Đông Triều: Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch

Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, Đông Triều là một trong những vùng đất ghi đậm dấu ấn lịch sử và văn hoá. Dưới thời nhà Trần, Đông Triều là trung tâm tôn giáo, phật giáo, trung tâm của chùa - tháp. Hiện trên địa bàn thị xã có 133 điểm di tích đền, chùa, am, miếu và nơi thờ tự. Đặc biệt, khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Xuất phát từ tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đông Triều đã xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của thị xã với 3 định hướng lớn là: Du lịch văn hoá tâm linh, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái đồng quê, trải nghiệm.

Phát triển du lịch ở Đông Triều đang mở ra sự liên kết giữa các di tích lịch sử, văn hoá ở các địa phương, vùng miền trong tỉnh, giúp cho du khách có cơ hội trải nghiệm và có góc nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về các di tích, di sản này, để từng bước xây dựng Đông Triều trở thành một trong 4 trung tâm du lịch của tỉnh, có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng cao và mang đậm bản sắc dân tộc.

Đông Triều: Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch - 1

Công viên nước Hà Lan, điểm du lịch mới, hấp dẫn của TX Đông Triều.

Thị xã đã và đang quan tâm chỉ đạo triển khai, phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức lễ phát tâm công đức, khởi công Dự án xây dựng, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích chùa Ngoạ Vân, đền Thái với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, cùng nhiều di tích lịch sử quan trọng khác. Một số dự án mở rộng, đầu tư nâng cấp đường giao thông phục vụ du lịch cũng đã và đang được triển khai, như: Dự án tuyến đường hành hương từ ngã tư Nam Mẫu đi chùa Hồ Thiên; tuyến cáp treo và công trình phụ trợ tại cụm di tích Ngoạ Vân - Hồ Thiên; tuyến đường vào lăng mộ vua Trần; cổng khu di tích lịch sử nhà Trần và nâng cấp, mở rộng tuyến đường tránh phường Đông Triều vào khu di tích lịch sử nhà Trần, v.v..

Cùng với phát triển du lịch văn hoá tâm linh, thị xã quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch khác. Hiện thế mạnh làng nghề truyền thống đã được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thị xã khai thác, phát triển các dòng gốm sứ mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng, như Trung tâm văn hoá - thể thao Hà Lan (Công viên nước Hà Lan), trên 200 tỷ đồng; các điểm dừng chân cho khách du lịch (Thành Đồng, Thành Tâm 668, Quang Vinh, Thái Sơn 88). Tiếp đến là loại hình du lịch sinh thái gắn với vườn đồi, du lịch trải nghiệm, nổi bật là khu du lịch làng quê Yên Đức (xã Yên Đức); khu du lịch hồ Khe Chè (xã An Sinh); các đồi vườn ở các xã Việt Dân, Bình Khê, An Sinh…

Thị xã phối hợp đẩy mạnh tuyền truyền, quảng bá, giới thiệu, xuất bản các ấn phẩm, sách về khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều; xuất bản bộ phim “Hành trình nơi Vua hoá Phật”, “Về miền di sản nhà Trần ở Đông Triều”; biên tập gần 5.000 cuốn sách về các tài liệu lịch sử địa phương; 2.500 đĩa tuyên truyền với chùm ca khúc “Đông Triều đất mẹ thân yêu”, v.v.. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, nhân dân về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội, từ đó đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tích cực chủ động triển khai các giải pháp góp phần phát triển du lịch theo đúng định hướng.

Cùng với đó, thị xã chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; lập Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực thị xã đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kiến thức văn hoá xã hội đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin thị xã, cho biết: Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, thị xã đã đón trên 280.000 lượt khách du lịch, tăng 20 lần so với cả năm 2014. Thời gian tới, Đông Triều tiếp tục triển khai công tác đầu tư, tôn tạo các hạng mục di tích, xây dựng các tuyến du lịch tâm linh, kết nối hệ thống lăng mộ nhà Trần với di tích Yên Tử (TP Uông Bí), đẩy mạnh công tác quảng bá, hợp tác, xúc tiến du lịch…

Theo Đinh Yến (Đài Đông Triều)