DMagazine

Bỏ lương nghìn đô, về quê "mát xa" hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ

(Dân trí) - Với mong muốn đóng góp cho quê hương, một thạc sĩ công nghệ thực phẩm đã bỏ lại cuộc sống ở TP Hồ Chí Minh với mức thu nhập cao, để về Trà Vinh làm giàu từ chính sản vật địa phương.

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 1

Những ngày đầu tháng 5, mảnh đất Tiểu Cần (Trà Vinh) nắng như đổ lửa. Một người đàn ông đeo chiếc bình và cài con dao bên hông, leo thoăn thoắt lên cây dừa.

Với động tác nhanh nhẹn, thành thục, ông bắt đầu xoa xoa vào dé hoa với lực vừa đủ. Bởi, làm mạnh quá, dé hoa sẽ bị dập, không thể lấy được mật.

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 3

Công đoạn kể trên được người dân ở đây gọi là mát-xa hoa dừa. Mát-xa khoảng 2 phút, thợ gom mật hoa sẽ dùng dao cắt phần đầu hoa dừa và lấy chiếc bình rỗng hứng giọt mật chảy ra…

Vài năm nay, việc thu mật hoa dừa đang trở thành công việc mang lại thu nhập ổn định cho người dân ở đây.

Người phát triển nghề này là cô gái người dân tộc Khmer - Thạch Thị Chal Thi (32 tuổi).

Nhìn cô gái có lối ăn mặc giản dị, nói chuyện gần gũi, ít ai nghĩ đó là bà chủ sáng lập thương hiệu mật hoa dừa đầu tiên của Việt Nam.

Chal Thi sinh ra và lớn lên trong gia đình ở miền cát trắng, chủ yếu mưu sinh bằng nghề trồng lúa, cuộc sống luôn chật vật, thiếu thốn.

Năm 2006, gia đình cô thực hiện chuyển đổi mô hình sử dụng đất, từ trồng lúa sang trồng dừa. Tuy nhiên, với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng ở Trà Vinh để dừa có trái và thu hoạch, tạo ra thu nhập phải mất khoảng 6 - 7 năm.

Trong thời gian chờ đợi lợi nhuận từ vườn dừa, cha mẹ Chal Thi gặp khó khăn về vấn đề tài chính.

Từ nhỏ, Chal Thi sớm giúp đỡ cha mẹ việc đồng áng, chăn nuôi vịt, gà… Học xong cấp 3, cô gái nhỏ thi đỗ Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TP.HCM, tìm cơ hội mới cho mình cũng như gia đình.

Sau khi tốt nghiệp, Chal Thi làm sale kỹ thuật cho một công ty chuyên nhập nguyên liệu thực phẩm về bán lại cho các nhà máy trong nước. Chal Thi có cơ hội đi rất nhiều dự án kỹ thuật về thực phẩm với các tập đoàn lớn và có nhiều kiến thức về ngành.

Chal Thi tiếp tục học thạc sĩ Công nghệ Thực phẩm tại Đại học Bách khoa TP.HCM.

Cô kết hôn với anh Phạm Đình Ngãi - giảng viên của một trường cao đẳng. Cuộc sống ở thành phố sôi động, náo nhiệt nhưng vợ chồng Chal Thi vẫn luôn ấp ủ kế hoạch về quê ở độ tuổi 40.

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 5

Năm 2017, cú điện thoại của người cha già đã thúc đẩy dự định của Chal Thi thành hiện thực sớm hơn.

Mảnh đất 2ha với 500 gốc dừa của gia đình Chal Thi rơi vào cảnh thất thu khi dừa rớt giá, thương lái không mua. Dừa rụng quanh gốc, chẳng ai buồn thu hoạch.

"Năm đó, giá dừa miền Tây sụt giảm mạnh, 25 nghìn đồng/12 quả. Một vườn dừa chỉ thu được 2 triệu/tháng. Nông dân trồng dừa 6 -7 năm mới có thu hoạch, tôi rất xót xa", Chal Thi nhớ lại.

Giọng cha khóc nghẹn trọng điện thoại khiến lòng cô nặng trĩu. Bao công sức của ông cũng như các hộ trồng dừa đều đổ sông, đổ biển.

Chal Thi đau đáu, muốn làm gì đó để phát triển và nâng tầm giá trị cây dừa trên quê hương.

Sau nhiều đêm trăn trở, vợ chồng Chal Thi quyết định "bỏ phố, về quê" mang theo ý chí và quyết tâm làm giàu… Tháng 10/2018, họ khăn gói lên đường về Trà Vinh.

"Tôi sinh ra từ làng và bắt đầu bằng việc khởi nghiệp từ nông nghiệp. Vì vậy, tôi càng hiểu rõ giá trị của nông sản Việt cùng bà con nông dân làm giàu từ chính tiềm năng, lợi thế mà quê hương ban tặng", Chal Thi nhấn mạnh.

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 7

Cô tâm sự, khởi nghiệp với nông nghiệp rất cực, nếu không quyết tâm sẽ khó đi đến đích. Đây cũng là hướng đi giúp cô mang đến lợi ích cho bà con dân tộc Khmer.

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 9

Ngay khi xe dừng ở cổng nhà, Chal Thi ra thăm vườn dừa đầu tiên. Người dân ở đây chủ yếu trồng dừa lấy trái hoặc phụ phẩm để bán với giá thành thấp.

Như hoa dừa, đợt nào ra nhiều, người ta phải chặt bỏ bớt hoặc mang bán cho các cơ sở trang trí đám cưới. Tuy vậy, giá rất bèo bọt.

Chal Thi vào mạng, bắt đầu tìm các từ khóa liên quan đến dừa. Cụm từ "mật hoa dừa", "đường hoa dừa" gây sự chú ý của Chal Thi, cô nhấp chuột vào đọc và bất ngờ khi được biết, tại nước như Singapore, Ấn Ðộ, Srilanka… người dân thu mật hoa dừa mang lại giá trị kinh tế rất cao, xuất khẩu ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ…

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 11

Từ thông tin trên mạng, Chal Thi biết thêm, mật hoa dừa được sản xuất từ lâu đời ở các nước có nhiều dừa ở khu vực Đông Nam Á.

Mật hoa dừa giàu khoáng chất, viatmin và có hầu hết các loại acid amin được tìm thấy, trong đó có 6 acid amin thiết yếu, các dưỡng chất này đều rất cần thiết cho cơ thể con người. Một điều đặc biệt nữa là sản phẩm này có chỉ số đường huyết thấp. So với đường mía có chỉ số đường huyết là 100 thì mật dừa có chỉ số nhỏ hơn 45. Vì vậy, mật hoa dừa có thể sử dụng được cho cả người ăn kiêng, người bệnh tiểu đường type 2.

Vốn có kiến thức về công nghệ thực phẩm, Chal Thi thuyết phục cha cho mình sử dụng 2ha dừa để nghiên cứu.

Cô tìm hiểu và tập làm theo các clip về cách lấy mật hoa dừa tươi nhưng không thu được giọt mật nào, cứ như vậy ròng rã suốt 6 tháng.

Gia đình và làng xóm bắt đầu nghi ngờ khả năng thành công của dự án. Có người mỉa mai Chal Thi vì cắt hoa lấy mật sẽ khiến cây không ra trái. Đồng nghĩa với việc trồng dừa trở thành công cốc.

Thất bại liên tiếp nhưng chưa bao giờ Chal Thi nản lòng. Nhiều tháng nếm trải mùi thất bại, cô tiếp tục tìm tòi các tài liệu ghi chép và kinh nghiệm từ các hội nhóm nông nghiệp bên nước ngoài.

Một lần tình cờ, Chal Thi xem clip lấy mật dừa của nước ngoài trên youtube. Chẳng ngờ, bí quyết để lấy được mật dừa là phải trèo lên cây dừa, kéo đầu hoa cúi xuống và bó bông dừa lại, 3 ngày sau mới có thể thu mật. Tuy nhiên, mật chảy ít hay nhiều lệ thuộc vào kỹ thuật mát-xa.

Dần dần, Chal Thi tự hoàn thiện cho mình kỹ năng lấy mật dừa. Số lượng mật chảy ra ở mức tối đa.

Trước khi lấy, người thợ xoa lòng bàn tay vào thân hoa như mát-xa, cho hoa nóng lên rồi dừng lại. Sau khi mát-xa xong, dùng chày gõ nhẹ trên hoa dừa cho thông tuyến mật, kích thích dừa tiết mật. Lúc này mật sẽ từ từ chảy ra. Ngay lần đầu thử nghiệm, Chal Thi đã thu được nửa lít mật đầu tiên.

Hoa dừa có các kích cỡ khác nhau, người thợ phải biết cách "nghe" để định hình được nên dùng lực thế nào với bông dừa dự định lấy mật.

Mỗi thợ lấy mật được đào tạo 2 tháng, khoảng 1 năm họ mới hoàn thiện được kỹ thuật thu mật hoa dừa.

Nếu muốn thu nhiều mật cần phải mát-xa hoa dừa mỗi ngày 2 lần, tùy kích cỡ hoa dừa mà mát-xa mạnh hay nhẹ.

Công việc này làm thủ công bằng tay, không thể dùng đến máy móc. Một bông hoa dừa chỉ lấy được 25 lần mật và kéo dài trong thời gian khoảng 1 tháng.

Mỗi năm dừa cho khoảng 12 bông nhưng Chal Thi chỉ lấy mật 9 bông. Quá trình thu mật diễn ra trong 9 tháng, 3 tháng còn lại để cây dừa nghỉ, hồi phục và phát triển.

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 13

Chal Thi bắt tay vào nghiên cứu các công đoạn chế biến thành phẩm, bảo quản. Mỗi ngày cô làm việc liên tục từ 8h sáng đến 12h đêm.

Sau hàng trăm mẻ thất bại phải đổ đi, cô gái Khmer cũng thu được mật hoa dừa cô đặc nguyên chất 100%, không chất bảo quản.

Chal Thi nghiên cứu thành công việc nấu mật hoa dừa bằng công nghệ cô đặc chân không. Chỉ cần nhiệt độ 55 độ C đã đủ làm sôi mật hoa dừa nhưng vẫn giữ được đầy đủ chất dinh dưỡng, màu sắc và mùi vị.

Năm 2018, vợ chồng Chal Thi dành toàn bộ số tiền tích cóp trong nhiều năm, sang các nước châu Á đang sản xuất mật hoa dừa để tìm hiểu thêm về kỹ thuật và công nghệ thu mật hoa.

Xưởng sản xuất được thành lập vào giữa năm 2019. Hai vợ chồng vừa sản xuất vừa kiêm luôn tiếp thị và thuê thêm 1 nhân công hỗ trợ.

Tháng đầu tiên, Chal Thi cho ra lò 1.000 chai mật hoa dừa 250g, chủ yếu mang đi mời dùng thử. Năm đầu, hai vợ chồng lỗ 200 triệu đồng.

Chal Thi chán nản, sản phẩm tồn đọng. Ông xã ở bên cạnh, thuyết phục cô thay đổi cách chào hàng, lập kế hoạch mở rộng thị trường. Đối tượng họ nhắm đến là người ăn chay, ăn kiêng, bệnh tiểu đường…

Vài tháng sau, lượng khách hàng bắt đầu tăng, số lượng bán ra ngày một nhiều và thành công như hôm nay.

Ngoài sản xuất, chế biến, hai vợ chồng còn mở khu tham quan, trải nghiệm thu mật hoa dừa tại vườn cho khách du lịch. 

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 15

Chal Thi chia sẻ, mật hoa dừa giàu khoáng chất gấp 10 lần so với nước dừa, chứa sắt, chất xơ, protein… Nó là đường từ hoa không qua tinh luyện và hoàn toàn nguyên chất.

Người phụ nữ Trà Vinh nhẩm tính, 0,1 ha dừa người nông dân thu nhập trên 6 triệu đồng. Mỗi tháng công ty thu hoạch 24 tấn mật hoa dừa tươi, sau cô đọng lại còn khoảng 3 tấn.

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 17

Từ năm 2019 đến nay, Chal Thi cùng chồng cho ra đời gần 20 sản phẩm mật hoa dừa cung ứng cho thị trường trong nước từ Nam ra Bắc.

Mật hoa dừa là sản phẩm mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam nhưng nhanh chóng phủ sóng hơn 20 tỉnh, thành với hơn 20 đại lý phân phối.

Nay, mật hoa dừa đã xuất hiện trên các trang thương mại điện tử nước ngoài. Nhà máy sản xuất mật hoa dừa của Chal Thi đạt chứng nhận ISO 22000, chứng nhận của FDA được phép xuất sang Mỹ.

Sắp tới, Chal Thi dự định đưa sản phẩm xuất đi Nhật. Theo Chal Thi, sản phẩm xuất đi Nhật phải đủ 354 chỉ tiêu. Trong đó đảm bảo vấn đề không có thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh…

Cô cho rằng, đưa sản phẩm xuất đi Nhật rất khó nhưng nếu làm được sẽ là cơ hội để quảng bá sản phẩm tốt hơn, gây tiếng vang lớn.

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 19

Hiện tại ở Việt Nam chưa có mã ngành mật hoa dừa. Sắp tới công ty của Chal Thi sẽ đề xuất cơ quan quản lý nhà nước có thêm mã ngành này để thuận tiện trong việc đăng ký kinh doanh cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trong vài năm nữa.

Để chuyên nghiệp hóa công việc sản xuất mật hoa, Chal Thi triển khai liên kết với 10 hộ dân, chuyển giao công nghệ chăm sóc, lấy mật cho họ và thu mua lại toàn bộ. Nhờ vậy, Chal Thi có nguồn nguyên liệu sản xuất chủ động, tăng thu nhập cho bà con.

Tại cơ sở của cô, có hơn 20 nhân công làm việc với mức lương 6 triệu/tháng.Tỉnh Trà Vinh là nơi tập trung đông đồng bào Khmer ở miền Tây. Bởi vậy, 90% lao động của công ty sản xuất mật hoa dừa là người Khmer. Những kinh nghiệm có được khi đi làm sale kỹ thuật, cô áp dụng vào việc phát triển mạng lưới kinh doanh mật hoa dừa sau này.

Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, Chal Thi gửi mẫu sản phẩm dùng thử đến các cửa hàng bán nông sản, bán thực phẩm… Cô mở rộng thêm kênh bạn bè, người quen, đưa họ mẫu thử và nhờ họ chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Với cách tiếp cận thị trường như vậy, chỉ sau gần 2 năm, sản phẩm mật hoa dừa đã được nhiều khách hàng biết đến.

Tại công ty, Chal Thi phụ trách phần sản xuất, mảng thị trường được anh Phạm Đình Ngãi - chồng Chal Thi đảm nhận.

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 21

Trên đà thuận lợi, vợ chồng Chal Thi mở rộng diện tích trồng dừa nguyên liệu lên 5ha (bao gồm cả diện tích từ các hộ liên kết trong vùng). Các cây dừa lấy mật có độ tuổi từ 5 - 15 năm, đảm bảo chiều cao an toàn cho thợ trèo lên thu hoạch mật.

Vườn dừa được canh tác theo theo hướng hữu cơ, an toàn trong toàn bộ quá trình canh tác vùng nguyên liệu, bảo vệ hệ sinh thái và thân thiện với môi trường.

Với tiêu chí sản xuất nông sản sạch nên ngay từ khâu trồng dừa lấy mật, Chal Thi sử dụng toàn bộ chế phẩm sinh học để bón.

Theo Chal Thi, trồng dừa lấy mật hoa khác với trồng lấy quả. Nếu trồng lấy quả, người ta sẽ không tưới nước, còn trồng lấy mật sẽ phải tưới thường xuyên.

Tại trang trại của Chal Thi, cô lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.

Hiện tại, Chal Thi thử nghiệm trồng giống dừa chuyên thu mật. Thời gian tới nếu đạt hiệu quả, giống này sẽ được nhân rộng trong vùng.

Ngày 12/5 vừa qua, 3 sản phẩm mật hoa dừa của trang trại gồm nước uống mật hoa dừa, đường hoa dừa, hạt cacao mật hoa dừa được trao chứng nhận OCOP 4 sao, 3 sao. Riêng mật hoa dừa cô đặc thì đang được xét duyệt lên sản phẩm cấp quốc gia OCOP 5 sao.

Bỏ lương nghìn đô, về quê mát xa hoa dừa, người phụ nữ thu tiền tỷ - 23

Bên cạnh phát triển kinh tế, Chal Thi tham gia nhiều các hoạt động công ích cho cộng đồng, giúp đỡ nhóm yếu thế như: Phụ nữ, người khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh nghèo tại địa phương phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2021, cô tham gia ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội và quê hương.

Bài viết: Minh Nhật

Ảnh: Lê Huy

Thiết kế: Nguyễn Hồng - MS

Chuyên mục "CHUYỆN NGÀY MỚI" do Báo điện tử Dân trí phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - AGRIBANK được triển khai từ ngày 15/3/2021.

Chuyên mục "CHUYỆN NGÀY MỚI" là nơi cung cấp thông tin, chia sẻ kiến thức, xu hướng sống tích cực nhằm truyền tải thông điệp ý nghĩa về phong cách sống xanh - sống đẹp - sống tử tế & nhân văn. Chuyên mục hướng tới độc giả là 95 triệu người dân Việt Nam cùng phấn đấu chung một mục tiêu "vì tương lai xanh" với giá trị bền vững "Sống hôm nay, cho mai sau".

"Chuyện ngày mới" là dự án phi lợi nhuận đầu tiên được thực hiện bởi một trong những Ngân hàng nhà nước uy tín nhất Việt Nam - AGRIBANK phối hợp với Dân trí thực hiện trên tinh thần, tôn chỉ vì cộng đồng và vì một Việt Nam tươi đẹp.

Để cập nhật những thông tin mới nhất về AGRIBANK, quý độc giả vui lòng truy cập:

Website: https://www.agribank.com.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/Agribank.VN