tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hoá, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mãi. Các hình thức khác.

 

Theo Xuân Long

Lao Động