Kỷ vật của cha

(Dân trí) - Đã 35 năm nay, những kỷ vật thời chiến mà cha tôi đem về từ chiến trường, quân ngũ luôn được mẹ tôi cất giữ cẩn trọng. Bà gom những kỷ vật ấy ở một nơi kín đáo, rất cẩn thận. Nhất là từ khi cha tôi qua đời…

Dành trọn cuộc đời cho Tổ quốc

 

Lúc còn sống, cha tôi thường hay kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về thời chiến. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, cha tôi là bộ đội chủ lực của tỉnh, hoạt động trên chiến trường miền Nam.

 

Có lần ông kể: “Ngày ấy, trên quê hương miền núi của mình đâu đâu cũng bóng giặc ngoại xâm chiếm đóng. Tao tham gia cách mạng, đi thoát ly từ khi vừa tròn 15 tuổi. Khi ấy, ông bà nội tụi bây đã già, không muốn cho tao đi bộ đội mô!”. Cũng đúng thôi, bởi cha tôi là con trai một nên được ông bà nội cưng chiều lắm.

 

Mặc cho sự ngăn cản của người thân, ông đã nhất quyết nhập ngũ, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Mãi sau này, ông bà nội tôi mới hiểu được và cho hành động của cha tôi hoàn toàn đúng đắn. Ông bảo: “Nói vậy thôi, chứ ông bà nội của tụi bây cũng là người tham gia và đóng góp nhiều công sức cho cách mạng Việt Nam đó!”.

 

Mẹ tôi kể lại, ngày trước, khi đang làm nhiệm vụ về các xã thuộc địa bàn vùng sâu, không may cha tôi đã bị địch phục kích. Sau khi cùng đồng đội chống trả quyết liệt, ông đã bị thương ở phần bàn chân. Lúc đó, do máu chảy quá nhiều nên ông đã ngất xỉu và suýt nữa thì đã hy sinh tại trận. Thời gian này, mẹ tôi đang hoạt động cùng đơn vị trong đoàn văn công (thuộc Huyện đội Đông Giang, tỉnh Quảng Đà cũ). Sau đó, cha tôi được đưa ra Bắc an dưỡng. Tại đây, ông đã được đào tạo học “con chữ Bác Hồ” tại trường Sỹ quan Lục quân II, đóng ở Thạch Thất (Hà Tây cũ) và hoàn thành chương trình đào tạo y tá quân y.

 

Sau thời gian an dưỡng, cha tôi tiếp tục được đơn vị cho ra chiến trường chiến đấu trở lại. Cuộc hành quân đầu tiên của đơn vị ông là về vùng Đông Nam nước bạn Campuchia, phối hợp với lực lượng quân đội Campuchia dẹp loạn chế độ quân phiệt độc tài Khơmer Đỏ đang hoành hành. Trở về từ chiến trường, có một thời gian cha tôi về phục vụ tại Huyện đội Đông Giang với chức vụ Trợ lý dân quân; rồi sau đó có một thời gian ông giữ chức vụ Huyện đội phó huyện Đông Giang. Sau giải phóng, cha tôi đã tự nguyện xin về phục viên tại quê nhà… 

 

Sau này, mỗi khi có dịp vui cha tôi thường kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm của một thời chinh chiến gian nguy. Nhưng có một chuyện mà mỗi lần kể cho chúng tôi nghe, mắt ông thường sáng lên một vẻ tự hào. Đó là chuyện lần đầu tiên ông bắn rơi chiếc máy bay trực thăng của Mỹ bằng súng trường. Sau đó ông được BCH Quân sự tỉnh Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) tặng Bằng khen và một khẩu súng tiểu liên AK. Trong suốt một thời trai trẻ góp công kháng chiến, cha tôi đã bắn hạ được tất cả 4 chiếc máy bay các loại của Mỹ, hạ gục được không biết bao nhiêu tên Mỹ ngụy, trực tiếp chỉ huy giải phóng hàng chục cuộc bao vây phục kích của địch,… Sau những chiến công đó, cha tôi cũng được Đảng, Nhà nước và Bộ Chính trị tặng nhiều Bằng khen, Chứng nhận, Huân – Huy chương các loại,…được treo trang trọng trên một góc nhà.

 

Gìn giữ kỷ vật suốt 35 năm

 

Đã 35 năm nay, kể từ sau ngày giải phóng, những kỷ vật thời chiến mà cha tôi đem về từ chiến trường, quân ngũ luôn được mẹ tôi cất giữ cẩn trọng. Bà gom những kỷ vật ấy ở một nơi kín đáo, rất cẩn thận. Nhất là từ khi cha tôi qua đời…

 

Ai nhìn thấy, cũng bảo mẹ tôi là người rất cẩn thận và chu đáo. Nhưng bà không trả lời mà chỉ mỉm cười và nâng niu những kỷ vật ấy như chính người con của mình. Bà bảo: “Ngày trước, khi cha các con còn sống, ông ấy đã giữ những kỷ vật này rất cẩn thận rồi. Chừ, mặc dù ổng đã mất đi nhưng những kỷ vật này cũng vẫn còn đây nguyên vẹn, như chính cha các con vẫn đang còn sống nơi đây cùng chúng ta”.

 

Kể ra, thì  những kỷ vật thời chiến của cha tôi cũng khá  nhiều. Nào là cái tấm Bi-đông đựng nước, chiếc muỗng hiệu US của Mỹ, sổ lưu bút, ảnh chụp thời chiến, dây thắt lưng quân đội, vỏ đạn ống tên lửa, chiếc dao găm có khắc tên ông, những tấm Bằng khen, giấy khen, chứng nhận, Huân – Huy chương các loại…được gìn giữ nhiều năm nay.

 

Tôi còn nhớ  như in cái thời mình còn trần truồng như con nhộng. Như nhiều đứa trẻ khác, tôi thường lấy những chiếc nắp vỏ ống đạn tên lửa làm chiêng, rồi bứt vỏ thân chuối khô làm dây đeo lên người. Mặc dù “chiêng” đánh không kêu vang nhưng bọn con nít chúng tôi lấy làm thích thú lắm. Phải công nhận, nhờ những kỷ vật ấy mà giờ đây nhiều đứa trong số chúng tôi biết đánh cồng chiêng trong mùa lễ hội. Thậm chí, cái Bi-đông cũng thường được tôi lấy dùng làm chỗ đựng nước mỗi khi theo mẹ lên nương…

 

Với những kỷ vật này, gia đình chúng tôi luôn xem như “bảo bối”, vật quý giá nhất trong nhà. Ai có hỏi, cũng được chúng tôi giải thích rõ ràng và cặn kẽ rằng: đó là những kỷ vật thiêng liêng nhất của cha tôi để lại. Những kỷ vật đã đi theo cha tôi suốt những cuộc đời gian khó nhất của thời chiến và sẽ còn theo mãi, theo mãi như chính khi người còn sống…

 

Alăng Ngước