1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

“Cả dân tộc đang xích lại gần nhau, bên Đại tướng”

(Dân trí) - “Đại tướng là biểu tượng cho sức mạnh, linh hồn của cả dân tộc. Khi ông mất đi, lòng tự tôn dân tộc đã đưa mọi người xích lại, gắn kết trong niềm tự hào chung...”, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, xúc động nói.


“Cả dân tộc đã cùng khóc...”

Tính đến ngày 8/10 - tức là ngày thứ 3 căn nhà số 30 Hoàng Diệu mở cửa đón đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc vào tiễn biệt Đại tướng, lượng người đổ về xếp hàng vẫn rất đông. Đoàn người nối đuôi nhau tưởng như dài bất tận từ đường Hoàng Diệu sang bên đường Điện Biên Phủ. Không ai bảo ai, tất cả đều lặng lẽ, kính cẩn, tuyệt nhiên không có một sự chen lấn, xô đẩy.

Người trẻ nhường cụ già, người ở gần vui vẻ nhường bước cho người ở xa vào viếng trước. Một số quán cà phê trong khu vực tự bỏ tiền túi, huy động hết nhân viên, mua bánh, nước, quạt... miễn phí để phục vụ cho đồng bào ở xa đến viếng Đại tướng được chu đáo. Từ cổng nhà Đại tướng, hàng trăm thanh niên tình nguyện thủ đô nắm tay nhau, tạo thành một hàng rào phân cách với lòng đường đảm bảo giao thông được thông suốt. Bên trong căn nhà số 30 Hoàng Diệu, những bó hoa của tất cả mọi người được gia đình Đại tướng sắp gọn thành bó, trải đều trên lối đi, thảm cỏ trong vườn nhà.

Từng đoàn người lặng lẽ tuân theo sự sắp xếp của những người lính cảnh vệ, dẫn vào ban thờ Đại tướng. Trong dòng người ấy có cả những cựu chiến binh ngực đầy huân huy chương, những người già phải chống gậy, cho đến những thanh niên, thiếu nhi hay cả những em bé đang còn bế ngửa. Họ cúi lạy và òa khóc...

18h, cánh cửa ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu từ từ khép lại, lượng người kéo về xếp hàng dọc phố Hoàng Diệu vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Một số người kiễng chân, thấp thỏm trông ngóng vào căn nhà Đại tướng. Nhiều người trong số đó bật khóc vì lại thêm một hôm nữa lỡ hẹn, không được vào tiễn biệt người anh cả, vị Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam... Hàng trăm bó hoa được trao vội cho cảnh vệ qua những khe hở hàng rào căn nhà để tỏ lòng tôn kính. Nhiều người đứng từ xa vái vọng với những giọt nước mắt tiếc nuối. Ai cũng muốn được nán lại thêm, được ở gần với Đại tướng lâu hơn trong thời khắc thiêng liêng này.

Chứng kiến những hình ảnh ấy, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã rất xúc động: “Sức mạnh dân tộc đang gắn kết mọi người lại với nhau. Đại tướng là niềm tự hào chung của người dân Việt Nam, biểu tượng cho sức mạnh, linh hồn của cả dân tộc chính vì thế khi Đại tướng mất đi, lòng tự tôn dân tộc đã khiến mọi người xích lại, gắn kết trong một niềm tự hào chung. Sự ra đi của Đại tướng là một mất mát, đau thương cho đồng bào, đất nước ta. Cả dân tộc đã cùng khóc thương ông - vị tướng tài ba, người suốt đời đã cống hiến cho độc lập, hạnh phúc của nhân dân, đất nước”.

Cũng theo ông Hùng, đức độ và tài năng của Đại tướng đã đưa ông trở thành một vị tướng nhận được niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Có thể nói hiếm sự kiện nào lại khiến tình cảm nhân dân dâng trào đến như thế!

“Bất ngờ khi Đại tướng nói chuyện bằng tiếng Dao”

Chia sẻ về cảm xúc trước sự mất mát lớn lao của toàn dân tộc này, ông Hùng cho biết, tối muộn ngày 4/10 khi thông tin về sự ra đi của Đại tướng được đăng tải trên một số tờ báo mạng, mắt ông nhòe đi, gọi điện khắp nơi để xác nhận thông tin: “Tôi vẫn hi vọng đó chỉ là một sự nhẫm lẫn nào đó chứ không phải là thật. Đến khi nhiều người cùng gọi điện cho tôi để thông báo về tin buồn này, tôi sững lại, thẫn thờ. Cả gia đình tôi buồn vô tận như vừa mất đi một người thân trong gia đình...”.

Từng là người có may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc với Đại tướng ngoài đời, ông Hùng cho biết ấn tượng của ông về vị Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam là người rất vui tính, đôn hậu. Bản thân ông Hùng cũng từng có những kỷ niệm không thể nào quên đối với Đại tướng: “Năm 1994 khi tôi còn đang công tại Đoàn thanh niên Bắc Thái, vào dịp dẫn đoàn tham gia Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, tôi có dịp được gặp Đại tướng lần đầu tiên. Phải nói rằng lúc đó tôi vô cùng xúc động, hồi hộp.

Tôi thay mặt Đoàn đứng lên chúc sức khỏe Đại tướng và báo cáo về tình hình Đại hội cháu ngoan Bác Hồ của đoàn Bắc Thái. Bác Giáp chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu hài lòng. Thời điểm đó cũng là lúc kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nên cùng vào với chúng tôi còn có đoàn thiếu niên ở Thái Nguyên đến thăm Đại tướng.

Khi người trưởng đoàn giới thiệu một cháu thiếu niên người Dao lên thay mặt cho Đại hội để chúc thọ Đại Tướng. Thật bất ngờ, Bác Giáp đã dùng ngay chính tiếng Dao để trò chuyện với em học sinh đó. Nhưng do đi học xa nhà lâu ngày nên vốn tiếng bản địa của bạn này khá ít ỏi. Vì thế, người bạn này tỏ ra lúng túng và không thể trả lời các câu hỏi của Đại tướng...”. Nhớ về khoảnh khắc xúc động này, ông Hùng cho biết tất cả những người có mặt hôm đó đều không ngờ một Đại tướng lại có thể nói tiếng dân tộc một cách thuần thục, nhuẫn nhuyễn đến thế!

Sau khi tiếp chuyện mọi người xong, bác có dừng lại ân cần nhắc nhở: “Mỗi dân tộc đều có một bản sắc, một nét văn hóa đáng quý, trân trọng. Tất cả kết tinh làm nên một Việt Nam giàu bản sắc, chính vì thế các cháu thiếu niên nhi đồng, các cháu dân tộc ở những vùng sâu, vùng xa phải giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình, phải thường xuyên sử dụng ngôn ngữ như một nét đẹp, tự hào, tự tôn dân tộc”.

“Lần nào tôi vào thăm, Đại tướng cũng cầm tay tôi nhắc nhở phải làm tốt mọi nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao phó, phải gần dân, quan tâm đến đời sống của đồng bào cả nước chứ nhất định không được quan liêu...”. Ông Hùng cho biết là người làm trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, lời nhắn nhủ này của Đại tướng đã theo suốt và là động lực cho ông hoàn thành nhiệm vụ trong những năm công tác vừa qua.

Cần khẩn trương đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đối với việc ghi nhận, tôn vinh để xứng đáng với tầm vóc, công lao mà Đại tướng đã đóng góp, hi sinh cho toàn dân tộc, ông Hùng cho rằng: Đại tướng là một nhân vật lịch sử đã có những đóng góp đặc biệt, tình cảm của nhân dân, quân đội dành cho Đại tướng đã là một sự tôn vinh quý giá nhất mà không phải người lãnh đạo nào cũng có được. Qua các thời kỳ, vệc ghi nhận công lao, Đảng và Nhà nước ta vẫn quan tâm, luôn luôn có thái độ trân trọng ghi nhận xứng đáng với công lao, sự hi sinh của Đại tướng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người kiến trúc sư quân đội, nhà lãnh đạo thiên tài.... Việc xây dựng các đền thờ, bảo tàng, tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo ông Hùng là rất cần thiết và Nhà nước cần phải có những kế hoạch cụ thể để những công trình này trở thành những nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, biểu tượng cho linh hồn, sức sống của cả dân tộc.

Đồng quan điểm này, Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng: “Đại tướng là một thiên tài quân sự, một danh tướng của thời đại Hồ Chí Minh, Đại tướng có công lao lớn đối với dân tộc, nhân dân ưa chuộng hòa bình thế giới. Tôi nghĩ Đảng nhà nước phải có một sự tôn vinh, ghi nhận xứng đáng, để tri ân Đại tướng cũng chính là để giáo dục cho thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mãi sau này về niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Tôi nghĩ không những xây dựng bảo tàng, tượng đài, chúng ta phải có hình thức tôn vinh mới trong đó đầu tiên phải có những con đường trọng điểm mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Thủ đô Hà Nội, ở TP Hồ CHí Minh và quê hương của Đại tướng...”. Việc đặt tên đường mang tên Đại tướng, theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu phải được tiến hành khẩn trương và có kế hoạch cụ thể để đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của đồng bào cả nước.

Hà Trang - Xuân Ngọc