"Đây là bài nói chuyện của Bác với đồng bào, chú xem rồi góp ý cho Bác"

Phạm Ngọc Triển

(Dân trí) - Giữa lúc phong trào cách mạng ở tỉnh Lào Cai đang có những bước chuyển biến quan trọng thì một niềm vui lớn đến với nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai: Bác Hồ cùng phái đoàn Đảng, Chính phủ lên thăm.

Nhân kỷ niệm 65 năm Hồ Chủ tịch đi xe lửa từ thủ đô Hà Nội lên thăm tỉnh biên giới Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023), xin trân trọng giới thiệu tư liệu lịch sử quý chuyến thăm đặc biệt này qua hồi ký của ông Hoàng Trường Minh, cố Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, viết năm 1973 đăng trong cuốn sách "Những dòng hồi ức cách mạng" do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản, phát hành năm 2005.

"Chú góp ý bài phát biểu của Bác với đồng bào"...

..."Tháng 9 năm 1958, sau những thắng lợi của cuộc vận động quần chúng tiễu phỉ, khôi phục kinh tế, tỉnh Lào Cai đã có nhiều biến đổi quan trọng.

Nhiệm vụ của tỉnh Lào Cai lúc này là tiến hành đấu tranh xóa bỏ tàn dư của chế độ phong kiến, cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế - xã hội.

Giữa lúc phong trào cách mạng ở tỉnh Lào Cai đang có những bước chuyển biến quan trọng như vậy thì một niềm vui lớn đến với nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai: Bác Hồ cùng phái đoàn Đảng, Chính phủ lên thăm.

Đây là bài nói chuyện của Bác với đồng bào, chú xem rồi góp ý cho Bác - 1

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai trong dịp Người lên thăm tỉnh ngày 24/9/1958 (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Lào Cai).

Tôi cùng một số đồng chí đi tàu xuống Yên Bái để đón Bác. Trên tàu từ Lào Cai về xuôi lòng chúng tôi biết bao xúc động khó tả. 

Chúng tôi sống trong tâm trạng vô cùng sung sướng vì nghĩ rằng thế nào cũng được báo cáo để Bác nghe về sự tiến bộ của tỉnh Lào Cai trong những năm qua. Sung sướng vì nghĩ thế nào cũng được Bác huấn thị, chỉ bảo để tỉnh Lào Cai tiến lên trong thời kỳ mới của cách mạng.

Riêng tôi càng sung sướng lại được gặp lại Bác Hồ để nghe Người dạy bảo, để được tiến bộ hơn.

Mừng như thế nhưng chúng tôi cũng thấy lo lo. Từ lúc ở nhà cho tới lúc ngồi trên tàu chúng tôi soát lại những điều đã chuẩn bị sẽ báo cáo với Bác, để thưa với Bác khi Người hỏi mà lòng dạ cứ nao nao, chỉ sợ lúc ấy xúc động quá mà quên đi mất.

Đêm 22 tháng 9 năm 1958 chúng tôi về tới thị xã Yên Bái. Sáng sớm hôm sau thì tàu đưa Bác từ thủ đô Hà Nội lên tới ga Yên Bái. 

Nhận được tin tôi liền ra ga đón Bác. Thấy tôi đồng chí Lê Quốc Thân, Thứ trưởng Bộ Công an, dẫn vào toa mà trong đó có các đồng chí cùng đi với Bác.

Đồng chí Lê Quốc Thân đưa tôi sang toa Bác ngồi. Vừa tới đầu toa xe tim tôi đập rộn. Bác đi một toa riêng có giường nằm, khá tiện nghi như căn buồng ở, ngoài đầu toa có bộ bàn ghế để Bác tiếp khách.

Lúc đó trời mới tảng sáng, tôi rón rén bước vào lòng vẫn áy náy chỉ sợ đến sớm làm mất giấc ngủ của Bác.

Bác ngồi ở ghế, quần áo màu gụ, cốt cách thật ung dung, giản dị nên vừa nhìn thấy Bác tôi đã có ngay cảm giác ấm cúng, gần gũi, tự tin.

Thấy tôi Bác gọi ngay: 

- Chú vào đây. Chú xuống đây từ bao giờ thế?

 Tôi đáp: 

- Thưa Bác, được biết tin Bác lên thăm Lào Cai chúng cháu đến đón Bác ạ.

Bác hiền từ: 

 - Bác cũng biết đường đi lên Lào Cai rồi. Nhưng chú đã xuống đến đây cũng rất tốt. Chú ngồi xuống đây.

Bác lấy ra mấy tờ giấy đã viết rồi nói tiếp:

- Bác viết sẵn một bài nói chuyện với đồng bào tỉnh Lào Cai rồi, chú xem đi, có gì thì góp ý với Bác.

Thật bất ngờ quá đỗi với tôi. Lề lối, tác phong làm việc của Bác thật dân chủ. Tôi bàng hoàng cả người, tay cầm mấy tờ giấy có chữ của Bác viết một mặt, một mặt để trắng và đọc từng dòng. Tôi nghĩ mãi chẳng biết tham gia ý kiến gì thì Bác nhắc:

- Chú có ý kiến gì thì thêm vào.

Tôi đọc lại, sau mới nghĩ ra một ý, liền mạnh dạn thưa với Bác:

- Thưa Bác về mặt tư tưởng, cháu đề nghị với Bác có thể nhấn mạnh thêm phải khắc phục tư tưởng dân tộc lớn và tư tưởng dân tộc hẹp hòi ạ.

Nghe tôi nói Bác vui vẻ gật đầu: 

- Đúng vậy, chú ghi vào để Bác nhớ nhấn mạnh thêm.

Tôi sung sướng ghi thêm mấy chữ vào bản viết tay của Bác. Thấy Bác đồng ý với ý kiến của mình tôi đọc lại một lần nữa và thấy hơi ngờ ngợ, trong bài viết, bác có có câu: "Đặc biệt là đối với dân tộc ít người như đồng bào Lô Lô...".

Tôi cứ lúng túng mãi không rõ tỉnh Lào Cai có dân tộc Lô Lô không? Vì không tin ở mình nên tôi không dám báo cáo với Bác. 

Về sau trong lần thống kê dân số năm 1960 tôi mới biết tỉnh Lào Cai mình cũng có dân tộc Lô Lô dẫu rằng dân số rất ít.

Cách làm việc của Bác thật chính xác, cẩn thận là thế. Tôi có cảm tưởng như đang sống trong những giây phút ấm cúng nhất với người Cha già của mình. Đó cũng là thời gian tôi được ở cạnh Bác lâu nhất.

Làm việc và nói chuyện với Bác xong, sợ Người mệt tôi xin phép sang toa các thành viên khác đi cùng Bác lên thăm Lào Cai.

Tới ga Làng Giàng, Bác và phái đoàn Chính phủ rẽ vào Cam Đường thăm anh em công nhân mỏ a pa tít. Tôi xin phép Bác được về chuẩn bị đón Bác ở nhà.

Chiều hôm đó Bác từ mỏ a pa tít ra thị xã Lào Cai. Đêm Bác làm việc với Tỉnh ủy và nghỉ tại nhà khách Tỉnh ủy.

Sáng hôm sau ngày 24/9/1958, một buổi sáng lịch sử đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai - Bác Hồ gặp gỡ và nói chuyện với đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh"...

Bác ưu tiên đại biểu phụ nữ dân tộc chụp ảnh lưu niệm 

..."Sương sớm vừa tan, không khí mùa thu trên khu đồi cao dịu mát. Trên sân trước mấy căn nhà Tỉnh ủy hàng trăm đại biểu cán bộ, công nhân viên chức, đồng bào các dân tộc, Việt Kiều ta ở thị trấn Hà Khẩu Trung Quốc) và các cháu thiếu nhi quây quần đông  đủ chờ Bác tới, đặc biệt trong buổi đón Bác còn có các đồng chí ở Hà Khẩu (Trung Quốc) sang cùng dự.

Bác tới rồi. Bác hồng hào khỏe mạnh. Bác mặc bộ quần áo màu gụ. Tiết trời buổi sáng hơi lạnh nên Bác khoác thêm chiếc áo len màu hạt dẻ. 

Còn gì sung sướng hơn được gặp Bác. Các đại biểu đứng dậy đón Bác.

Từ hàng ghế dài trên cùng Bác bước đến cạnh bàn nhỏ đặt chiếc micro bắt đầu nói chuyện. 

 Bác nói:

-  Bác cùng các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ về thăm đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh nhà, một tỉnh có nhiều thành tích sản xuất và chiến đấu.

Sau khi Bác khen, Bác nêu lên những nhiệm vụ tiếp theo cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lào Cai. 

Lời Bác thật rõ ràng, dễ hiểu, nghe thật xúc động.

Có lẽ lúc đó mọi người vừa nghe Bác, vừa cảm thấy tất cả tấm lòng yêu thương vô bờ bến và sự chăm sóc đặc biệt của Người đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Hôm nay đồng bào mới được gặp Bác nhưng hình ảnh của Người đã ăn sâu trong tâm trí đồng bào tỉnh Lào Cai từ lâu rồi.

Những năm thực dân Pháp thống trị, áp bức bóc lột, bọn phỉ gây rối và những ngày đen tối trong vùng địch hậu, những lúc khó khăn thiếu thốn, các cán bộ Đảng đã đem tới cho đồng bào hình ảnh Hồ Chủ tịch vĩ đại và mối quan tâm tha thiết của Bác đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Lịch sử tỉnh Lào Cai có những bước ngoặt quan trọng, những lúc ấy đều được Bác huấn thị, chỉ bảo.

Nhớ lại những năm tháng trước đây, tháng 11 năm 1950 tỉnh Lào Cai được giải phóng, Bác ở xa, bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn gửi thư lên khen ngợi và dặn dò.

Giờ đây trước thời kỳ mới của tỉnh Lào Cai, Người lại đích thân lên để thăm hỏi đồng bào, chiến sỹ, đồng thời Bác còn dạy nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai phải đoàn kết chặt chẽ, tích cực tăng gia sản xuất, giữ gìn trật tự trị an và thuần phong mỹ tục.

Để thực hiện tốt bốn nhiệm vụ trên đây, Bác căn dặn phải ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ dân tộc địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng quân đội, mặt trận và chính quyền phải đoàn kết nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi  việc, phải củng cố chi bộ Đảng và chi đoàn thanh niên,cán bộ tỉnh và huyện phải xuống xã chỉ đạo riêng rồi trao đổi kinh nghiệm cho nhau, phải hiểu rõ mục đích tiến lên Chủ nghĩa xã hội bởi đó mới có hạnh phúc, no ấm, tự do...

Bác còn dạy cán bộ phải hướng dẫn đồng bào, đặc biệt đồng bào rẻo cao định canh, định cư, bảo vệ rừng, dùng phân bón, làm ruộng bậc thang, cải tiến kỹ thuật cày cấy...

Về công tác xây dựng Đảng, Bác nhấn mạnh:  

- Hiện nay đảng viên còn ít vì chỉ có 113 người dân mới có 1 đảng viên, cần phải phát triển đảng viên nhưng phải chọn lọc hết sức cẩn thận, phát triển chừng nào phải giáo dục, củng cố chừng ấy, chớ phát triển bừa bãi... 

Tất cả các đại biểu dự cuộc gặp mặt chăm chú lắng nghe như uống từng lời Bác nói.

Cuối buổi mít tinh Bác cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. Bác đặc biệt chú ý tới các đại biểu phụ nữ người dân tộc nên Bác bảo chị Seo Tùng đến đứng ngay cạnh Bác.

Đó là vinh dự riêng của chị cũng là niềm vinh dự chung của phụ nữ các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. 

Hai ngày Bác thăm tỉnh Lào Cai là hai ngày vô cùng hạnh phúc với nhân dân các dân tộc tỉnh.

Niềm vui được Bác Hồ lên thăm Lào Cai và tôi được gặp Bác Hồ mãi mãi không phai mờ trong cuộc đời chiến đấu, công tác của mình.

Bác về rồi nhưng những câu chuyện về Người vẫn được truyền tụng, lan tỏa đi khắp nơi trong tỉnh.

Đây là bài nói chuyện của Bác với đồng bào, chú xem rồi góp ý cho Bác - 2

Bác Hồ chụp ảnh với ông Trần Văn Nỏ, người có công đầu tiên phát hiện ra mỏ a pa tít Lào Cai (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Lào Cai).

Chuyện Bác thăm hỏi ông Trần Văn Nỏ người có công phát hiện ra mỏ a pa tít Lào Cai, đặt tên "Gò thanh niên", "Đường phụ nữ" - một khúc đường trong mỏ a pa tít. Chuyện Bác không dùng khăn mặt mới ở Nhà khách Tỉnh ủy mà dùng khăn mặt cũ mang theo. Chuyện Bác quan tâm tới anh em trong các đơn vị bảo vệ Bác trên đường vào mỏ a pa tít... 

Tất cả đều nói lên tấm lòng bao dung, độ lượng và đạo đức cách mạng cao quý của Bác Hồ.

Tôi còn nhớ chuyện Bác gọi tôi hỏi về phong tục tập quán của đồng bào sau cuộc mít tinh, tôi còn đang lúng túng chưa biết mời Bác ngồi vào chỗ nào thì Bác đã ngồi xuống ngay thềm nhà mát mẻ, sạch sẽ, tôi cũng ngồi xuống, thế là hai bác cháu nói chuyện vui vẻ như hai cha con.

Một trong những điều Bác dạy mà tôi còn nhớ nhất là đạo đức người cán bộ cách mạng.

Bác nói: Cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, luôn luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phải làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng.

Vì thế ngay từ cuối năm 1947 tôi được Đảng, Bác cử làm Chủ tịch tỉnh Lào Cai cho tới sau này lúc nào tôi cũng tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn phẩm chất người cán bộ cách mạng"...