1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Cọp dữ về đe dọa dân làng

Hơn một tháng nay, người dân các xã Đăk Bloo, Đăk Man (huyện Đăk Glei, Kon Tum) sống trong hoảng loạn vì cọp dữ kéo về. Cọp đã bắt và ăn thịt hàng chục con trâu bò của làng. Hành khách đi xe ngang qua đây, thi thoảng giật mình vì tiếng cọp gầm…

Đường Hồ Chí Minh vắt vẻo trên rừng Đăk Blô, huyện Đăk Blei. Trời mưa tầm tã, đường vào xã ùn ùn những khối đất lở từ núi xuống. Đại ngàn vẫn thâm u huyền bí, lạnh gai người. An Lá - người Giẻ Triêng dẫn đường rẽ sang lối nhỏ dẫn về làng, nói khẽ: Chừng tháng nay, người dân phải theo lối đi vòng này để tránh đầu ngọn gió, vì sợ cọp ở thung lũng phía trước bắt được mùi. Ban đêm không ai dám ra đường. Trẻ con không được khóc to…

 

Cọp về, hoảng loạn buôn làng!

 

Làng Bung Koong, Bung Tôn của xã Đăk Blô là một trong những làng Giẻ Triêng có số lượng trâu bò nhiều nhất xã. Tập quán chăn nuôi của đồng bào từ xưa tới nay vẫn theo kiểu “nhờ trời”, trâu bò thả ngoài rừng, cách làng khoảng 5km. Lâu lâu người ta mới lên thăm đàn trâu bò của mình, cho ăn ít muối để chúng nhớ hơi người, khỏi trở thành vật hoang…

 

Một ngày đầu tháng 5/2008, gia đình A Ná lên thăm bò. Như thường lệ, ngửi thấy hơi muối, đàn bò lại chúi mõm vào bàn tay chủ. A Ná đếm thử thấy thiếu hai con bò, anh nhờ người làng tìm kiếm mãi nhưng không thấy… Liền đó, các nhà Y Vác, A Đảng, A Sáng, A Pel… cũng kêu mất trâu bò.

 

Thấy sự bất thường, già làng huy động cả làng cùng tìm kiếm. Trong đầu ai cũng cho là có kẻ trộm… Sau nửa ngày truy lùng, đến gần trưa thì phát hiện xác một con bò đã bị ăn mất phần sau. Cái mõ đeo ở cổ đã giúp A Ná nhận ra bò nhà mình. Dấu răng gặm nham nhở cho thấy thủ phạm đích thị là “ông cọp”.

 

Nhà A Ná vẫn may vì bò vẫn còn “khúc giữa”. Nhiều nhà chỉ còn tìm thấy vài mẩu xương bò sắp mủn. Chị Y Nghiếp nói giọng thảng thốt: “May mà Yang (Trời) thương nên giúp con trâu mình chạy kịp. Đêm vẫn nghe tiếng cọp gầm ở cánh rừng phía trước. Sợ nó lại mò về làng bắt trâu. Nhiều đêm nay mình không dám ngủ…”.

 

Không riêng làng Bung Koong, Bung Tôn, các làng khác trong xã, đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con than thở chuyện trâu bò bị cọp ăn thịt. Người dân các làng cùng hợp sức chống cọp. Họ đã tìm ra “căn cứ địa” của cọp. Anh A Dem ở làng Bung Tôn kể: “Khi chúng tôi vào chân núi Piêng Ôi, nhiều nơi dấu chân cọp vẫn còn mới toanh; có những dấu chân to gần bàn tay người lớn xòe ra, đường kính khoảng 20cm. Ngày hôm qua, vào rừng mang theo sáu con chó săn, nhưng khi ngửi thấy mùi cọp cả đàn sợ rúm quẩn quanh chân mình, tru lên thống thiết”.

 

Bà con ở đây còn cho biết, qua dấu chân để lại thì đây là một con cọp ba chân. Khả năng con cọp này bị mắc bẫy, đã tự cắn đứt chân mình để thoát thân. Đó có thể là một con cọp rất lớn và khá tinh khôn, bởi khi bắt trâu bò, nó nhấc bổng để tha vào rừng chứ không kéo lê dưới đất. Có con trâu nặng hơn tạ nhưng nó “xơi” chỉ còn mấy khúc xương to và cái đầu…

 

Người dân hoang mang: đàn cọp có mười con. Nhưng theo kinh nghiệm của những người thợ săn, cọp không bao giờ sống thành bầy đàn. Hiện tại ngoài con cọp ba chân này, bà con chỉ xác nhận thêm được con nhỏ hơn, thường quẩn quanh con cọp lớn có lẽ để “hưởng sái” thức ăn thừa. Cũng theo sự phản đoán thì đôi cọp này là “công dân” của vùng núi Ngók Linh, lần lượt “ghé thăm” các làng theo chu kỳ nhất định. Cách đây hơn mười năm, Đăk Blô cũng đã xảy ra họa trâu bò bị cọp vồ…

 

Theo thống kê, lần này cọp đã về tha mất 15 con trâu bò của xã Đăk Blô. Tính chung cả Đăk Man thì toàn huyện Đăk Glei đã có 23 con trâu, bò bị cọp về bắt đi, ăn thịt.

 

Đuổi cọp bằng phương thuốc … ốc

 

Ngày nghỉ cuối tuần nhưng Bí thư Đảng ủy xã Đăk Blô, A Ngỗi, vẫn có mặt tại trụ sở. Ông hết sức lo lắng trước tai họa bất ngờ này. A Ngỗi cho biết, tài sản toàn xã có 700 con trâu, bò nhưng trong đợt rét đầu năm nay đã bị chết 87 con. Đàn trâu, bò vốn đã ít ỏi nay lại bị cọp rút tỉa trong ngày.

 

Xã đã làm báo cáo gửi huyện và chỉ đạo bà con xua đuổi cọp theo phương pháp truyền thống. Dân đã tổ chức phát quang quanh khu vực nuôi thả trâu bò. Theo kinh nghiệm của các cụ già truyền lại, họ xuống suối bắt ốc, đem bỏ vào các cành cây, hốc đá để mùi tanh từ ốc bay ra khiến cọp… sợ mà bỏ đi! Nhiều bà con còn đem thùng phuy ra suối, đặt nơi dòng chảy để nước dội vào gây tiếng động nhằm xua đuổi cọp.

 

Ra đến thị trấn Đăk Plei, chúng tôi đã gọi đến Hạt Kiểm lâm huyện kể vắn tắt những điều mắt thấy tai nghe. Ông Nguyễn Phúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm của huyện, hờ hững: “Chúng tôi đã nhận được tin từ UBND xã Đăk Blô và đã có công văn đề nghị bà con nuôi nhốt trâu, bò tại nhà. Không được ai với bất cứ lý do nào tổ chức đánh bắt, sát hại cọp, một trong những động vật quý hiếm đã được Nhà nước đưa vào sách đỏ.

 

Hơn nữa, rừng là nơi sinh sống của muông thú chứ có quy định cho người dân thả rông trâu, bò đâu. Nếu thực sự có việc cọp ăn thịt trâu, bò, bà con nên chăn nhốt tại nhà là chắc chắn nhất (!)”.

 

Tin cọp về như con nước mùa lũ tràn nhanh qua các làng dọc mạn ngược núi Ngók Linh. Đêm đêm, người Dẻ Triêng dưới chân núi Piêng Ôi thi thoảng co rúm người vì tiếng cọp gầm ở bìa rừng phía trước.

 

Theo Sông Lam - Ngọc Vương

Sức khỏe & Đời sống