1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Cà Mau: Người dân phá đập cứu tôm

Hàng ngàn người dân xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, Cà Mau đã phá đập nuôi tôm nhằm khai thông dòng nước mặn biển Đông theo sông Gành Hào vào đồng đất sau khi yêu cầu chính quyền khơi thông dòng chảy không được chấp nhận.

Phá đập để tự cứu mình

 

Lão nông thì chỉ đạo, còn thanh niên trai tráng, trầm mình dưới nước khoét đất, phá đập. Thậm chí, còn có những chiếc đò lái tôm đi qua “bồi dưỡng” 50.000 - 100.000đ cho người phá đập.

 

Ông Nguyễn Văn Bò, 66 tuổi, ở ấp Tân Thới A, nói đứt quãng: “Chúng tôi biết phá đập là sai. Nhưng không thể chịu đói mà chờ đợi chính quyền hứa suông. Đang nuôi tôm có ăn, đời sống khá giả. Chính quyền đổ tiền tỷ đắp đập ngăn nguồn nước, ô nhiễm môi trường, tôm chết hoài. Chúng tôi phá đập vì cuộc sống chớ không phải là kẻ phá hoại”.

 

Nửa đêm 11/6/2005, những bước chân đàn ông huỳnh huỵch trên đường làng đi phá đập Tam Bô, ấp An Thới A, xã Tạ An Khương Đông. Người dân nuôi tôm muốn phá các con đập Thầy Ký, Tam Bô, Cây Mét, Quảng Lởi, Chà Là… để khơi dòng nước mặn lên đồng đất các xã Tạ An Khương Đông, Tạ An Khương Nam, Tân Đức (Đầm Dơi).

 

Ông Ngô Minh Tri, 57 tuổi, cho biết: “Nhà nước vừa phải bỏ ra 1,4 tỷ đồng đắp các con đập ngăn nước từ sông Gành Hào, đào các kênh dẫn nước mặn từ cửa biển Bồ Đề về, cách 70 - 80 km, là tốn kém quá, không khả thi.

 

Người ít học như chúng tôi cũng biết làm như vậy đã biến vùng đất này thành cuối nguồn, bế tắc dòng chảy, không phục vụ nuôi tôm. Sau khi đắp đập, mực nước các kênh rạch tụt giảm gần 0,5 m.

 

Người nuôi tôm phải bơm nước lên vuông tôm, phải giữ nước mới nuôi tôm được. Mỗi ngày, tôi phải đổ 20 lít dầu bơm nước để nuôi được tôm. Gia đình nghèo không có tiền coi như chịu chết, đời sống đi xuống, nợ nần chồng chất. Đắp đập ngăn dòng chảy là ngược qui luật, không hợp lòng dân”.

 

Không để dân khổ thêm nữa

 

Không có nước mặn thau rửa hồ nuôi tôm, nhiều gia đình tôm chết trắng. Bởi thế, người dân nơi đây nghèo đi trông thấy. Người dân Tạ An Khương Đông nghèo phải đối phó với cái ăn hàng ngày và còn mắc nợ chồng chất.

 

Anh Trần Văn Sáng, 51 tuổi, ở ấp Tân Thới than phiền: “Chủ trương chuyển dịch nuôi tôm, tôi phải vay ngân hàng 300.000đ đóng góp nạo vét kinh xáng Thầy Ký. Có chút ít vốn đầu tư nuôi tôm. Bây giờ tôm chết, gia đình tôi thiếu nợ ngân hàng hơn 18 triệu đồng”.

 

Ông Ngô Minh Tri - người giàu có nhất vùng cho biết: “Thật ra, cả xóm này nhà nào cũng mắc nợ ngân hàng. Thống kê sơ bộ gần 2.000 hộ dân Tạ An Khương còn mắc nợ ngân hàng trên 19 tỷ đồng”.

 

Sau khi xảy ra việc người dân tự ý phá đập, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chủ trì cuộc họp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng bàn việc giải quyết đầu tư sản xuất cho người nuôi tôm xã Tạ An Khương Đông.

 

Ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng, dân phá đập là vì nhu cầu sản xuất, vì đời sống mà bà con phá đập, không có ý đồ xấu. Người dân đề nghị quá lâu mà chính quyền chưa đáp ứng.

 

Để xảy ra việc này là do chính quyền xã, huyện và các ngành chức năng chưa tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế- đời sống. Lỗi của chính quyền địa phương thì chính quyền phải khắc phục cho dân.

 

Về giải pháp sắp tới ông Việt cho biết: Trước mắt phải động viên bà con đừng phá các con đập nữa, phải giữ 5 con đập còn lại. Chúng tôi đã tạo được sự đồng thuận của các ngành chức năng và chính quyền địa phương tiến hành ngay việc lắp cống bọng, nạo vét đường dẫn nước phục vụ sản xuất. Không để chậm trễ làm khổ dân thêm nữa. 

 

Theo Tiền phong