Quảng Nam:

Gắn “Con dấu xác thực” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

(Dân trí) - Chiều ngày 28/7 tại TP Hội An (Quảng Nam), Sở VHTT-DL, Sở Công thương, Hiệp hội du lịch Quảng Nam và hơn 60 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ công bố “Con dấu xác thực” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, “Con dấu xác thực” ra đời nhằm mục đích xác thực nguồn gốc của sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại Quảng Nam, giúp cho du khách chọn đúng sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại địa phương, gắn với bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Đây là hình thức hoạt động phổ biến tại các nước có Di sản Văn hóa thế giới nhằm giới thiệu cho du khách về giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

dsc-0943-29937
Logo “Con dấu xác thực” sẽ được gắn lên sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Quảng Nam 

“Con dấu xác thực” được sử dụng cho các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Quảng Nam và đáp ứng các tiêu chí: Có ít nhất 50% chi phí lao động bằng thủ công trên giá thành sản phẩm và có ít nhất 50% lao động là công dân tỉnh Quảng Nam.

Về nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm phải có ít nhất 50% chi phí thu mua nguyên liệu được sản xuất tại Quảng Nam, ngoại trừ một số nguyên liệu địa phương không tự sản xuất được như đồng, sắt, sợi, nhựa... Sản phẩm phải thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Quảng Nam, đồng thời không gây ảnh hưởng đến tôn giáo, văn hóa, đạo đức và chính trị.

dsc-0956-d44f3
Các đơn vị, tổ chức ký kết biên bản giao nhận “Con dấu xác thực” 

Tổ chức và cá nhân sẽ bị đình chỉ có thời hạn từ 6 tháng đến một năm hoặc bị cấm vĩnh viễn việc sử dụng “Con dấu xác thực” lên sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mình làm ra nếu như không đáp ứng đủ các tiêu chí hoặc vi phạm các quy định về nghĩa vụ sử dụng “Con dấu xác thực”.

Ngoài việc so sánh và phân biệt sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại Quảng Nam và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác không có nguồn gốc xuất xứ tại Quảng Nam, “Con dấu xác thực” còn được kỳ vọng sẽ  góp phần thúc đẩy phát triển ngành thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân và góp phần thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển.

Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch, cải thiện sinh kế cho cộng đồng trong khuôn khổ dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tại miền Trung” giai đoạn 2014-2015 tại Quảng Nam giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), UNESCO và UBND tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện.

Công Bính