“Forrest Gump” từ sách lên màn ảnh

(Dân trí)- Giành được sáu giải Oscar, bộ phim “Forrest Gump” mang tới danh tiếng cho cuốn tiểu thuyết cùng tên đã gần như đã bị quên lãng. “Cuốn tiểu thuyết đã tạo ra được một công dân lý tưởng của thế giới ngày nay. Đó là một thằng ngố hoàn hảo!”.

Chiều 25/8, tại trung tâm TPD (51 - Trần Hưng Đạo – Hà Nội) chiếu miễn phí bộ phim “Forrest Gump”. Sau đó, là cuộc trò chuyện về vấn đề đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh với sự tham gia của đạo diễn Phan Đăng Di và nhà văn Nguyễn Trương Quý.
 
Tiểu thuyết Forrset Gump
Tiểu thuyết Forrset Gump
Ra đời năm 1986, nội dung và văn phong không quá khác biệt, tiểu thuyết “Forrest Gump” chỉ bán được 30000 bản. Lấy nhan đề là tên nhân vật chính, tiểu thuyết kể về anh chàng ngờ nghệch với chỉ số IQ 75 gắn bó và yêu say đắm Jenny – cô bạn gái từ thủa nhỏ. Forrest Gump là một người hùng đáng yêu, chạy nhanh vô dịch và tốt bụng đến ngạc nhiên. Sau khi đột nhiên trở thành ngôi sao của đội bóng bầu dục trường đại học Alabama, anh bị bắt đi lính và lập nên chiến công dũng cảm trong chiến tranh Việt Nam. Rồi cũng nhờ vận may, người ta biết đến Gump là một tuyển thủ bóng bàn đẳng cấp quốc tế, một đô vật gian dối quái dị hay một đại gia kinh doanh đình đám. Mà thực ra anh ta nhận thức đầy ngây thơ về thế giới xung quanh giống một chú bé.
 
 Qua câu chuyện của nhân vật, tác giả khéo léo lồng ghép những sự kiện nổi bật của nước Mỹ thế kỷ 20 như làn sóng Hippy thập niên 70, sự xuất hiện của Rock anh Roll, nạn phân biệt chủng tộc và cuộc chiến tranh Việt Nam. Với giọng văn láu lỉnh, lối viết hoạt kê, qua chi tiết đồ sộ Winston Groom khắc họa hình tượng con người mang nét tự kỷ bác học, có tốt, có xấu. Anh ta tự do phạm sai lầm, tự do nói dối như bao người bình thường khác. Để nổi bật cái giễu nhại, cái nhìn con người bao dung của tác giả, khi Forrest hay Jenny đều có một kết cục với hạnh phúc riêng của mình. Qua ngòi bút của ông, những nhân vật họ dám sống, dám mơ ước và sử dụng thật đích đáng năng lực của mình. Như nhà văn châm biếm P.J. O’Rourke đánh giá: “Qua cuốn tiểu thuyết Winston Groom đã tạo ra được một công dân lý tưởng của thế giới ngày nay. Đó là một thằng ngố hoàn hảo”.
 
Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim
 
Lấy cuốn sách làm nền tảng, bộ phim “Forrest Gump” ra đời lập tức trở thành hiện tượng văn hóa Mỹ thập niên 1990, đạt doanh thu tới 677 triệu USD và dành được sự hâm mộ cuồng nhiệt của đông đảo khán giả trên toàn thế giới. Sau khi phim công chiếu, tiểu thuyết bán được 1,7 triệu bản và dịch ra nhiều thứ tiếng. Tuy nhiên đạo diễn Robert Zemickis và nhà biên kịch Erich Roth đã mang đến một tinh thần khác cho khán giả cùng nhiều nét tươi mới cho nhân vật chính do Tom Hanks thủ vai. Khái quát lại đời sống của nhân vật trong tiểu thuyết chỉ với mười một chương đầu và ba chương cuối, phim không hề nhắc đến Forrest là một người “bác học đần”, lọc đi đời sống tình dục, những lời chửi tục hay thói gian dối của anh. Nói cách khác theo lời tác giả, bộ phim đã xóa bỏ những khía cạnh thô ráp của nhân vật. Forrest trở thành một hình mẫu ngược lại trong tiểu thuyết, người hùng kiểu mới có kết cục thành công mang màu sắc giấc mơ Mỹ. Ngược lại Jenny lại không được đối xử bao dung như trong trang sách, một cô gái đáng thương, phạm nhiều sai lầm và chết vì bệnh tật. Đây thực sự là một thay đổi khôn ngoan của nhà sản xuất để lấy lòng khán giả, ai cũng có thể xem, yêu và xúc động cùng nhân vật. Hơn thế, bộ phim là một mẫu mực của kĩ xảo điện ảnh khi sử dụng băng tư liệu để lồng ghép đưa nó trở thành những cảnh phim hài hước. Xem “Forrest Gump” khán giả được đi trọn mọi cung bậc trạng thái: xúc động, vui vẻ, hồ nghi, than phục và hiểu ra thành công chỉ đến khi con người ta nỗ lực vượt lên số phận.
 
Nhân vật Forrest Gump đã mang tượng vàng Oscar về
Nhân vật Forrest Gump đã mang tượng vàng Oscar về
cho nam diễn viên Tom Hank
 
Trong một chừng mực nào đó, khi bước lên màn ảnh do ảnh hưởng của tinh thần thanh giáo và yếu tố thương mại vào thời điểm đó nên bộ phim không được đánh giá cao như tác phẩm văn học. Theo đạo diễn Phan Đăng Di trao đổi tại buổi thảo luận: “Tiểu thuyết xây dựng nhân vật trung thực hơn, đầy rẫy những sai lầm, những tật xấu, gây cười cho độc giả. Đằng sau đó ẩn chứa những lo lắng cho số phận con người cũng như phản ánh đúng hiện thực thời bấy giờ. Còn bộ phim càng xem về sau, càng từng trải càng không thấy xúc động vì nhân vật quá hoàn hảo. Song đây vẫn là một sản phẩm tốt bởi thu hút được nhiều người xem và góp phần làm nên danh tiếng của cuốn tiểu thuyết. Có thể nói phim mang vị ngọt của đường hóa học”.
 
Đạo diễn Phan Đăng Di (ảnh Nha Trang)
Đạo diễn Phan Đăng Di (ảnh Nha Trang)

Tuy nhiên, tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh có số phận và đời sống khác nhau không thể so sánh. Tiểu thuyết “Forrest Gump” và bộ phim cùng tên đã mang đến cho công chúng cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Giống như một câu nói của nhân vật xuất hiện nhiều lần trong phim: “Cuộc đời như một hộp sô cô la bạn sẽ không bao giờ biết được bạn sẽ rút thanh nào”.

 
Nha Trang