1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

“1 người ốm nằm, 5 người ốm đứng”

(Dân trí) - Giao mùa, số bệnh nhi nhập viện tăng đột biến, hàng trăm người nhà phải theo vào viện để chăm sóc. Trẻ trong phòng bệnh, người nhà vạ vật ngoài hàng lang với đủ tư thế ngồi nằm la liệt.

Bác sĩ Dương Công Hoạt - Giám đốc Bệnh viện Nhi Nghệ An - cho biết: Thời điểm này trung bình mỗi ngày bệnh viện tiến hành khám cho gần 630 bệnh nhi, trên 400 bệnh nhân điều trị nội trú. Các khu vực điều trị nội trú của tòa nhà 5 tầng mới xây dựng như khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Tim mạch… đông nghẹt bệnh nhân.

Tiếng trẻ khóc, tiếng dỗ con của các bà mẹ càng làm cho không khí ồn ào, huyên náo. Vừa phải dỗ con, vừa phải pha sữa, thay quần áo…, các mẹ không ngơi tay. Trên khuôn mặt họ lộ rõ sự mệt mỏi vì mất ngủ dài ngày. Không khí tại các phòng điều trị tất bật bao nhiêu thì chỉ cách đó một tấm kính, hàng chục người nằm ngồi vạ vật chỉ biết bất lực nhìn vào vì không thể giúp gì hơn.

Chị Nguyễn Thị Thủy (huyện Yên Thành) cho biết: "Ở đây quy định nghiêm ngặt lắm. Mỗi trẻ bị bệnh chỉ được duy nhất một người chăm sóc trong phòng điều trị, còn lại phải ra ngoài hết. Một ngày được vào thăm bệnh nhân 3 lần, tranh thủ giờ thăm nom chúng tôi mới vào thay cho mẹ của cháu được. Nhiều khi thấy mẹ nó tất bật như con thoi để chăm con, mình thì ngồi không ngoài ni xót lắm nhưng không làm răng được”.

Cũng vì không thể ở lại phòng điều trị để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân nên đã có nhiều chuyện bi hài xảy ra. Để đối phó với “lệnh cấm”, nhiều người tìm đủ mọi cách ở lại phòng điều trị như trốn vào nhà vệ sinh, chui xuống giường bệnh… nhưng cuối cùng đều bị nhân viên bệnh viện phát hiện và mời ra ngoài.

Ban ngày, hàng chục người nhà bệnh nhân trải chiếu, kê dép ngồi vạ vật chờ đến giờ thăm nom. Đêm đến từ cầu thang đến hành lang mỗi tầng trở thành giường ngủ cửa hàng chục người. Có người chuẩn bị chiếu, giường xếp thì có chỗ ngã lưng ngon lành. Chỉ tội người nhà bệnh nhân nghèo, lại ở xa đành nằm bẹp xuống sàn lạnh. “Như ri là còn may đó. Hồi bệnh viện chưa xây cái nhà 5 tầng ni, đêm nhà tui phải nằm ngoài thềm, ngoài sân. Nhiều bữa đang ngủ trời đổ mưa lại phải chạy đi lo chỗ trú thân”, một người phụ nữ luống tuổi góp chuyện.

Ban ngày, bệnh viện không cho phép người nhà ngủ ở hành lang các khoa điều trị, họ lại kéo nhau xuống sảnh tầng 1 để ngủ. Bất cứ chỗ nào ít ồn ào, kín gió và mưa không tạt đến nơi đều có thể trở thành giường của người nhà bệnh nhân. Giấc ngủ nặng nhọc, chập chờn…

Bà Mai (xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) ao ước: “Một người ốm nằm, năm người ốm đứng. Tui thì ngồi ngoài ni chơi trong khi mẹ cháu nó lại phải lo cho cháu từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh… Con chưa khỏe thì mẹ cũng phát ốm rồi. Phải chi bệnh viện cho người nhà vào chỗ hành lang phía trong khu điều trị để đêm hôm hỗ trợ thêm cho mẹ các cháu thì hay biết mấy”.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Dương Công Hoạt cho biết: “Đây là quy định của bệnh viện, không thể làm khác được. Lượng bệnh nhân đông trong khi phòng điều trị lại chưa thể đáp ứng được, nếu cả người đi theo bệnh nhân cũng vào nữa thì rất khó cho các bác sĩ làm việc. Nếu trường hợp nào đặc biệt quá, cần thiết phải người hỗ trợ cho người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân thì có thể trình bày với trưởng các khoa điều trị để được xem xét giải quyết”.

“1 người ốm nằm, 5 người ốm đứng” - 1
Chưa đến giờ thăm nom, hàng chục người nhà bệnh nhân vạ vật ngoài hành lang
“1 người ốm nằm, 5 người ốm đứng” - 2

Chỉ có thể chơi với con qua cửa kính

“1 người ốm nằm, 5 người ốm đứng” - 3

Đủ mọi tư thế chờ đợi

“1 người ốm nằm, 5 người ốm đứng” - 4

Sẵn sàng cho một tối ngủ sàn nhà

“1 người ốm nằm, 5 người ốm đứng” - 5

Ngả lưng ở bất cứ chỗ nào

“1 người ốm nằm, 5 người ốm đứng” - 6

Vừa ngủ vừa tranh thủ giữ con

“1 người ốm nằm, 5 người ốm đứng” - 7

“1 người ốm nằm, 5 người ốm đứng” - 8

“1 người ốm nằm, 5 người ốm đứng” - 9

Giấc ngủ nặng nhọc, chập chờn của người nhà bệnh nhân.

Hoàng Lam