Khai quật khảo cổ di tích Am Ngọa Vân

(Dân trí) - Ngày 27/3, Bộ VHTT&DL đã ban hành quyết định cho phép Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, khai quật khảo cổ di tích Am Ngọa Vân thuộc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian khai quật được bắt đầu từ ngày 15/4/2017 đến ngày 15/6/2017, diện tích khai quật trong phạm vi 350 m2. Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; đồng thời, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Am Ngoạ Vân - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hoá Phật. Ảnh: báo QN.
Am Ngoạ Vân - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hoá Phật. Ảnh: báo QN.

Di tích am Ngọa Vân (còn gọi là chùa Thượng) là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật từ hơn 700 năm trước. Tại đây, hiện còn am Ngọa Vân, 2 ngôi tháp cổ, chùa, hệ thống chân tảng… chủ yếu là các công trình do đời sau xây dựng. Ngọa Vân được du khách biết đến ngày càng nhiều hơn trong vài năm trở lại đây, nhất là vào mùa hội xuân. Việc khai quật khảo cổ nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học cho việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.

Cũng vừa mới đây, Bộ VHTT&DL cho phép Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ban quản lý di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang và Sở VH-TT tỉnh Kiên Giang khai quật khảo tổ tại 9 địa điểm thuộc Khu di tích Óc Eo- Ba Thê, ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và 5 địa điểm thuộc Khu di tích Nền Chùa, ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Thời gian khai quật từ ngày 25/3/2017 đến ngày 30/6/2019 với diện tích 19.115 m2 (trong đó: Khu di tích Óc Eo- Ba Thê: 16.700m2; Khu di tích Nền Chùa: 3.415 m2).

Một góc của di tích Óc Eo. Ảnh: TL.
Một góc của di tích Óc Eo. Ảnh: TL.

Quyết định cũng nêu rõ, trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận cua cơ quan chủ quản và Cục Di sản Văn hóa.

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật trên địa bàn tỉnh An Giang, Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản; những hiện vật thu được trong quá trình khai quật trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Kiên Giang để giữ gìn. Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang, Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, Sở VH-TT tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Hà Tùng Long