Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ người dân tộc thiểu số ở cơ quan Đảng, HĐND, cơ quan hành chính,... ở vùng dân tộc thiểu số đều rất thấp và chưa tương xứng với quy mô của lực lượng lao động nữ vùng này.

Tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ người dân tộc thiểu số còn thấp

Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), tỷ lệ cán bộ, công chức (CBCC) là nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) trong cơ quan Đảng, HĐND, cơ quan hành chính và tổ chức chính trị - xã hội ở vùng DTTS đều rất thấp và chưa tương xứng với quy mô của lực lượng lao động nữ DTTS.

Theo kết quả thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, ở các xã vùng DTTS, tỷ lệ CBCC là nữ DTTS trong cơ quan Đảng thấp nhất, chỉ chiếm 6%; tỷ lệ này trong HĐND là 7,3%; trong cơ quan hành chính là 11,4% và trong các tổ chức chính trị - xã hội là 15,5%.

Cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số - 1

Tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ người dân tộc thiểu số còn thấp (Ảnh: UN Women).

Đáng chú ý là ở các khu vực, vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội càng thấp và tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống càng cao thì tỷ lệ CBCC là nữ DTTS càng cao.

Cụ thể, tỷ lệ nữ DTTS trong tổng số CBCC ở khu vực biên giới, nông thôn cao hơn so với tỷ lệ tương ứng ở khu vực thành thị.

Tương tự, trong các vùng kinh tế - xã hội, trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nữ DTTS trong tổng số CBCC trong các cơ quan Đảng, HĐND, cơ quan hành chính và tổ chức chính trị cao nhất cả nước, tiếp theo là Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Không chỉ ít về số lượng mà cơ cấu CBCC nữ DTTS phân bổ trong các cơ quan, tổ chức ở vùng DTTS còn mang nặng định kiến giới.

Kết quả thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS mới đây cho thấy, nữ CBCC là người DTTS chiếm tỷ lệ cao nhất trong khối các Tổ chức chính trị - xã hội 15,5%, trong đó hội phụ nữ có 100% cán bộ là nữ.

Trái lại, tại các Cơ quan Đảng, HĐND, tỷ lệ nữ CBCC là người DTTS chỉ đạt tương ứng 6% và 7,3%, chỉ bằng khoảng 1/6 so với nam DTTS (tỷ lệ nam CBCC là người DTTS tương ứng lần lượt là 36,1% và 39%).

Tại cơ quan hành chính cấp xã, tỷ lệ nữ CBCC là người DTTS đạt 11,4%, tuy nhiên chủ yếu ở vị trí như văn thư, hành chính, kế toán, tài vụ.

Chất lượng đội ngũ CBCC các xã ở vùng DTTS thực tế còn hạn chế so với quy định của Chính phủ.

Theo kết quả thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS mới đây cho thấy, ở cơ quan hành chính cấp xã vẫn còn 1,4% CBCC là người DTTS chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, tỷ lệ tương ứng của CBCC nữ DTTS là 0,7%.

Có tới 30,4% CBCC là người DTTS chỉ đạt trình độ chuyên môn tối thiểu là trung cấp, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng và đại học và trên đại học đạt lần lượt là 6,6% và 61,6%.

Tỷ lệ CBCC là nữ DTTS chỉ đạt trình độ trung cấp là 20,3%; tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng và đại học và trên đại học đạt lần lượt là 7,5% và 71,6%.

Tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ, công chức là nữ dân tộc thiểu số

Để khắc phục thực trạng trên, UN Women đưa ra khuyến nghị, cần tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nữ DTTS tại các vùng DTTS và miền núi (MN).

Các giải pháp để thực hiện khuyến nghị trên được UN Women đưa ra như sau: Tăng cường truyền thông nhằm thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới về CBCC nữ DTTS tại vùng DTTS&MN; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ lãnh đạo các cấp về vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS nói chung và cán bộ, công chức nữ DTTS nói riêng ở vùng DTTS&MN. 

Thúc đẩy lồng ghép giới thực chất vào quá trình triển khai Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025" nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về bình đẳng giới trong phát triển đội ngũ CBCC là người DTTS.

Cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số - 2

Tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ, công chức là nữ dân tộc thiểu số (Ảnh: UN Women).

Bên cạnh các điều kiện, tiêu chuẩn chung, cần có các chính sách/giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác tạo nguồn, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với bố trí, sử dụng và phát huy đội ngũ cán bộ nữ DTTS. Cụ thể:

Quy định ưu tiên tuyển dụng nữ DTTS nếu đạt các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; Quy định tỷ lệ nữ DTTS tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng CBCC tại vùng DTTS&MN; Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng CBCC có đáp ứng giới: ưu tiên nữ DTTS được đăng ký tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ chi phí gửi con hoặc bố trí nơi trông con nhỏ; hỗ trợ chi phí đi lại cho nữ DTTS trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác cán bộ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ DTTS nói riêng. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị trong việc tham gia giám sát quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ, trong đó có cán bộ nữ DTTS.