1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đáp trả tối hậu thư của Ukraine, nêu giải pháp cho xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng hội nghị hòa bình về Ukraine tại Thụy Sĩ chỉ nhằm thảo luận "tối hậu thư" của Kiev.

Nga đáp trả tối hậu thư của Ukraine, nêu giải pháp cho xung đột - 1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Tass).

"Hội nghị Thụy Sĩ được triệu tập chỉ để thảo luận về "công thức hòa bình" của (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky như một tối hậu thư", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với truyền thông sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hôm 21/5.

"Không có gì ngạc nhiên khi chính Thụy Sĩ, bao gồm cả các nhà ngoại giao, nói rằng hội nghị này không phải nhằm xây dựng những cây cầu để đạt được hòa bình mà là để hỗ trợ Ukraine", ông Lavrov nói thêm.

Đề cập đến sáng kiến hòa bình của Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga chỉ ra rằng "sáng kiến này đã đặt ra nhu cầu tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của tình hình khi phương Tây quyết định sử dụng Ukraine để phá hoại lợi ích chính đáng của Nga".

"Sáng kiến của Trung Quốc dự tính xem xét các nguyên nhân gốc rễ và đạt được thỏa thuận loại bỏ những nguyên nhân này bằng cách đảm bảo trên thực tế nguyên tắc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt, trong đó an ninh của tất cả các quốc gia tham gia đều được đảm bảo như nhau. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với điều này", ông Lavrov nói thêm.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga chỉ ra rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi thảo luận về vấn đề Ukraine với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris, "đã nói rõ ràng rằng phía Trung Quốc sẽ ủng hộ việc tổ chức một hội nghị quốc tế, nhưng điều này cần phản ánh lợi ích của cả Nga và Ukraine một cách bình đẳng và sẽ dựa trên rất nhiều ý tưởng và sáng kiến".

Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh rằng chính người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã xác nhận công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky là sáng kiến duy nhất được thảo luận tại hội nghị hòa bình.

"Các đề xuất khác, như ông ấy nói, đã biến mất cách đây vài tuần. Các đề xuất khác đã được các nước châu Phi, Brazil, Liên đoàn các quốc gia Ả Rập, cũng như Trung Quốc đưa ra", ông Lavrov cho biết.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết bất kỳ quyết định nào được đưa ra từ hội nghị về Ukraine tại Thụy Sĩ đều sẽ "vô hiệu".

"Hội nghị về Ukraine ở Thụy Sĩ sắp diễn ra. Rõ ràng, kết quả của cuộc gặp gỡ này sẽ vô hiệu: các cuộc đàm phán hòa bình không bao giờ được tổ chức chỉ với một bên trong cuộc xung đột", ông Medvedev bình luận trên mạng xã hội X.

Thụy Sĩ đã mời hơn 160 phái đoàn đến dự hội nghị về Ukraine, bao gồm các nước G7, G20 và BRICS. Sự kiện dự kiến được tổ chức vào ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock.

Nga vẫn chưa được mời tham dự hội nghị. Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ không tham gia hội nghị về Ukraine ở Thụy Sĩ hoặc bất kỳ sự kiện nào khác về "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky.

Cuối năm 2022, Tổng thống Zelensky nêu ra công thức hòa bình gồm 10 điểm, trong đó yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và bồi thường chiến tranh. Kiev coi công thức này là nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm nào với Moscow nhằm kết thúc xung đột.

Tuy nhiên, Moscow cho rằng những điều kiện này là phi lý, không chấp nhận được. Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nhưng phải dựa trên "các thực tế mới", nói cách khác là Ukraine phải thừa nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Cách đây hơn 1 năm, Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong số các đề xuất mà Bắc Kinh đưa ra có việc các bên cần tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia, từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, ngừng hành động thù địch, nối lại hòa đàm.

Bản đề xuất của Trung Quốc cũng nhấn mạnh "tất cả các bên nên hỗ trợ Nga và Ukraine đi cùng một hướng, nối lại đàm phán trực tiếp càng sớm càng tốt để từng bước xoa dịu tình hình và đạt được một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện".

Ngoài ra, Trung Quốc tin rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương và gây sức ép tối đa của phương Tây không thể giải quyết được vấn đề, ngược lại, chỉ kéo theo những vấn đề mới. Đề xuất cũng nêu rõ, việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được.

Bản kế hoạch nêu rõ, đối thoại, đàm phán là cách khả thi duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, và Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực trong tiến trình đó.

Trong khi Nga ủng hộ đề xuất của Trung Quốc, phương Tây tỏ ra không mặn mà.

Theo Tass