1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc "tuýt còi" các dự án nhà chọc trời

Minh Phương

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cảnh báo, các đại đô thị ở nước này "không thể mở rộng vô hạn" và chính phủ buộc phải "tuýt còi" các dự án nhà chọc trời.

Trung Quốc tuýt còi các dự án nhà chọc trời - 1
Các tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm ở Trung Quốc cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng. (Ảnh minh họa: AFP)

Hắc Long Giang, một tỉnh đông bắc Trung Quốc, gần đây đã trở thành một trong các địa phương triển khai chỉ thị của chính phủ trung ương Trung Quốc về việc kiềm chế cơn sốt nhà chọc trời. Cụ thể, Hắc Long Giang tuyên bố cấm xây dựng các tòa nhà cao quá 500m.

Hồi tháng 4, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một chỉ thị nói rằng sẽ kiểm soát chặt việc xây dựng các tòa nhà cao hơn 250m, xem xét thận trọng tính cần thiết của việc xây dựng các tòa nhà trên 100m và siết quy định đối với xây dựng các khu phức hợp có diện tích sàn vượt 30.000m2.

Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Trung Quốc nhấn mạnh, thay vì theo đuổi các dự án quy mô lớn, bắt chước lối kiến trúc của nước ngoài, gây sự chú ý bằng thiết kế "độc", việc xây dựng các tòa nhà mới ở các thành phố phải "phù hợp với mục đích sử dụng, tiết kiệm, có thẩm mỹ và xanh".

Theo thống kê của Hội đồng về nhà cao tầng và môi trường sống đô thị có trụ sở tại Mỹ, 5 trong số 10 tòa nhà cao nhất thế giới, và 44 trong số 100 tòa cao nhất thế giới là ở Trung Quốc. Tháp Thượng Hải là tòa nhà cao thứ hai thế giới với chiều cao 632m, 128 tầng. Lọt vào top 10 tòa nhà cao nhất thế giới ở Trung Quốc còn có Trung tâm Tài chính Bình An (gần 600m).

Tháp Goldin Finance 117 cao gần 600m hay còn gọi là China 117 xây dựng cách đây 12 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Khó khăn tài chính khiến việc xây dựng bị đình trệ từ năm 2015. China 117 là một phần lý do khiến Trung Quốc suy nghĩ lại về các tòa nhà chọc trời và những tòa nhà quá khổ. Mục đích của lệnh cấm xây dựng các tòa nhà chọc trời của chính phủ Trung Quốc là nhằm giúp các thành phố trở nên bền vững hơn.

Lâu nay, các tòa nhà chọc trời vẫn được xem là biểu tượng của sự giàu có và tiên tiến và cũng là công cục nhằm tối đa hóa sử dụng đất đai trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, về lâu dần, chi phí xây dựng và bảo dưỡng chúng cũng tăng, việc bảo đảm an toàn trong trường hợp hỏa hoạn càng trở nên khó khăn hơn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cảnh báo rằng, các thành phố không thể mở rộng mãi. Trong dài hạn, các đô thị cần phải kiểm soát mật độ dân số. Trong bối cảnh mật độ dân số ở Bắc Kinh và Thượng Hải thậm chí cao hơn cả ở Tokyo và New York, ông Tập nhấn mạnh, chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ phát triển ngoại ô các thành phố lớn.

Tuy nhiên, giáo sư Chen Ju của Đại học Kiến trúc và Kỹ thuật Chiết Giang, cho rằng nhà cao tầng là kết quả không thể tránh khỏi của quá trình đô thị hóa khi người dân có xu hướng chuyển từ các vùng nông thôn đến các thành phố lớn để có việc làm thu nhập cao hơn. Theo dữ liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc, hơn 60% dân số nước này sống ở các khu vực đô thị tính đến cuối năm 2019. Ông Chen nhận định, nhu cầu phát triển nhà cao tầng ở Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào chính sách đô thị hóa trong tương lai.