DNews

TPHCM muốn trở thành "Thành phố điện ảnh": Ai can đảm vay vốn làm phim?

Bích Phương

(Dân trí) - TPHCM có nhiều tín hiệu vui cho giới làm phim, trong đó có việc hỗ trợ vay vốn sản xuất phim. Tuy nhiên, nhiều người vẫn trăn trở vì cho rằng tỷ lệ thua lỗ khi làm phim hiện nay khá cao.

TPHCM muốn trở thành "Thành phố điện ảnh": Ai can đảm vay vốn làm phim?

TPHCM là một trong những trung tâm lớn về thị trường, cơ sở sản xuất điện ảnh. Sau đại dịch Covid-19, thị trường điện ảnh TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đang từng bước hồi phục và có chỗ đứng.

Các dịp tết, ngày lễ lớn, phim Việt ra rạp sôi động, đạt được một số dấu ấn tích cực. Không chỉ được phát hành trong nước, nhiều phim Việt Nam còn được đưa ra thị trường nước ngoài, chinh phục các thị trường điện ảnh lớn như Mỹ, Australia, Canada…

Trong bối cảnh này, TPHCM xác định điện ảnh là 1 trong 8 ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm đến năm 2030. Tại tọa đàm Phát triển điện ảnh TPHCM thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TPHCM vừa qua, đại diện cơ quan quản lý, lãnh đạo thành phố đã đối thoại với giới làm phim về giải pháp hỗ trợ điện ảnh.

Chương trình có sự tham gia của ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao TPHCM cùng nhiều đại diện sở ban ngành liên quan.

Song, từ chính sách đến thực tế có xa vời? Quy trình vay vốn lãi suất thấp dễ hay khó? Làm thế nào để huy động nguồn vốn đầu tư vào điện ảnh, phát triển chiều sâu nhân lực? Thời này, ai dám can đảm làm phim?

TPHCM muốn trở thành Thành phố điện ảnh: Ai can đảm vay vốn làm phim? - 1

TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn (Ảnh: Hải Long).

Cho vay 200 tỷ đồng không lãi suất trong 7 năm để làm phim

Tại tọa đàm Phát triển điện ảnh TPHCM trong khuôn khổ LHP Quốc tế TPHCM vừa qua, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM, cho biết chính sách phát triển văn hóa được thành phố ưu tiên, trong đó có điện ảnh.

"Thành phố đã thông qua danh mục hỗ trợ điện ảnh, cho vay tối đa 200 tỷ đồng trong 7 năm và không tính lãi suất. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh có thể vay nhiều hơn nếu có nhu cầu và chỉ phải trả lãi suất nếu cao hơn con số 200 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ này, thành phố đang tạo động lực cho nhà làm phim đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với công chúng", ông Thanh cho hay.

TPHCM muốn trở thành Thành phố điện ảnh: Ai can đảm vay vốn làm phim? - 2

Một góc Nhà hát TPHCM và Công viên Lam Sơn trong lễ khai mạc Liên hoan phim Quốc tế TPHCM hôm 7/4 (Ảnh: Ban Tổ chức).

Giới làm phim cho rằng đây tin vui, tín hiệu thuận lợi cho người làm trong lĩnh vực điện ảnh bởi trước nay, vấn đề nguồn vốn luôn khiến giới làm phim trăn trở.

Nhà sản xuất Võ Thanh Hòa nói với phóng viên Dân trí: "Nếu TPHCM có những chính sách vay vốn ưu đãi cho nhà làm phim thì quá tốt. Lâu nay, những doanh nghiệp, nhà làm phim uy tín dễ kêu gọi được nguồn vốn đầu tư, dễ dàng quay đầu vốn. Còn với những doanh nghiệp trẻ, nhà làm phim trẻ, họ gần như không có cách gì để khiến nhà đầu tư tin tưởng".

Đồng quan điểm trên, nhà sản xuất Hằng Trịnh cho rằng nguồn vốn đầu tư cho điện ảnh Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều nhà làm phim khó khăn trong việc thực hiện dự án vì thiếu kinh phí. Đặc biệt, những nhà sản xuất trẻ ít có cơ hội tiếp cận nguồn vốn.  

"TPHCM nên có chính sách vay vốn các công ty sản xuất phim và chính sách ưu đãi lãi suất vay vốn cho nhà làm phim. Ở nước ngoài, việc này rất phổ biến nhưng ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Các dự án chưa đủ cơ sở về tài chính để tạo niềm tin cho khối ngân hàng cho vay.

Chúng tôi cũng mong có chính sách giảm thuế cho các dự án phim đủ điều kiện để thu hút nhiều nguồn đầu tư của quốc tế tham gia. Đồng thời, giản lược quy trình vay vốn để tiếp nhận nguồn vốn quốc tế và tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư và thu hồi vốn nhanh chóng.

Ngoài ra, nên thành lập quỹ hỗ trợ phát triển dự án và có chính sách cung cấp quỹ làm phim một cách minh bạch và hấp dẫn cho các dự án phim tiềm năng", đạo diễn Hằng Trịnh đưa ra gợi ý.

TPHCM muốn trở thành Thành phố điện ảnh: Ai can đảm vay vốn làm phim? - 3

Trấn Thành là "tay ngang" lấn sân điện ảnh và đạt được nhiều thành công lớn (Ảnh: Facebook nhân vật).

Nhưng... ai dám vay vốn làm phim?

Theo giới chuyên môn, nếu TPHCM nói riêng và điện ảnh Việt Nam nói chung có nguồn quỹ hỗ trợ từ chính phủ thì sẽ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của ngành.

Tuy nhiên, quá trình đi từ chính sách đến hành động vẫn có nhiều vướng mắc, rào cản. Đặc biệt, doanh thu ngành điện ảnh khá khiêm tốn so với những ngành dịch vụ giải trí khác trên địa bàn. Cơ chế có, hỗ trợ có, nhưng với tỷ lệ thua lỗ khi làm phim khá cao, liệu ai dám vay vốn làm phim? Nhà đầu tư có dám rót tiền cho phim Việt?

TPHCM muốn trở thành Thành phố điện ảnh: Ai can đảm vay vốn làm phim? - 4

Theo thống kê tại một tọa đàm trong khuôn khổ LHP Quốc tế TPHCM, tỷ lệ doanh thu phim Việt so với phim ngoại vẫn còn khá khiêm tốn (Ảnh: Bích Phương).

Nhà sản xuất, đạo diễn Võ Thanh Hòa đưa ra quan điểm: "Trên thực tế, nhìn vào tỷ lệ doanh thu hiện tại thì ngành phim không phải ngành quá hấp dẫn. Người ta đầu tư vào công nghệ, sản xuất, dịch vụ... thì sẽ tốt hơn.

Chúng ta thấy thị trường có một số phim thắng lớn với doanh thu rất "khủng", nhưng 1 năm chỉ có ít phim như vậy. Còn lại, 60% phim có doanh thu từ huề vốn cho đến thua lỗ. Ngành điện ảnh là ngành rất khó đầu tư, là bài toán khó cho việc gọi vốn làm phim".

Theo Võ Thanh Hòa, khi nhà làm phim thường chủ động đi kêu gọi vốn, dùng uy tín thuyết phục nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư tin tưởng thì rót vốn. Khi dự án thất bại, các bên đồng thuận chấp nhận vì là "chuyện làm ăn". Còn đi vay vốn để làm phim sẽ là câu chuyện phức tạp hơn. Cơ chế hỗ trợ vay vốn không lãi suất cần có sự hướng dẫn cụ thể từ các nhà làm chính sách, các chuyên gia nghiên cứu đầu tư tài chính.

"Tôi băn khoăn ở chỗ, nếu vay vốn làm phim, nhưng tỷ lệ thất bại cao, làm xong không có tiền thì nhà làm phim lấy gì trả? Ví dụ, một hãng phim vay 100 tỷ đồng, phân bổ làm 5 phim. Sau khi xong xuôi quyết toán chỉ thu về 50 tỷ đồng, còn 50 tỷ đồng lỗ vốn, doanh nghiệp đó làm sao để trả?

Những nhà làm phim có tiền, có đất, có tài sản đảm bảo đủ để vay vốn lớn thì không nhiều. Không phải ai cũng đủ điều kiện thế chấp vay vốn như vậy.

Từ chủ trương đến thực tế sẽ có nhiều vấn đề phải làm rõ. Chính sách cho vay nhưng làm thế nào để quá trình thẩm định, cấp duyệt được diễn ra để vay số vốn đó? Làm sao để quản lý, đảm bảo rằng nguồn vốn đó sẽ không dùng vào việc khác mà sẽ đổ vào việc làm phim?", Võ Thanh Hòa nói.

Đạo diễn cho rằng cơ chế hỗ trợ vay vốn không lãi suất của TPHCM nên thực hiện theo mô hình "chọn mặt gửi vàng".

"Nên chọn ra 3 hãng phim, 3 doanh nghiệp uy tín làm ví dụ cho quá trình thẩm định, cấp vốn và cần người hướng dẫn cụ thể để theo sát dự án. Từ đó, TPHCM sẽ có những kinh nghiệm để làm tốt hơn. Các doanh nghiệp, nhà làm phim khác cũng nhìn để làm theo. Còn làm phim mà không có tiền trả kinh phí thì không ai dám làm", đạo diễn nói.

Nhà sản xuất Hằng Trịnh phân tích rằng, sản xuất, phát hành phim là thể loại kinh doanh "cơ hội lớn, rủi ro rất cao", cần nhiều sự may mắn mới có một bộ phim thắng về doanh thu.

"Chúng tôi hay đùa với nhau rằng người làm phim mà thắng 1 phim là may mắn, thắng từ 2 phim trở lên mới là giỏi. Nắm bắt được công thức thành công của ngành này là không dễ dàng", chị Hằng Trịnh nói.

TPHCM muốn trở thành Thành phố điện ảnh: Ai can đảm vay vốn làm phim? - 5

Lý Hải là một trong số ít nhà sản xuất, đạo diễn có loạt phim đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Muốn trở thành "Thành phố điện ảnh", cần quan tâm giới làm phim trẻ

Là trung tâm văn hóa - kinh tế quan trọng của cả nước, TPHCM đã ban hành chiến lược phát triển đến năm 2030, trong đó có mục tiêu phát triển công nghiệp điện ảnh, xây dựng TPHCM trở thành "Thành phố điện ảnh".

"Thành phố điện ảnh" là khái niệm nói đến sự kết nối giữa địa phương và nền công nghiệp điện ảnh, như nhiều "Film City" trên thế giới như: Los Angeles (Mỹ), Cannes (Pháp), Busan (Hàn Quốc), Rome (Ý)...

Giới chuyên gia nhận định, để TPHCM sớm trở thành thành phố điện ảnh, bên cạnh việc huy động nguồn vốn, nâng cao cơ sở vật chất, tạo điều kiện làm phim, hoàn thiện cơ chế luật pháp, thủ tục hành chính, kiểm duyệt, tổ chức thường niên LHP Quốc tế... thì ngành điện ảnh TPHCM vẫn cần chú trọng vào khâu cốt lõi nhất là phát triển nhân lực.

Đặc biệt, nhiều người trong ngành cho rằng TPHCM cần quan tâm giới làm phim trẻ tuổi bởi họ sẽ là nhân lực tương lai. Quá trình này có thể mất thời gian, nhưng sẽ tạo nền móng vững chắc cho thế hệ kế tiếp. 

TPHCM muốn trở thành Thành phố điện ảnh: Ai can đảm vay vốn làm phim? - 6

Một trong các hoạt động của LHP Quốc tế TPHCM (Ảnh: Ban Tổ chức).

Đạo diễn Đỗ Quốc Trung chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Đây là vấn đề lớn, từ cấp quản lý đến cấp giáo dục nghệ thuật, trường học, đến các hãng phim và cũng là bài toán lâu dài, cần sự kiên nhẫn, đồng lòng của các bên.  

Vừa rồi tôi có cuộc phỏng vấn với đạo diễn Nhật Bản Kore-eda Hirokazu. Ông nói rằng LHP Quốc tế của TPHCM không nên tìm cách có tiếng vang ngay lập tức hay dựa vào các ngôi sao tên tuổi, mà nên có hành trình bền vững. LHP phải là nơi hướng đến tiếng nói mới, ủng hộ nhà làm phim trẻ để họ thành ngôi sao trong tương lai, dần dần từ đó LHP TPHCM cũng sẽ có vị thế trong giới điện ảnh quốc tế".

Nhà sản xuất Hằng Trịnh gợi ý TPHCM nên tài trợ cho các nhà làm phim được đi ra nước ngoài học hỏi chuyên sâu, tham dự các chương trình, chợ phim, LHP, hội thảo để tăng cường kết nối với quốc tế, nâng cao tầm nhìn sản xuất và sáng tạo.

TPHCM muốn trở thành Thành phố điện ảnh: Ai can đảm vay vốn làm phim? - 7

Giới làm phim trẻ ở Việt Nam đang thiếu cơ hội, sự hỗ trợ để phát triển (Ảnh: HIFF).

Đạo diễn Võ Thanh Hòa khẳng định điện ảnh xuất phát từ con người, nên chính sách phát triển cũng cần dựa trên con người. Ví dụ, Hàn Quốc có "thế hệ vàng" làm phim nhờ họ đầu tư cho con người từ sớm, cho nhân tài đi du học để về phát triển văn hóa, nghệ thuật nước nhà. 

"Theo tôi được biết, Huế muốn trở thành địa điểm chuyên ghi hình phim cổ trang. Đà Nẵng có LHP Châu Á Đà Nẵng với nhiều tiềm năng nên họ cũng muốn trở thành trung tâm phim ảnh. TPHCM là trung tâm văn hóa, kinh tế lớn của Việt Nam, nên tất nhiên có nhiều thuận lợi để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh.

Song, phim hay hay dở không phụ thuộc vào câu chuyện cơ sở vật chất hay chính sách, mà phụ thuộc vào con người đầu tiên. Chúng ta có vài cơ sở đào tạo ngành điện ảnh, nhưng nhiều sinh viên học xong ra trường không biết làm gì. Kể cả những bạn có điều kiện nhưng làm phim thua lỗ thì gia đình cũng bắt rút để đi làm nghề khác.

Nhiều người trẻ ngày nay gần như không có hy vọng về việc triển khai ý tưởng. Nếu những ước mơ non nớt đó không được hỗ trợ thì chúng ta sẽ không có thế hệ kế cận để phát triển ngành điện ảnh.

Tất nhiên, vấn đề con người sẽ phải hiểu ở góc độ rằng 10 người sẽ "trúng" được 1, 2 người chứ không thể giỏi cả 10. Phễu lọc của chúng ta phải to hơn thì mới tìm được thêm những nhân lực chất lượng để phát triển điện ảnh", đạo diễn Võ Thanh Hòa cho hay.

Là một trong những đạo diễn gen Z được chú ý, Tường Vân (đạo diễn, biên kịch phim chiếu mạng The cash-way) cho rằng hành trình tìm vốn làm phim của người trẻ như cô là hành trình "dài hơi và khó khăn, có những lúc gần như vô vọng".

"Hầu hết những anh chị, bạn bè là đạo diễn xung quanh tôi và cả tôi, cơ hội được nhận vốn đầu tư làm phim thường đến từ những quỹ của nước ngoài. Vậy nên nếu các lãnh đạo ngành điện ảnh ở Việt Nam có chính sách hỗ trợ kinh phí, học bổng, tạo ra những sân chơi điện ảnh cho những nhà làm phim trẻ, chúng tôi sẽ ngày càng can đảm hơn trên con đường dấn thân theo đuổi giấc mơ điện ảnh. Tương lai mang điện ảnh Việt Nam ra thế giới cũng không phải quá xa vời", Tường Vân bộc bạch.