Náo nức lễ hội đình làng cổ xưa nhất ở Đà Nẵng

(Dân trí) - Sáng 6/2 (nhằm mồng 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu), lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) - một trong những đình làng cổ xưa ở Đà Nẵng đã chính thức khai mạc.

Lễ hội đình làng Túy Loan vừa chính thức khai mạc sáng 6/2, nhằm mồng 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu
Lễ hội đình làng Túy Loan vừa chính thức khai mạc sáng 6/2, nhằm mồng 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu

Phần lễ với các nghi thức trang trọng bao gồm : lễ rước sắc thần, lễ tế cổ truyền, lễ tống long chu, thả hoa đăng, lễ tế truyền thống do các vị bô lão trong làng chủ trì theo thông lệ truyền thống.

Dâng lễ lên các vị Tiền hiền của làng
Dâng lễ lên các vị Tiền hiền của làng
Dâng hương tưởng nhớ tổ tiên của làng
Dâng hương tưởng nhớ tổ tiên của làng

Sau phần lễ phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn đông đảo du khách cùng người dân địa phương tham gia như thi đua thuyền, nướng bánh tráng - đặc sản của làng Túy Loan, gói bánh tét, đập niêu, hô hát Bài Chòi...

Náo nức lễ hội đình làng cổ xưa nhất ở Đà Nẵng - 4
Hội đua thuyền trên sông Cu Đê luôn là một trong những phần hội sôi nổi, thu hút đông đảo người xem ở lễ hội đình làng Túy Loan
Hội đua thuyền trên sông Cu Đê luôn là một trong những phần hội sôi nổi, thu hút đông đảo người xem ở lễ hội đình làng Túy Loan
Thi bịt mắt đập niêu thu hút  đông đảo người dân và  du khách cùng tham gia
Thi bịt mắt đập niêu thu hút đông đảo người dân và du khách cùng tham gia

Trao đổi với Dân trí, ông Đặng Đức Công (79 tuổi, Trưởng ban Tư lễ - phụ trách việc cúng tế hàng năm) cho biết: “Lễ hội đình làng Túy Loan là để bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân. Bên cạnh đó, còn có mục đích răn dạy con cháu biết tri ân những người đi trước, “uống nước nhớ nguồn”; thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết trong dòng tộc, thôn làng”

Đình làng Túy Loan được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) trên khuôn viên rộng hơn 8.000m2 bên sông Cu Đê tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Đình làng cổ xưa nhất ở Đà Nẵng này đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1999. Hiện nay, 20 sắc phong thần của vua các triều đại vẫn còn lưu giữ một cách trang trọng trong đình. Những sắc phong này chỉ được mở ra bởi người được phong “kiêm thủ sắc thần”- người phải tốt về nhân cách, gia đình thuận hòa, con cái hiếu nghĩa.

Khánh Hiền - Ngô Linh