1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Bao giờ du khách hết bị "chặt chém"?

Hiện tượng <a href="http://www.dantri.com.vn/diendan/2005/7/66074.vip">"chặt chém"</a>, đối xử thô bạo, thiếu văn hóa với du khách đã được báo chí phản ánh nhiều lần. Các công ty lữ hành cũng phải thừa nhận, hiệu quả xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch lâu nay vốn đã chưa cao nay có khả năng bị triệt tiêu bởi tình trạng đáng xấu hổ này.

Tự “bóp cổ” mình

 

Anh Cao Lập, Trưởng phòng Du lịch trong nước của Công ty Du lịch Bến Thành bức xúc: "Không chỉ các điểm dịch vụ tự phát mà ngay nhiều doanh nghiệp khách sạn tư nhân cũng như Nhà nước còn có kiểu tăng giá vô tội vạ vào những dịp lễ, tết. Chính mắt tôi đã thấy tại một khách sạn tư nhân ở Nha Trang nâng giá phòng lên 500.000 đồng trong dịp 30/4 vừa qua, dù giá ngày thường chỉ 150.000 đồng. Một nhóm du khách nghe mức giá này rất bất bình nên bỏ ra ngoài bàn bạc. Chừng 15 phút sau họ quay vào để chấp nhận thuê phòng với giá cắt cổ trên thì bất ngờ cô tiếp tân lại thông báo giá đã tăng lên... 600.000 đồng. Vậy là cả nhóm bức xúc hủy chuyến du lịch và quay về Sài Gòn".

 

Tình trạng hướng dẫn viên (HDV) du lịch nhận hoa hồng cao của một số các điểm kinh doanh để đưa khách vào vẫn tiếp diễn... Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch dã ngoại Lửa Việt kể: "Tôi biết một số lò mứt tại Đà Lạt cho hoa hồng HDV và tài xế từ 300 - 600.000 đồng để đưa khách vào. Để thu lại số tiền này thì họ phải nâng giá lên 100 - 200%, chỉ có du khách là đưa đầu ra chịu trận. Việc cho hoa hồng là bình thường tại những nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Trung Quốc... nhưng chỉ khoảng 10% trên số tiền bán được hoặc là tặng chai rượu cho HDV chứ không phải là kiểu cho tiền trước rồi ra sức tận thu của khách như ở ta, cách làm đó là tự bóp cổ mình".

 

Bảo vệ du khách bằng cách nào?

 

Trả lời câu hỏi này, một nhà quản lý du lịch thẳng thắn: "Tình trạng chặt chém, bắt chẹt, đối xử thô bạo, thiếu văn hóa... với du khách chỉ có thể giảm thiểu một khi tất cả các cơ quan chức năng quản lý về văn hóa, quản lý thị trường, trật tự an toàn xã hội... và chính quyền các địa phương cùng nhiệt tình phối hợp với ngành du lịch. Không xem chuyện bảo vệ, tạo sự thoải mái cho du khách chỉ là chuyện của... ngành du lịch nữa mà phải ý thức đó là việc khai thác - phát triển du lịch là lợi ích của từng địa phương, của quốc gia".

 

Trước mắt, các công ty lữ hành chỉ có thể cố gắng bảo vệ du khách trong khả năng hạn chế của mình chẳng hạn để giải quyết nạn HDV ăn hoa hồng rồi đưa khách "lên... thớt", các công ty lữ hành buộc HDV phải đưa khách đi đúng với lộ trình tour đã lập ra. Những HDV cố tình đưa khách đi chệch khỏi chương trình sẽ bị phạt thật nghiêm khắc hoặc đuổi việc.

 

Với tình trạng đeo bám, cướp giật, "chặt chém" du khách trên địa bàn TPHCM, trong khi lực lượng cảnh sát du lịch vẫn còn chưa thấy đâu, bà Nguyễn Thị Lập Quốc, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết: "Đề án thành lập lực lượng bảo vệ du khách của Sở đang trong thời gian bàn bạc kỹ lưỡng và dự tính sẽ ra đời vào quý 4 năm nay".

 

Nỗ lực thành lập lực lượng bảo vệ du khách từ nguồn nhân sự thanh niên xung phong của Sở Du lịch TPHCM là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mỹ băn khoăn: "Việc đem lực lượng thanh niên xung phong ra để thành lập lực lượng bảo vệ du khách theo tôi là không khả thi, bởi không thể xác định được quyền hạn cho họ. Chỉ mới đứng ở ngã tư thổi còi, phất cờ thôi mà người ta còn không thèm nghe, vượt đèn đỏ ào ào rồi huống gì là bảo vệ cho du khách".

 

Việc có thể làm ngay - theo nhiều công ty lữ hành - là Sở Du lịch thành lập những trạm thông tin du lịch để cung cấp thông tin cũng như tiếp nhận những phản ánh của du khách để kịp thời đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời trong việc bảo vệ quyền lợi của du khách...

 

Theo Trung Bảo - Cẩm Nhi

Báo Thanh Niên