Siết chặt các hoạt động mê tín dị đoan trong các lễ hội đầu năm

(Dân trí) - Bộ VHTTDL cùng các Sở VHTTDL các tỉnh sẽ thường xuyên thanh kiểm tra các khu di tích để kiểm tra công tác tổ chức lễ hội đầu năm Đinh Dậu. Theo đó, Bộ chủ trương xiết chặt các hoạt động mê tín dị đoan và lễ hội phản cảm.

Tăng cường thanh kiểm tra lễ hội

Mới đây, đoàn Thanh tra của Bộ VHTTDL đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội tại TP Hà Nội. Tiếp đó, đoàn cũng đã đi kiểm tra ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nam.

Địa điểm kiểm tra tại Thái Bình là Đền Đồng Bằng, Đền Trần, Đền Tiên La và Chùa Keo; tại Nam Định, đoàn kiểm tra di tích Đền Trần, Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, Đền Bảo Lộc và tại Hà Nam là Đền Lảnh Giang, Đền Trần Thương.

Siết chặt các hoạt động mê tín dị đoan trong các lễ hội đầu năm - Ảnh 1.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra tại các lễ hội lớn đầu năm Đinh Dậu. Ảnh minh hoạ.

Tại các điểm đến, đoàn đã tiến hành kiểm tra 5 nội dung quan trọng như: việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội; Việc thực hiện công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa tại các địa phương; Việc xây dựng kế hoạch về công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2017 và các hoạt động văn hóa vui chơi, giải trí mừng Đảng, đón Xuân của địa phương; Công tác quản lý, bảo vệ các di tích, danh lam thắng cảnh; Khắc phục những tồn tạị về đồ thờ tự đưa vào di tích khi chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Kết thúc đợt kiểm tra, đoàn Thanh tra Bộ đã tổng hợp kết quả để báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Trước đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các sở, ngành chức năng và Ban Tuyên giáo các quận, huyện, thị xã, đề nghị các đơn vị tập trung chỉ đạo, triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ và tổ chức quản lý lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017.

Đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ đón Tết, vui xuân, các địa phương nên tổ chức với tinh thần tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa. Nội dung các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tập trung vào chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ, ca ngợi những thành tựu của sự nghiệp đổi mới. Các sở, ngành, địa phương động viên, tạo điều kiện cho các đội thông tin tuyên truyền, đội văn nghệ lưu động, các đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, ưu tiên các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân vùng nông thôn và dành cho thiếu nhi.

Trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, các đơn vị liên quan cần tăng cường tuyên truyền giá trị, ý nghĩa của di tích, lễ hội đến các tầng lớp nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, thương mại hóa lễ hội. Ban tổ chức các lễ hội cần bố trí không gian lễ hội hợp lý, phân công lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lẻ, tiền giọt dầu để không đúng nơi quy định; không đưa linh vật ngoại lai, hiện vật lạ vào di tích, lễ hội….

Đã đến lúc nhận diện những biến đổi đó để có cách thực hành, quản lý lễ hội sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, vừa đảm bảo an toàn, văn minh.

Bắc Ninh sẽ không “chém lợn” giữa sân đình

Sở VHTTDL Bắc Ninh cũng vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017. Theo đó, chú trọng các lễ hội Đền Bà Chúa Kho, lễ hội khu phố Ném Thượng (Khắc Niệm) tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các Thông tư, Chỉ thị của Bộ VHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Siết chặt các hoạt động mê tín dị đoan trong các lễ hội đầu năm - Ảnh 2.

Bắc Ninh yêu cầu không thực hiện "chém lợn" giữa sân đình. Ảnh: TL.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, thường xuyên giới thiệu trên hệ thống loa truyền thanh về giá trị lịch sử của di tích, của lễ hội và nhân vật được thờ. Không để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích.

Đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, không để các hành vi hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin diễn ra trong lễ hội…

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, gắn trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể với người phụ trách trong chỉ đạo, vận động cán bộ  Đảng viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định.

Đối với lễ hội Đền Bà Chúa Kho, không để dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra ở khu vực đền, tuyên truyền vận động du khách hạn chế đốt vàng mã tại đền mà nhập kho đến tán lộc, sắp xếp lại khu vực nội tự cho thông thoáng hơn. Các quầy hàng, dịch vụ khu vực lễ hội phải tổ chức ký cam kết bán đúng giá quy định và niêm yết giá công khai.

Đối với lễ hội Ném Thượng tiếp tục thực hiện công văn của Chủ tịch UBND tỉnh bắc Ninh về việc quản lý, tổ chức lễ hội Ném Thượng (phường Khắc Niệm) trong đó yêu cầu không thực hiện tục “chém lợn” giữa sân đình mà chuyển vào khu vực riêng để mổ lợn làm cỗ ngọc tế thánh (như năm 2016); không để hiện tượng dùng tiền polyme nhúng vào máu lợn.

Sau những năm 90 của thế kỷ trước, có một hiện tượng “bùng phát” trở lại các lễ hội truyền thống, dựa trên nền tảng mức sống của người dân được gia tăng và những thay đổi về chính sách văn hóa. Một mặt, các lễ hội truyền thống được khôi phục đã góp phần khẳng định và đề cao bản sắc dân tộc, mặt khác, trong bối cảnh xã hội mới, các lễ hội hay nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác đã được sử dụng, khai thác trong một mục đích mới là phục vụ du lịch. Sự chuyển đổi của xã hội đã khiến cho một phần lễ hội truyền thống có một diện mạo lớn hơn trước, từ không gian tổ chức, số lượng khách, tích hợp nhiều thành phần nghi lễ và dịch vụ mới, do đó, nhiều lễ hội quy mô nhỏ trở thành sản phẩm du lịch, thu hút nhiều người tham dự...

PGS.TS Lương Hồng Quang- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, các lễ hội hiện nay đã có thay đổi trong chủ thể tổ chức; sự mở rộng hay thay đổi tính chất trong không gian – thời gian tổ chức; sự thay đổi về thành phần người đi lễ/khách hành hương.

Hà Tùng Long