1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Su-34 tấn công Ukraine nhưng bom liên tục "rơi" xuống đất Nga?

Minh Phượng

(Dân trí) - Chỉ trong 2 tuần, Su-34 của Nga đã "đánh rơi" ít nhất 14 quả bom lượn có điều khiển xuống vùng biên giới Belgorod giáp Ukraine. Chuyện gì đang xảy ra với loại vũ khí đang được đánh giá cao này?

Vì sao Su-34 tấn công Ukraine nhưng bom liên tục rơi xuống đất Nga? - 1

Tiêm kích đa năng Su-34 Nga (Ảnh: Military Watch Magazine).

Thành tích không che giấu được khuyết điểm

Bước vào năm thứ ba của cuộc xung đột Nga - Ukraine, cuộc đối đầu giữa hai nước ngày càng trở nên khốc liệt, các loại vũ khí của cả hai bên đã được huy động gần hết. Với Nga đó là các loại bom hàng không, được sử dụng ở mức gần tối đa.

Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm, không quân chiến thuật Nga đã thả 3.500 quả bom vào các vị trí của quân đội Ukraine, theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Ivan Gavrilyuk. Con số này gấp 16 lần so với năm 2023.

Không quân chiến thuật Nga, đã thả trung bình 250 quả bom mỗi ngày, chính thức thay thế hỏa lực pháo binh, trở thành nỗi kinh hoàng thực sự đối với binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến.

Nhờ phần lớn vào hỏa lực mạnh mẽ từ trên trời, lực lượng Moscow đã có thể nhanh chóng đánh sập pháo đài kiên cố Avdiivka. Không quân Nga gần đây tranh thủ thời tiết tốt và phòng không Ukraine tê liệt, đã tăng đáng kể số lượng các cuộc tấn công bằng bom vào các mục tiêu đối phương.

Bom không chỉ phá hủy mục tiêu kiên cố, mà còn được thả xuống các vành đai rừng trồng, nơi quân Ukraine thường trú ẩn, thậm chí còn chi viện trực tiếp theo yêu cầu của bộ binh Nga ở những chiến trường trọng điểm.

Không thể phủ nhận việc không quân chiến thuật của Nga hồi sinh với bom lượn có điều khiển, được cải tiến từ bom thường, đã giúp lực lượng chiến đấu mặt đất của họ thuận lợi hơn rất nhiều.

Tuy nhiên "mặt trái của tấm huy chương" đã hiện rõ trong việc sử dụng bom lượn. Đó là trong thời gian qua, đã ghi nhận nhiều quả bom rơi xuống khu vực Belgorod của Nga, kênh ASTRA của Nga cho biết.

Những trường hợp bom bị "đánh rơi" xảy ra trong các chuyến bay chiến đấu của máy bay Nga, khi thực hiện không kích vào lãnh thổ Ukraine đã được ASTRA thống kê như sau:

Ngày 30/3, hai quả bom FAB-500 nặng 500kg đã được tìm thấy cách làng Kryukovo ở vùng Belgorod 2km; Ngày 20/3, bom FAB rơi ở 2 làng Vvedenskaya Gotnya và Zamostya.

Hai quả bom FAB-250 nặng 250kg nữa được tìm thấy vào ngày 22/3 gần làng Shalaevo, quận Valuysky và cách làng Kozynka cùng quận 5km.

Ngày 21/3, hai quả FAB-500 cũng được phát hiện gần làng Antonovka ở quận Grayvoronsky và gần làng Kryukovo ở quận Borisovsky.

Ngày 25/3, một quả FAB-50 được tìm thấy gần làng Smorodyno ở quận Ykovlevsky. Tuy nhiên, do những bức ảnh chưa được công bố rộng rãi, nên không biết liệu loại bom này có được phân loại chính xác hay không. Cùng ngày, một quả FAB-250 được tìm thấy gần làng Zybyno ở quận Borisovsky.

Trong ngày 27/3, một quả FAB-500 được tìm thấy gần làng Bessonovka.

Sáng 28/3, một quả FAB-250 khác được phát hiện gần làng Bezymenne. Theo ASTRA, hơn 140 người dân của làng đã được sơ tán, đến tối, quả bom đã được gỡ bỏ và tiêu hủy. Cùng ngày, một quả FAB-500 được tìm thấy ở làng Nechaevka. Cũng trong ngày 28/3, một quả bom lượn FAB-1500 nặng 1,5 tấn, bị rơi từ máy bay Su-34 của Nga gần Belgorod, giữa các làng Bessonovka và Vesela Lopan.

Việc bom Nga rơi xuống lãnh thổ Liên bang Nga giáp biên giới với Ukraine có thể là do mô-đun cánh lượn UMPK mà Nga cài đặt trên bom của họ nhằm tăng tầm bay, đã gặp trục trặc khi cánh lượn không mở được, khiến bom rơi tự do.

Theo thống kê của ASTRA, đây không phải là lần đầu tiên bom Nga rơi ở vùng Belgorod, mà ngay từ khi đưa vào sử dụng hồi tháng 3/2023, loại bom lượn cải tiến từ bom thường của Nga, đã xảy ra trục trặc và vùng Belgorod là nơi thường xuyên phải chịu cảnh "bom lạc" của chính máy bay Nga. Lý do là khu vực này nằm sát biên giới.

Vì sao Su-34 tấn công Ukraine nhưng bom liên tục rơi xuống đất Nga? - 2

Bom lượn gắn trên Su-34 để tác chiến ở Ukraine (Ảnh: Telegram).

Bom sử dụng mô-đun UMPK của Nga là gì?

Bom lượn được xếp vào nhóm vũ khí tấn công tầm xa, về bản chất là một loại vũ khí dẫn đường chính xác.

Không giống bom truyền thống rơi tự do sau khi rời khỏi máy bay, bom lượn dựa vào lực đẩy sau khi rời máy bay (nguyên lý ném lao) và thiết kế khí động học hoặc đôi cánh để lướt về phía mục tiêu.

Quá trình bay, bom được dẫn đường bởi hệ thống định vị gắn kèm, thông qua hệ thống cánh lái hoa thị.

Bom lượn có khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, giúp giảm nguy cơ thiệt hại phụ. Chúng được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến như INS, GPS, laser, truyền hình…, giúp đánh trúng mục tiêu một cách chính xác ngay cả từ khoảng cách xa.

Những yếu tố trên khiến chúng đặc biệt hiệu quả trong chiến tranh hiện đại, nơi độ chính xác thường quan trọng hơn sức mạnh.

Một khả năng quan trọng khác của bom lượn là tầm bay xa của chúng. Điều này có nghĩa là chúng có thể được phóng từ một khoảng cách an toàn, cho phép máy bay nằm ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không đối phương, giúp cải thiện đáng kể khả năng sống sót.

Trước kia Không quân Nga phân biệt rõ ràng loại bom thường (FAB) và bom dẫn đường (KAB). Bom thường rơi tự do được thả trực tiếp từ máy bay xuống mục tiêu thông qua máy ngắm trên máy bay, như hệ thống SVP-24 của Nga.

Bom KAB có thể thả từ xa, thông qua các hệ thống dẫn đường vô tuyến, laser… điều khiển chính xác vào mục tiêu, chẳng hạn loại bom KAB 1500LG-PE. Thông thường loại bom KAB của Nga thường trang bị thêm động cơ đẩy, nên nó giống một tên lửa hành trình được phóng từ trên không.

Ưu điểm của bom KAB là mức chính xác cao, nhược điểm là giá thành cao, không thể sử dụng với số lượng lớn. Thực chất Nga cũng có rất ít bom KAB.

Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, do thiếu bom KAB, nên máy bay Nga phải thả bom FAB bằng cách bay trên đầu mục tiêu hoặc ném bom theo kiểu bổ nhào.

Phương pháp ném bom lạc hậu này, đã khiến nhiều máy bay tiêm kích hiện đại của Nga trở thành nạn nhân của tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) và đặc biệt các hệ thống phòng không cơ động của Liên Xô mà Ukraine sở hữu gồm Tor-M1, Buk-M1, OSA hay Strela-10, khiến không quân chiến thuật Nga rơi vào khủng hoảng, thậm chí có giai đoạn hạn chế xuất kích tối đa.

Từ tháng 3/2023, Nga tiến hành thử nghiệm mô-đun cánh lượn và hiệu chỉnh phổ quát (UMPK) trên các loại bom FAB, biến chúng thành bom thông minh với giá rẻ, giống với bom JDAM-ER của Mỹ.

Điều quan trọng nhất là mô-đun UMPK do Nga sản xuất có chi phí thấp, chỉ từ 10.000-20.000 USD/bộ, nên đã bổ sung cho Quân đội Nga số vũ khí dẫn đường chính xác giá rẻ rất lớn.

Vì sao Su-34 tấn công Ukraine nhưng bom liên tục rơi xuống đất Nga? - 3

Dây chuyền sản xuất bom FAB-3000 và FAB-1500 của Nga (Ảnh: MOD).

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của bom lượn?

Với mô-đun UMPK, Nga có thể sử dụng trên nhiều loại bom khác nhau, như bom phá (FAB), dùng cho các mục tiêu kiên cố; bom chùm (RBK) tiêu diệt sinh lực lộ thiên và phương tiện cơ giới hạng nhẹ và cả bom nhiệt áp (ODAB) với các mục tiêu sinh lực ẩn nấp trong công sự, tòa nhà kiên cố...

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là dù bom lượn có hiệu quả cao, nhưng chúng không phải là không có hạn chế. Các yếu tố như thời tiết, hoạt động của hệ thống dẫn đường và các biện pháp đối phó của đối phương có thể ảnh hưởng đến độ chính xác và hiệu quả của chúng.

Với những quả bom trang bị mô-đun UMPK của Nga, thì nguyên lý mở cánh lượn vẫn là một bí mật (khi chưa rời máy bay, đôi cánh lượn của bom được xếp gọn). Theo quan sát trên video, sau khi rời máy bay, một thiết bị nổ được kích hoạt, giải phóng lẫy giữ, giúp đôi cánh bung ra cho bom bay lướt về mục tiêu.

Cận cảnh Su-34 Nga cất cánh, thả bom lượn tấn công mục tiêu

Tóm lại, bom lượn Nga có khả năng thực hiện các đòn tấn công chính xác từ khoảng cách an toàn, khiến chúng trở thành vũ khí quan trọng, giúp lực lượng mặt đất Nga chiến đấu có hiệu quả, đặc biệt là trước các mục tiêu được bảo vệ kiên cố của Ukraine. Tuy nhiên, không phải không có những sai sót, có thể do công nghệ bom cánh lượn của Nga vẫn chưa hoàn chỉnh.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine