1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Thanh Hóa:

Bản nghèo và lời ru buồn của những thiếu nữ H' Mông

(Dân trí) - Nghèo đói, lạc hậu, tảo hôn, sống biệt lập với thế giới bên ngoài... Đó là cuộc sống của người dân bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Đời này qua đời khác, lời ru con của những thiếu phụ H' Mông nơi đây mãi buồn hiu hắt bên vách núi.

Bản nghèo nhất xứ Thanh

Thoát ra khỏi những đoạn đường, đất đá lởm khởm, dốc dựng đứng với mây mù che phủ không rõ mặt người, chúng tôi được “mục sở thị” bản được xem là nghèo nhất xứ Thanh. Bản hiện ra với những căn nhà sàn tuềnh toàng, những cụ già ngồi bên ô cửa sổ mắt trĩu nặng, mòn mỏi, những đứa trẻ gầy guộc, lem luốc.

Một góc bản Mùa Xuân
Một góc bản Mùa Xuân

Một cán bộ dẫn chúng tôi đi, thở dài thườn thượt: “Nghèo lắm, năm nào cũng thế, 100% hộ dân nơi đây đều được Chính phủ hỗ trợ gạo trong 7 tháng giáp hạt”. Nhưng làm thế nào để người dân nơi đây thoát nghèo, đủ ăn lại là bài toán chẳng hề đơn giản. Và câu chuyện nghèo khó hết đời này qua đời khác vẫn như chiếc “vòng kim cô” siết chặt lấy đồng bào. 

Cả bản người Mông nằm cheo leo trên đỉnh núi mù sương, mưa rừng nhớp nháp. Cuộc sống lay lắt, vắng ngắt. Người bản Mông họ xem đây là thế giới riêng của chính họ. “Bản có 28 hộ với khoảng gần 200 khẩu nhưng tất cả đều là hộ nghèo, hộ đói. Mấy năm nay mưa nắng thất thường làm nương rẫy khó lắm mà ruộng thì ít nên lương thực cũng chỉ đủ đáp ứng được vài tháng thôi”- cán bộ Hoàng Văn Tân, ban Tư pháp xã Sơn Thủy chia sẻ.

Cán bộ Tân cũng cho biết bao đời nay, nghèo khó như một “đặc sản” vốn có. Đồng bào ở đây chỉ nghĩ đến miếng ăn thôi, ngoài ra chẳng nghĩ được gì nữa hết. Muốn thoát nghèo thì phải no bụng mới nghĩ được. Cái đói, cái nghèo ở đây cũng bắt nguồn từ đường xá đi lại trăm bề khốn khó, không có điện nước, sóng truyền hình, điện thoại. Dường như, bản Mông cách biệt với thế giới bên ngoài.

Theo chân cán bộ Tân đến thăm già làng Thào Văn Dính tận trên đỉnh núi, Già làng Dính kể: “Người dân ở đây chủ yếu sống nhờ vào trồng sắn, ngô, đậu tương, làm lúa rẫy. Nhưng tất cả nhờ vào trời, mất mùa thì đói cả bản. Chăn nuôi cũng không ai biết chăn nuôi nên sống được là nhờ Chính phủ thôi. Đi họp ở trên nói làm kênh mương thủy lợi, hướng dẫn kiến thức này nọ nhưng lâu không thấy triển khai gì hết nên nghèo mãi cũng phải”.

Lời ru buồn của những thiếu phụ tuổi 15

Trong chuyến hành trình ngược “cổng trời” vào bản Mùa Xuân, ít ai ngờ rằng những cô thôn nữ tuổi 13-15 đã tay bồng tay bế vài mặt con. Kể về những phụ nữ Mông lấy chồng từ thuở còn thơ, anh Tân bảo rằng, những bé gái nơi đây chỉ cần lớn một chút là bố mẹ tìm chồng cho ngay. Cái nghèo còn đeo đuổi, dân còn ít chữ thì nạn tảo hôn vẫn cứ diễn ra.

Những thiếu phụ còn ít tuổi nhưng đã 6-7 mặt con
Những thiếu phụ còn ít tuổi nhưng đã 6-7 mặt con

Đến nhà chị Thào Thị Thao, bắt gặp những đứa trẻ nhem nhuốc ngồi nép mình nhìn mẹ, chị Thao cho biết chị lấy chồng từ lúc mới 13 tuổi, đến nay đã có 7 đứa con, đứa lớn nhất mới 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới sinh được vài tháng. Chị Thao thở dài: “phụ nữ ở đây ai cũng thế cả, không muốn lấy chồng cũng không được, bố mẹ bắt phải lấy chứ không ai cho ở mãi trong nhà”.

Khuôn mặt non choẹt, miệng lẩm bẩm những lời hát ru, chúng tôi ngỡ rằng Sùng Thị Nâu đang ru em để mẹ lên nương, được cán bộ giải thích tôi mới biết. Em Nâu năm nay mới chỉ ở tuổi 16 nhưng đã lập gia đình từ hai trước. Đứa con đầu của Nâu giờ đã 7 tháng tuổi.

Sùng Thị Nâu bên đứa con 7 tháng tuổi
Sùng Thị Nâu bên đứa con 7 tháng tuổi

Nâu kể: “Bố mẹ em sinh được 8 người con gái, em là con thứ tư trong gia đình được bố mẹ gả mai mối từ nhiều năm trước, nhưng em không chịu. Cuối cùng, không chịu đi thì bố em đã bảo người đến bắt em về làm vợ vào một đêm trời mưa. Tục lệ người Mông là thế, đành phải theo về nhà chồng thôi”.

“Em cũng muốn được đi học lắm, nhưng nhà đông anh em nên đành phải nghỉ học. Mấy chị em chỉ học hết lớp 5 trường bản là cao nhất. Giờ cha em vẫn muốn sinh thêm nữa, cha bảo sinh cho đến bao giờ được con trai để nối dõi mới thôi. Nay mẹ em đang mang thai em thứ 9 rồi, không biết lấy gì để ăn nữa” – Nâu tâm sự.

Giữa ánh đèn dầu leo lét, trong căn nhà ẩm thấp, bên ngoài tiếng mưa rừng, côn trùng hòa quyện với nhau tạo thành tiếng nhạc buồn đến nẫu ruột.

Cán bộ Tân cho biết: “Tôi làm công tác tư pháp ở đây đã 14 năm, nhưng năm nào ở bản Mùa Xuân cũng có 7-10 trường hợp tảo hôn. Không ít cặp vợ chồng lấy nhau mấy năm rồi mới ra xã làm giấy đăng ký kết hôn nhưng theo pháp luật nhà nước thì vẫn không đủ tuổi. Phạt thì rất khó, vì dân bản cái ăn, cái mặc còn túng thiếu thì lấy tiền đâu để nộp phạt. Mỗi tháng vài lần vào tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con nhưng xem ra không đem hiệu quả là mấy, đồng vào vẫn cho con cái dựng vợ gả chồng khi đang là trẻ em”.

Về khuya, cả bản làng Mùa Xuân một màu đen như mực, chúng tôi chia tay với vợ chồng Nâu, già làng Dính thều thào hỏi chúng tôi: “Cán bộ muốn đi thực tế nữa không? Ở đây là vậy đấy, lấy vợ gả chồng sớm đã trở thành cái nếp rồi, muộn không lấy được vợ, được chồng đâu”. Chưa kịp trả lời, vừa bước xuống khỏi những bậc thang, tiếng khóc của đứa trẻ đòi sữa như xé tan cả đại ngàn u tịch...

 Nguyễn Thùy