1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Nhật đang đàm phán khai thác đất hiếm ở Việt Nam"

(Dân trí) - Nhật Bản một mặt nỗ lực đàm phán với Trung Quốc để nước này duy trì lượng xuất khẩu đất hiếm như trước kia, mặt khác cũng tìm kiếm các nguồn đất hiếm từ các nước khác, trong đó có Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật hôm nay cho hay.

"Nhật đang đàm phán khai thác đất hiếm ở Việt Nam" - 1

Đất hiếm được dùng trong công nghệ xe "lai điện" như loại Toyota Prius Plug-In Hybrid của Nhật

Kể từ khi nổ ra căng thẳng Trung – Nhật sau vụ va chạm của tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật dẫn đến vụ bắt giữ thuyền trưởng tàu cá, phía Nhật cho biết Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang nước này, một mặt hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ngành công nghiệp của Nhật. Đất hiếm được dùng trong mọi sản phẩm từ bóng đèn cho đến xe hơi tiết kiệm nhiên liệu.

 

Tại cuộc họp báo chiều nay ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Satoru Satoh cho biết, hiện Nhật một mặt đang đàm phán với Trung Quốc để nước này duy trì lượng xuất khẩu đất hiếm như trước kia, mặt khác cũng tìm kiếm các nguồn khác để nhập khẩu kim loại này. Và Việt Nam là một trong những nguồn rất có tiềm năng. Ông cho biết hiện các công ty của Nhật đang đàm phán với Việt Nam về việc khai thác nguồn kim loại này.

 

Trong khi đó, mới đây tờ Nikkei Business của Nhật cho hay hai công ty Toyota Tsusho và Sojitz hiện đã sẵn sàng cho việc mở rộng hoạt động khai thác đất hiếm tại Việt Nam.

Ngoài ra công ty Sumitomo Corp cũng đặt mục tiêu sẽ bắt đầu vận chuyển đất hiếm từ Việt Nam sang Nhật vào đầu năm 2013. Hiện công ty Sumitomo cũng đang tiến hành khảo sát tại tỉnh Yên Bái, Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của các nhà khoa học địa chất, trữ lượng đất hiếm ở vào khoảng 10 triệu tấn phân bố rải rác ở các mỏ quặng vùng Tây Bắc và dạng cát đen phân bố dọc theo ven biển các tỉnh miền Trung.

Cho đến cuối năm 2009, Trung Quốc nắm giữ 97% sản lượng toàn cầu của 17 kim loại đất hiếm và cũng chiếm 60% lượng tiêu thụ. Từ năm 2005, Bắc Kinh đã bắt đầu giảm 10% lượng đất hiếm xuất khẩu mỗi năm. Nhưng tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đột ngột cắt giảm 72% định mức xuất khẩu cho cuối năm 2010. Nhật Bản, nước nhập khẩu đến gần 60% lượng đất hiếm từ Trung Quốc, chịu ảnh hưởng nặng nhất từ động thái của Bắc Kinh.

Bắc Kinh giải thích việc siết chặt cung cấp đất hiếm ra bên ngoài là nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước cũng đang rất cần đến các kim loại hiếm.

 

Tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 17 đang diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam, sáng nay Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara đã bày tỏ lo ngại về chính sách của Trung Quốc đối với đất hiếm. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc không dùng đất hiếm làm “công cụ mặc cả”.

 

Phan Anh