Chuyện đời lạ lùng của “Kỳ vương đất Bắc”

(Dân trí) - Những năm bao cấp, dưới gốc thị đầu dốc Hàng Kèn - chếch góc Đại sứ quán Pháp và báo Đại Đoàn Kết bây giờ - có hai nhân vật thú vị hay ngồi. Một người là thầy bói, một người mở sới đánh cờ với cả thiên hạ. Người đánh cờ ấy chính là “Kỳ vương đất Bắc”- Nguyễn Tấn Thọ.

Giai thoại Kỳ vương

Hành trình đi tìm những con người bình dị mà cao quý của đất Hà Thành đã là cầu nối cho tôi gặp ông Tấn Thọ. Con người đã gắn bó với một nét văn hóa, có thể rất nhỏ nhưng đặc trưng của Hà Nội, mà nhắc đến, nghĩ đến là gợi nhớ ngay về Hà Nội, vừa gần gũi thân quen nhưng rất đáng tự hào.

Trong căn phòng diện tích chưa đến 20m2 ở một con ngõ nhỏ trên phố Trương Hán Siêu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhìn ông lão tóc trắng, dáng người chậm chạp với đôi tai nghễnh ngãng, có ai ngờ chính là kì thủ lừng lẫy một thời. Ký ức về đời cờ giờ đây lúc liền mạch khi đứt quãng trong trí óc lão đại kì vương năm nay đã ngoài cửu tuần. Nhưng suốt cuộc trò chuyện, cứ nhắc đến cờ tôi thấy ông luôn chăm chú lắng nghe, gương mặt hiền hậu nở nụ cười.

“Kỳ vương đất Bắc” Nguyễn Tấn Thọ sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ cùng con cháu (ảnh: Quỳnh Nguyên)
“Kỳ vương đất Bắc” Nguyễn Tấn Thọ sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ cùng con cháu (ảnh: Quỳnh Nguyên)

Với phong cách tấn công như vũ bão, cộng với việc sở hữu đôi tai dài, dầy dặn nên giới giang hồ kì thủ gọi là ông Tấn Thọ, quên mất cái tên khai sinh Nguyễn Văn Pho. 18 tuổi, ông Tấn Thọ đã đoạt chức vô địch cờ tướng Hà Nội. Một mạch nhiều năm liền vô địch cờ tướng toàn miền bắc, cái tên “Kỳ vương đất bắc” cũng theo đó mà thành, gắn bó với ông suốt 65 năm nay.

Vợ ông- bà Lâm Thị Lan bảo ông Tấn Thọ mê cờ lắm, như thể đó lẽ sống của đời mình. “Kỳ Vương” có một người con trai tên là Nguyễn Tiến Cường. Anh Cường bảo, trong kí ức tuổi thơ anh luôn nhớ hình ảnh cha ngày chơi, đêm khuya thanh vắng, tĩnh lặng đọc kỳ trận, nghiên cứu thế cờ. Suy nghĩ cờ nhiều đến nỗi gầy rạc cả người.

Người vợ hiền thảo của Kỳ vương (ảnh: Quỳnh Nguyên)
Người vợ hiền thảo của Kỳ vương (ảnh: Quỳnh Nguyên)

Anh Cường kể, thời đó, ông đánh tốt đến nỗi mấy người xung quanh đứng xem chán quá bỏ về vì đã biết trước kết quả sau vài nước đi. Ông cứ liên tục giành được rất nhiều cúp trong các giải đấu. Có lần ông nhận được chiếc cúp làm bằng 1 nén bạc, sau đó, ông đem bán chiếc cúp lấy tiền chi tiêu. Đó là chiếc cúp vô cùng quý giá vẫn còn trong trí nhớ ông cho đến ngày hôm nay.

Do mê cờ từ bé nên anh Cường được nhiều dịp theo cha đi tỉ cờ khắp Bắc - Trung – Nam. Có lần, đến sới cờ Kinh Bắc giật giải, có tới 7 người chụm lại đánh với mình ông  Nguyễn Tấn Thọ. "Họ chơi theo lối "cờ tai", tức là đứng ngoài nhặt nước sót hộ người làng đang trong cuộc cờ, rồi mách nước. “Không nhẽ  lại nói họ gọi hết cả làng ra đây", anh Cường cười và thuật lại lời của cha...

Cả cuộc đời "Kỳ Vương" chinh chiến cờ không biết sợ ai. Sau năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nghe nói trong đó nhiều người chơi cờ tuyệt lắm, "Kỳ Vương đất Bắc" cũng mấy lần khăn gói nhảy tàu vào Nam tỉ cờ.

Có lần, tháng 4/1988, hai danh thủ cờ Hà Nội là Nguyễn Tấn Thọ và Đinh Trường Sơn vào Sài Gòn tỉ đấu theo lời mời. Trong những trận đấu đó, có trận đấu kinh điển với cao thủ Trần Quới (còn gọi là Lác Chảy), đây được coi là trận so tài giữa Kỳ Vương 2 miền. Trần Quới vốn là một thiên tài cờ, đã lừng danh trong giới giang hồ cờ và lần lượt đánh thắng các tay cờ cự phách nhất Sài Gòn khi đó. Những trận gặp nhau ấy khi ông đã bước vào tuổi 52 còn Trần Quới  mới 30 đang độ sung sức, tuy nhiên cả hai lần thi đấu cả thảy 4 ván với nhau hai bên không bên nào thắng bên nào, trong đó có một ván cờ mù.

Kỳ vương “quy ẩn”

Cả một đời đánh đổi và cống hiến cho thăng trầm cờ tướng kinh kì, “Kỳ vương đất Bắc” Nguyễn Tấn Thọ về nghỉ hưu với lương ít ỏi một triệu đồng, ngoài ra không có bất kì trợ cấp nào khác.

Nhưng tâm huyết với cờ chưa dừng, "Kỳ vương đất Bắc" vẫn hàng chục năm tham gia tổ chức giải cờ tướng Chùa Vua - Hà Nội và giải cờ tướng Văn Miếu. Mãi đến mấy năm gần đây, khi không còn đủ sức khoẻ nữa ông mới về nhà nghỉ hẳn. “Hổ phụ sinh hổ tử”, anh Tiến Cường cũng đã nhiều lần vô địch giải cờ Chùa Vua, vô địch giải Văn Miếu, vốn là những nơi quy tụ rất nhiều kỳ thủ hàng năm đến so tài. Anh cũng đang đứng ra thay cha tổ chức các giải cờ xuân thường niên hàng năm tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Tấn Thọ (người đội mũ, đeo kính) giữa những người yêu cờ khi còn khỏe (Ảnh tư liệu)
Ông Nguyễn Tấn Thọ (người đội mũ, đeo kính) giữa những người yêu cờ khi còn khỏe (Ảnh tư liệu)

Con trai Kỳ vương chia sẻ: “Đời cờ cha tôi đúc kết lại trong 3 cuốn sách "Cờ tướng - những vấn đề cơ bản", "Những thế cờ sưu tầm và chọn lọc", "Khai cục, trung cục và tàn cục". Trong đó có cuốn viết chung với những tác giả từng là cao thủ cờ một thời”.

Ngoài ra, còn có rất nhiều bài đăng trên báo Đại đoàn kết những thế cờ khó do ông nghĩ ra để độc giả tham gia giải cờ vui trong thời gian dài, nhưng không có nhiều người giải được thế cờ của ông.

Cuộc đời những danh thủ cờ tướng khá lạ lùng. Có người chết trẻ, có người về già trở nên cực kỳ giàu có. Kể như ngay chính người từng thi đấu cờ với ông.  Năm 1988, khi Hồ Vinh Hoa, giành danh hiệu "Kỳ Vương" lần đầu tiên và được phong Đặc cấp quốc tế đại sư, năm 1982 và năm 1991 được thưởng Huân chương thể thao danh dự của Ủy ban TDTT Trung Quốc, thì "Kỳ Vương đất Bắc" ở Hà Nội vẫn đang thầm lặng đeo đuổi những cuộc tỉ cờ trong nhân gian, trăn trở với từng thế cờ vô thưởng vô phạt của đời cờ nghèo.

Lúc về già, Kỳ vương của chúng ta, ông sống giản dị cùng con cháu, một cuộc đời hoàn toàn không vinh hoa, danh lợi. Sau cơn tai biến xảy ra vài năm trước khiến việc nghe và nói chuyện của ông trở nên khó khăn hơn. Đã có lúc tưởng chừng ông không còn gượng dậy nổi và phải nằm liệt một chỗ, nhưng người đàn ông đã một đời ngang dọc với cờ vẫn lạc quan vui sống.

Có lẽ, thú chơi cờ nhiều khiến ông được rèn giũa, sống một đời nhường nhịn, ôn hòa, được nhiều người nể trọng. Bạn cờ khắp nơi vẫn thường đến thăm, cùng ông ôn lại chuyện cờ và bàn luận chuyện đời. Tôi cứ nhớ mãi về những câu thơ ông đọc :“Sống là động nhưng lòng luôn bất động/ Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương/ Sống yên vui danh lợi mãi coi thường/ Tâm bất động giữa dòng đời biến động”.

Tôi nắm lấy tay ông, cảm giác gần gũi như người thân. Sau này và mãi mãi, những trận thư hùng, tranh tài gay cấn của ông rồi chỉ còn lưu truyền qua những giai thoại. Nhưng, cũng giống như ông, những kì thủ đã lưu giữ trong chính đời sống của mình những giấc mơ, những sáng tạo và dâng hiến cho đời sống của vùng đất kinh kì. Họ đã mang những vẻ đẹp của văn hóa Thăng Long truyền vào cộng đồng.

Quỳnh Nguyên

Chuyện đời lạ lùng của “Kỳ vương đất Bắc” - 4