Phát triển du lịch Miền Trung - Tây Nguyên:

Vươn lên đẳng cấp phải khắc phục những chuyện vặt

(Dân trí) - Ngày 10/6, Bộ VH-TT&DL phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn du lịch Miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề du lịch Miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu.

Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI 2017. Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu đại diện Bộ, ngành, 19 tỉnh thành, các nhà đầu tư, kinh doanh, viện nghiên cứu, trường đại học...

Diễn đàn du lịch Miền Trung – Tây Nguyên thu hút gần 200 đại biểu tham dự
Diễn đàn du lịch Miền Trung – Tây Nguyên thu hút gần 200 đại biểu tham dự

Kết quả của diễn đàn là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự chuyển biển tích cực từ nhận thức đến hành động, góp phần phát triển thương hiệu đẳng cấp cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên ghi nhận những đóng góp tích cực của du lịch Miền Trung - Tây Nguyên đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Đây là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

“Trong những năm gần đây, du lịch của một số địa phương trong khu vực có sự chuyển mình tích cực cho sự phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế địa phương. Tuy nhiên, du lịch Miền Trung - Tây Nguyên chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng; chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp quốc tế, để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL phát biểu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn

Còn ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - thừa nhận, nhận thức của người dân trong việc phát triển du lịch còn chưa cao khiến công tác phát triển du lịch của địa phương gặp khó khăn, gây ảnh hưởng nỗ lực đến nhà đầu tư.

Mong muốn qua diễn đàn, tỉnh Quảng Nam và các địa phương khác sẽ định hướng hội nhập, đầu tư, chính sách đột phá trong phát triển du lịch Miền Trung - Tây Nguyên, cũng như quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến du lịch...

Phát biểu đóng góp tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho rằng, thực tế tài nguyên du lịch Miền Trung - Tây Nguyên tuy bước đầu có đẳng cấp, một số nơi là đẳng cấo khá cao nhưng đẳng cấp đó không đồng đều và có hạn.

Do vậy, thời gian qua có nơi đã chấp nhận chiến lược du lịch chưa thoát ra khỏi vấn đề là mới tính đến sản lượng khách trong khi nguồn lực có hạn, phong cách kinh doanh còn mang tính đầu cơ, chộp giật nhiều nên không thể thu hút nhiều khách cao cấp đến được.

​ Du khách nước ngoài tham gia tour trải nghiệm chài lưới cùng ngư dân ở Hội An
​ Du khách nước ngoài tham gia tour trải nghiệm chài lưới cùng ngư dân ở Hội An

PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra 3 yếu tố, 3 trụ cột lớn là phải có nền tảng văn hóa tốt, trước hết chính quyền phải quan tâm định hướng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện để văn hoá thực sự phát triển; hạ tầng nhiều nơi tương đối nối tốt nhưng phải quan tâm hơn để kết nối tốt; phải tạo điều kiện để các nhà đầu tư lớn về du lịch cùng vào cuộc.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng kể lại một câu chuyện nhỏ mà từ những chuyện này, du lịch khu vực mới phát triển lên đẳng cấp được. Ông nói, có du khách Nhật qua Việt Nam đi taxi, khi đến nơi giá cuốc taxi chỉ có 45 ngàn đồng nhưng người khách này đưa 50 ngàn đồng và chờ tài xế taxi thối lại.

Tuy nhiên, tài xế taxi nói không có tiền lẻ thối lại và xin tiền thừa này. Điều này gây cảm giác khó chịu cho ông khách người Nhật. PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chính những chuyện nhỏ này làm mất đi hình ảnh của du lịch địa phương; ông cũng cho rằng, muốn phát triển du lịch lên “đẳng cấp” phải “giải quyết” những chuyện nhỏ như thế này.

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, TS. Trần Du Lịch cho rằng, để du lịch Miền Trung - Tây Nguyên phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, cả trước mắt và lâu dài vai trò chủ trì và tham gia của Hiệp hội du lịch hết sức quan trọng.

Hiệp hội phải thực sự là “cầu nối” giữa chính quyền và nhà đầu tư. Hiệp hội sẽ thay thế Nhà nước tham gia tất cả các hoạt động để phát triển du lịch, chỉ cái nào Hiệp hội không làm được, Nhà nước mới làm hoặc hỗ trợ để Hiệp hội làm.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực mà du lịch tại Miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua đã gặt hái được, qua đó góp phần đáng kể để thúc đẩy kinh tế, xã hội trong khu vực phát triển, đồng thời nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư tại địa phương.

Tuy nhiên, để du lịch Miền Trung - Tây Nguyên thực sự phát huy tốt tiềm năng thế mạnh, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng của Chính phủ và Bộ Chính trị thì trước hết cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc mạnh hơn nữa. Trong đó cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, phải tìm ra đâu là sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để đầu tư, tạo ra thương hiệu nhằm thu hút nhiều du khách đến với địa phương.

Phó Thủ tướng cho rằng, để du lịch trong khu vực lớn mạnh thì phải lấy sự liên kết làm điểm tựa để phát triển. Cùng với đó, trong đào tạo cho nhân lực du lịch, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nên gắn kết chặt chẽ với nhau.

Theo Phó Thủ tướng, có thể không cần đến giáo sư, tiến sỹ mà chỉ là người phục vụ buồng có kinh nghiệm lâu năm vẫn có thể đảm đương được vai trò đào tạo. Vì thế, đã đến lúc phải tính đến ngay trong doanh nghiệp, bước đào tạo cũng là một nhiệm vụ. Ngoài ra, Hiệp hội du lịch và Bộ VH-TT&DL cũng phải phối hợp nhau để tính đến việc xây dựng khung đào tạo nhân lực du lịch…

Công Bính