1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Đàn châu chấu tràn vào Điện Biên có đáng lo ngại không?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn vào Điện Biên phá hoại cây rừng, hoa màu là loài châu chấu tre lưng vàng và "không đáng lo ngại".

Liên quan đến đàn châu chấu mới tràn từ phía biên giới Trung Quốc vào địa bàn xã Xín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) phá hoại rừng và hoa màu, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đây là loài châu chấu tre lưng vàng và "không đáng lo ngại".

Ông Dương cho biết thêm, hàng năm, Cục Bảo vệ thực vật vẫn thường xuyên có những văn bản chỉ đạo các địa phương về việc phòng trừ loài châu chấu tre lưng vàng nói trên. 

"Cứ đến tầm tháng 7 hàng năm loài châu chấu tre lưng vàng bước vào giai đoạn ghép đôi nên chúng di chuyển rất mạnh. Khoảng tháng 4 hàng năm chúng tôi đều có văn bản nhắc nhở các địa phương theo dõi vị trí đẻ trứng của chúng để phòng trừ. Các trạm bảo vệ thực vật ở các địa phương còn mua cả trứng châu chấu tre lưng vàng khi người dân đào được để đem đi tiêu hủy", ông Dương cho biết

Nói về khu vực châu chấu tre lưng vàng thường xuyên xuất hiện, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Loài châu chấu tre lưng vàng nói trên thường xuất hiện ở tỉnh biên giới giữa Lào, Trung Quốc với Việt Nam như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Thanh Hóa... Do đó, việc chúng di chuyển từ biên giới các nước vào Việt Nam là điều không tránh khỏi.

Giai đoạn năm 2016, 2017, châu chấu tre lưng vàng phát triển rất mạnh ở các tỉnh như Sơn La, Cao Bằng. Đặc biệt, năm 2017, tỉnh Cao Bằng đã phải công bố dịch châu chấu tre lưng vàng.

"Tôi nhớ năm 2017, châu chấu tre lưng vàng còn bay rợp trời ở biên giới giữa Lào và huyện Sốp Cộp của tỉnh Sơn La, lên tới vài trăm héc-ta. Xe ô tô của chúng tôi đi trên con đường vành đai biên giới mà châu chấu còn lao rầm rầm vào kính xe. Nhưng loài châu chấu này không đáng lo ngại, chúng chỉ thích ăn những lá cây rừng như tre, nứa. Còn cá biệt chúng xuống những nương ngô của bà con phá hoại thì khi chúng bay đi, ngô lại ra lá và phát triển bình thường", ông Dương chia sẻ.

Cuối cùng, ông Dương đánh giá, đàn châu chấu tre lưng vàng đang xuất hiện ở khu vực huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên nói trên là "không đáng lo ngại", chỉ vài ngày chúng sẽ di chuyển khỏi địa phương, có khi sẽ bay ngược về phía Trung Quốc.

Đàn châu chấu tràn vào Điện Biên có đáng lo ngại không? - 1

Châu chấu tre lưng vàng xuất hiện ở Cao Bằng năm 2017. (Ảnh tư liệu).

Còn thông tin về đàn châu chấu sa mạc đang di chuyển và gây hại ở một số quốc gia trên thế giới, ông Dương cho biết: Hiện nay đàn châu chấu này vẫn còn ở rất xa Việt Nam. 

Nhận định của Cục Bảo vệ thực vật cũng như các chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đều cho rằng, khả năng đàn châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam là rất thấp.

Tuy nhiên, hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về ứng phó với châu chấu sa mạc. Sau đó, 2 đơn vị này sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT, để xây dựng phương án, kịch bản ứng phó nếu đàn châu chấu sa mạc vào Việt Nam.

"Nếu đàn châu chấu sa mạc mà đi theo hướng vào Tây Tạng của Trung Quốc thì chúng phải vượt qua dãy núi Himalaya. Nhưng khả năng chúng vượt qua được dãy núi Himalaya là rất thấp, mà Tây Tạng còn cách Việt Nam rất xa, nên khả năng chúng xâm nhập vào nước ta rất thấp", ông Dương cho biết.

Trước đó, như đã đưa tin, theo thông tin từ Bộ Tham mưu Quân khu 2, từ ngày 20/7/2020 phát hiện đàn châu chấu xâm nhập từ hướng biên giới Trung Quốc vào địa bàn xã Xín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) phá hoại rừng và hoa màu. Ước tính có khoảng 40ha rừng tre, nứa và 20ha hoa màu ở khu vực này bị thiệt hại (trong đó có 5ha ngô bị thiệt hại trên 70%). 

Tuy nhiên, đến 15h ngày 23/7, mật độ đàn châu chấu ít, di chuyển về hướng biên giới Trung Quốc.